Hỏi
Chào bác sĩ,
Em đang mang thai ở tuần thứ 17, siêu âm thì bác sĩ báo bị nhau tiền đạo, nhau bám mặt sau tới mép cổ tử cung. Bác sĩ cho em hỏi thai 17 tuần bị nhau tiền đạo có nguy hiểm không? Em cần phải làm gì để cải thiện tình trạng? Xin cám ơn
Vũ Thu Thảo (1993)
Trả lời
Chào bạn,
Với câu hỏi “Thai 17 tuần bị nhau tiền đạo có nguy hiểm không?”, xin được giải đáp như sau:
Nhau tiền đạo là tình trạng bánh rau không bám đáy ở tử cung mà một phần hoặc toàn bộ bánh rau bám ở vùng dưới tử cung và cổ tử cung, gây cản trở đường di chuyển của thai nhi ra ngoài bằng ngã âm đạo khi người mẹ chuyển dạ.
Thai phụ bị nhau tiền đạo bị ra máu đột ngột, lượng máu thay đổi, không kèm đau bụng, vào khoảng tuần thứ 20 (tức vào cuối 3 tháng giữa hoặc đầu 3 tháng cuối) của thai kỳ.
Căn cứ vào vị trí rau bám thì có 4 loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu, đó là:
- Rau tiền đạo bám thấp: Bờ bánh rau bám ở đoạn dưới tử cung, chưa đến lỗ trong cổ tử cung.
- Rau tiền đạo bám mép: Bờ bánh rau bám đến bờ lỗ trong cổ tử cung.
- Rau tiền đạo bán trung tâm: Bánh rau che kín một phần lỗ trong cổ tử cung.
- Rau tiền đạo trung tâm: Bánh rau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung.
Rau tiền đạo nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời gây ra những nguy hại đối với người mẹ và thai nhi như:
- Đối với người mẹ:
- Gây thiếu máu, thậm chí sốc mất máu đe dọa đến tính mạng, thai phụ có nguy cơ phải cắt bỏ tử cung
- Nguy cơ nhiễm trùng và truyền máu
- Đối với thai nhi: suy dinh dưỡng, suy thai, trẻ sinh non do rau tiền đạo dễ bị suy hô hấp, nguy hiểm nhất có thể tử vong thai nhi.
Đối với rau tiền đạo không có triệu chứng:
- Khám lâm sàng (không khám âm đạo) và siêu âm nhau tiền đạo để xác định vị trí rau bám.
- Thai phụ được khuyên kiêng giao hợp, hạn chế đi lại, không đi xa, không làm việc nặng, không tập luyện thể dục thể thao sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Khi thấy có cơn gò tử cung hoặc nhau tiền đạo bị ra máu, thai phụ cần nhập viện ngay.
Đối với nhau tiền đạo bị ra máu:
- Tùy theo mức độ ra máu và sự trưởng thành của thai nhi, bác sĩ sẽ ra quyết định chấm dứt thai kỳ hoặc dưỡng thai thêm.
- Khi được dưỡng thai thêm, thai phụ cần phải nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng và cố gắng dưỡng thai đến 32 - 34 tuần..
- Bất cứ trường hợp biến chứng nhau tiền đạo bị ra máu nào, thai phụ cần được đưa đến bệnh viện có khoa sản gần nhất để được điều trị kịp thời.
Mổ lấy thai đối với những trường hợp sau:
- Nhau tiền đạo bị ra máu nhiều không kể tuổi thai.
- Nhau tiền đạo trung tâm và thai đã đủ trưởng thành (có khả năng sống được khi ra khỏi buồng tử cung).
- Nhau tiền đạo bán trung tâm.
- Trường hợp rau bám thấp hoặc bám mép có thể sinh bằng ngã âm đạo nếu không kèm dấu hiệu bất thường nào khác.
- Một số trường hợp thai 27 tuần chẩn đoán nhau tiền đạo trung tâm nhưng đến khi thai đủ trưởng thành rau lại bám thấp thì vẫn có thể sinh bằng ngã âm đạo được. Vì vậy, để quyết định phương thức sinh, bác sĩ sẽ cho thai phụ siêu âm kiểm tra lại vị trí bánh rau.
Trong các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu thì nhau tiền đạo trung tâm gây nguy hiểm nhất do bánh rau che mất hoàn toàn cổ tử cung. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé trong suốt thai kỳ, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám thai đều đặn để kịp thời phát hiện những bất thường có thể xảy ra.
Nếu bạn còn thắc mắc về việc thai 17 tuần bị nhau tiền đạo, bạn có thể đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec thăm khám và tư vấn chính xác nhất. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.