Tổng quan về máy tạo nhịp tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử đặc biệt được sử dụng trong y khoa dùng để hỗ trợ điều hòa nhịp tim ở các bệnh nhân có nhịp tim không đều trong bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, tổn thương sau nhồi máu cơ tim hay các bệnh về van tim... Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản nhất về máy tạo nhịp cũng như hoạt động máy tạo nhịp tim.

1. Máy tạo nhịp tim là gì?

Tim là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, giữ chức năng quan trọng trong hệ tuần hoàn. Tim được ví như một chiếc máy bơm, giúp bơm máu mang theo các chất dinh dưỡng và dưỡng khí đi theo các động mạch đến các bộ phận cơ quan trong cơ thể để nuôi dưỡng và đảm bảo hoạt động sống của mọi cơ quan nội tạng cũng như các tế bào. Nhờ có tim mà mọi hoạt động sống của cơ thể được duy trì ổn định. Do đó, bất kể một sự rối loạn nào xảy ra ở tim đều có ảnh hưởng đến cơ thể.

Trong tất cả các vấn đề của tim, rối loạn nhịp tim là một tình trạng thường gặp nhất gây nên nhiều ảnh hưởng đến cơ thể như:

Để hạn chế được tình trạng này, năm 1889, người ta đã bắt đầu tiến hành các nghiên cứu về xung điện tim. Đến năm 1956, tại Hoa Kỳ, người ta đã tiến hành thành công ca đầu tiên cấy ghép máy tạo nhịp vào cơ thể sống và đến năm 1973, Việt Nam đã thành công với ca cấy đầu tiên tại quốc gia, Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nên đến năm 1990, máy tạo nhịp mới được phát triển mạnh mẽ và ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Máy tạo nhịp tim là một trong những thiết bị điện tử đặc biệt được sử dụng để hỗ trợ trong các bệnh lý tim mạch. Máy tạo nhịp có hai đặc điểm nổi bật:

  • Thứ nhất: Máy có khả năng phát hiện và phân tích được các hoạt động chức năng trong hệ thống điện học của tim.
  • Thứ hai: Sau khi phân tích được hoạt động chức năng điện học của tim, máy tạo nhịp sẽ dựa vào đó để tự động tạo ra các nhịp phát xung điện một chiều có chu kỳ rồi thông qua các dây điện cực kích thích trực tiếp vào cơ tim, từ đó làm cho cơ tim được hoạt động co bóp theo chính chu kỳ đó. Đây chính là hoạt động máy tạo nhịp tim trong cơ thể nhằm hỗ trợ để đảm bảo cho hoạt động chức năng của tim không bị suy yếu hay gián đoạn.

Cấu tạo của máy tạo nhịp tim gồm có 2 phần chính là máy tạo nhịp tim và dây điện cực.

Máy tạo nhịp (Pacemaker):

  • Đây là bộ phận chính của máy tạo nhịp tim.
  • Cấu tạo máy tạo nhịp gồm:
  • Pin: Với các máy tạo nhịp ngày nay chủ yếu đều sử dụng pin Lithium - lodin do có đặc tính sử dụng bền lâu, có thể đảm bảo năng lượng hoạt động cho máy trong khoảng từ 8 đến 10 năm.
  • Đầu nối với điện cực được làm bằng nhựa epoxy có các lỗ cắm để nối các dây điện cực lại với nhau.
  • Ngoài ra còn có bộ vi xử lý, bộ nhớ và mạch điện tử có khả năng lưu trữ các chương trình và đảm bảo chức năng hoạt động cho máy tạo nhịp.

Máy tạo nhịp sẽ dựa vào đó để tự động tạo ra các nhịp phát xung điện một chiều có chu kỳ rồi thông qua các dây điện cực kích thích trực tiếp vào cơ tim
Máy tạo nhịp sẽ dựa vào đó để tự động tạo ra các nhịp phát xung điện một chiều có chu kỳ rồi thông qua các dây điện cực kích thích trực tiếp vào cơ tim

Máy tạo nhịp cũng như tất cả các thiết bị hay các yếu tố khác ngoài cơ thể, khi xâm nhập vào bên trong cơ thể, theo cơ chế miễn dịch đều bị nhận dạng là một kháng nguyên lạ cần được tiêu diệt và đào thải ra khỏi cơ thể. Để khắc phục điều này, giúp cho máy tạo nhịp có thể hoạt động bình thường trong cơ thể mà không bị phát hiện, người ta đã sử dụng chất liệu hợp kim để chế tạo lớp vỏ bao bọc quanh pin và bộ vi xử lý. Lớp vỏ hợp kim này phù hợp với điều kiện sinh lý của cơ thể nên cơ thể không thể nhận ra máy tạo nhịp.

Dây điện cực ( Electrode ):

  • Là một thành phần rất quan trọng của máy tạo nhịp tim.
  • Cấu tạo dây điện cực gồm 3 phần:

Đầu dây điện cực gắn trực tiếp vào cơ tim, có nhiệm vụ phát hiện các hoạt động điện học của tim và truyền các xung động điện một chiều của máy tạo nhịp đến cơ tim. Bởi vậy, phần đầu điện cực này được chế tạo rất đặc biệt để có thể cố định tốt vào thành cơ tim mà giảm được tối đa hiện tượng xơ hóa tại vị trí gắn

Thân dây điện cực

Gốc dây điện cực gắn trực tiếp với máy tạo nhịp

Để đưa máy tạo nhịp vào trong cơ thể, người ta có thể đưa bằng hai phương pháp: Đặt máy dưới nội mạc hoặc là đặt ở ngoại tâm mạc. Máy tạo nhịp có thể được đặt tạm thời hay vĩnh viễn trong cơ thể tùy theo tình trạng sức khỏe và các bệnh lý kèm theo của bệnh nhân.

Cấy máy tạo nhịp vào cơ thể cũng là một phẫu thuật phức tạp, do đó vẫn có thể có một số rủi ro gặp phải trong quá trình đặt máy như:

  • Đau tại vùng ghép máy thường xảy ra ở thời gian đầu mới đặt máy
  • Có thể sưng tấy, chảy máu tại vị trí ghép máy
  • Nhiễm trùng do chưa đảm bảo các yếu tố vô trùng trước, trong và sau phẫu thuật
  • Tổn thương mạch máu và thần kinh tại đó cũng như vùng lân cận
  • Xẹp phổi
  • Phản ứng với máy tạo nhịp và thuốc

2. Chỉ định đặt máy tạo nhịp và những lưu ý với bệnh nhân sau đặt máy

Chỉ định sử dụng máy tạo nhịp tim áp dụng cho các trường hợp nhịp tim không đều trong các bệnh lý tim mạch như:

  • Rối loạn nhịp tim (thường áp dụng phổ biến với các bệnh nhân bị nhịp tim chập) do bẩm sinh, do tuổi tác, do bị rung tâm nhĩ, hay do biến chứng sau nhồi máu cơ tim...
  • Bệnh tim bẩm sinh.
  • Bệnh van tim đặc biệt là các trường hợp sau phẫu thuật hở van tim
  • Suy tim.
  • Bệnh cơ tim phì đại có nghẽn đường ra thất trái

Những lưu ý đối với bệnh nhân có sử dụng máy tạo nhịp:

  • Trước, trong và sau khi đặt máy tạo nhịp trong cơ thể, bệnh nhân cần được theo dõi sát tại bệnh viện. Bác sĩ cần phải kiểm tra lại hoạt động của máy tạo nhịp trong cơ thể, điều chỉnh cho phù hợp với từng bệnh nhân. Nếu trong quá trình theo dõi không có vấn đề gì bất thường thì bệnh nhân có thể được về theo dõi tại nhà, khám định kỳ vào các mốc thời gian sau cấy máy 1 tháng, 3 tháng và định kỳ 6 tháng 1 lần. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường của cơ thể thì liên hệ bác sĩ đến khám sớm nhất có thể.
  • Sau cấy máy tạo nhịp, bệnh nhân có thể vận động đi lại và sinh hoạt bình thường. Hạn chế các công việc nặng nhọc, gắng sức, không chơi thể thao.
  • Khi lái xe cần lưu ý luôn đeo dây đai bảo hiểm và tránh không vắt ngang đai bảo hiểm qua vùng đặt máy tạo nhịp.
  • Không nghe điện thoại ở bên tai cùng phía với máy tạo nhịp do sóng điện thoại có thể ảnh hưởng đến máy.
  • Bệnh nhân sử dụng máy tạo nhịp, không được chụp cộng hưởng từ thậm chí là đến gần.
  • Lưu ý tất cả các thiết bị điện tử có từ tính hay từ trường như nam châm vì có thể gây rối loạn hoạt động máy tạo nhịp tim.

Sau cấy máy tạo nhịp, bệnh nhân có thể vận động đi lại và sinh hoạt bình thường
Sau cấy máy tạo nhịp, bệnh nhân có thể vận động đi lại và sinh hoạt bình thường

Nói chung, máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử được sử dụng chính để hỗ trợ hoạt động của hệ tim mạch. Song song với việc hỗ trợ sức khỏe tim mạch thì đồng thời cũng có những rủi ro khác đi kèm nếu như không được sử dụng máy đúng cách và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trước, trong cũng như sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe