Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Té ngã ở người cao tuổi là một vấn đề sức khỏe quan trọng trên toàn cầu. Té ngã có liên quan đến gia tăng tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh, giảm khả năng vận động, suy giảm chất lượng cuộc sống. Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến người cao tuổi bị té ngã.
Trong đó, quan trọng nhất là do sự suy giảm sức khỏe thể chất do lão hóa, kèm theo các bệnh lý mạn tính. Các nghiên cứu đã cho thấy, người cao tuổi thường hay mắc các bệnh mạn tính, và chính điều này làm tăng nguy cơ té ngã nhiều hơn.
1. Té ngã: Biến cố nguy hiểm ở người cao tuổi
Dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng. Số người trên 65 tuổi dự kiến sẽ tăng từ 524 triệu người năm 2010 lên gần 1,5 tỷ người vào năm 2050. Dân số già tăng nhanh là một vấn đề thách thức đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một phần ba số người trên 65 tuổi bị ngã ít nhất một lần mỗi năm và số lần ngã mỗi năm tăng theo độ tuổi và mức độ già yếu.
Nỗi sợ bị ngã có thể tăng lên sau biến cố té ngã ngay cả sau ngã không bị thương tích. Nỗi sợ bị ngã làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người cao tuổi, làm giảm vận động kéo theo đó là giảm chức năng. Điều đó làm tăng nhu cầu giúp đỡ trong các hoạt động hàng ngày ở người cao tuổi.
Té ngã ở người cao tuổi có khả năng gây tử vong và tốn kém chi phí y tế. Tỷ lệ tử vong liên quan đến té ngã ở người lớn tuổi ở Mỹ đã tăng từ 43 phần triệu (năm 2005) lên 62 phần triệu (năm 2016). Chi phí dịch vụ y tế liên quan té ngã được dự đoán sẽ vượt 50 tỷ đô la vào năm 2020 khi dân số ngày càng già hóa.
Bằng chứng cho thấy ước tính khoảng 90% trường hợp gãy xương hông là do ngã, dẫn đến hạn chế khả năng vận động cá nhân. Khoảng 2,8 triệu người lớn tuổi sử dụng dịch vụ cấp cứu mỗi năm do ngã không chủ ý và hơn 8 triệu bệnh nhân lớn tuổi phải nhập viện vì chấn thương do ngã.
2. Bệnh mạn tính: yếu tố nguy cơ hàng đầu gây té ngã
Một số bệnh mãn tính đã được xác định làm gia tăng tỷ lệ ngã, bao gồm bệnh Parkinson, suy tim, suy giảm nhận thức, đái tháo đường, viêm khớp, trầm cảm và bệnh thận mạn tính.
Ngoài ra, người cao tuổi cũng thường bị loãng xương càng làm tăng nguy cơ gãy xương khi bị té ngã. Theo thời gian, độ tuổi càng cao, con người càng mắc nhiều bệnh mãn tính. Người ta đã tìm thấy mối liên hệ giữa tiền sử té ngã với số lượng bệnh tật và sự suy giảm tình trạng sức khỏe. Theo đó, số lần té ngã tăng lên cùng với số lượng bệnh tật hiện mắc.
Tỷ lệ té ngã ở người cao tuổi sống trong cộng đồng có liên quan nhiều đến sự hiện diện của bệnh mãn tính. Tỷ lệ té ngã cao hơn đáng kể ở những người mắc bệnh mãn tính so với những người không mắc bệnh.
Tất cả các bệnh mạn tính riêng lẻ đều làm cho tỷ lệ té ngã tăng lên. Điều quan trọng là cả số lượng và loại bệnh mạn tính đều có vai trò trong biến cố té ngã. Đối với số lượng bệnh, tỷ lệ té ngã gia tăng tuyến tính với số lượng bệnh mạn tính hiện mắc, nghĩa là người mắc càng nhiều bệnh mạn tính sẽ có khả năng té ngã càng cao. Đối với loại bệnh mạn tính, khi xem xét các tổ hợp bệnh mãn tính, các nhà nghiên cứu nhận thấy hai nhóm bệnh nhân bị tăng nguy cơ té ngã so với các bệnh khác là tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Liên quan đến tăng huyết áp, có một số nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến té ngã ở người cao tuổi liên quan đến cả tình trạng bệnh lý và tác dụng phụ của thuốc điều trị.
Theo đó, các cơn tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp tư thế đều có thể gây té ngã. Những người cao tuổi bị tăng huyết áp không kiểm soát và hạ huyết áp tư thế đứng có nguy cơ bị ngã tái phát cao hơn 2,5 lần so với những người không bị hạ huyết áp thế đứng.
Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng làm tăng tỷ lệ té ngã. COPD gây rối loạn chức năng sinh lý gián tiếp tăng nguy cơ té ngã, chẳng hạn như suy giảm khả năng kiểm soát tư thế. Các cơ chế cụ thể mà COPD gây ra té ngã chưa được hiểu đầy đủ, nhưng rối loạn chức năng cơ xương và giảm oxy máu não đã được coi là những yếu tố góp phần thúc đẩy té ngã.
Bệnh mạn tính gây ra nhiều tác động phức tạp lên cơ thể và là yếu tố nguy cơ quan trọng gây té ngã ở người cao tuổi. Trong việc quản lý các vấn đề sức khỏe này, các bác sĩ lâm sàng có thể xem tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), và các bệnh mạn tính đồng mắc khác là những “dấu hiệu đỏ” đối với nguy cơ té ngã.
Trong bối cảnh dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng, cần xác định rằng việc điều bệnh mãn tính và phòng ngừa té ngã là hai mục tiêu có liên quan mật thiết với nhau trong vấn đề chăm sóc sức khỏe ở người cao tuổi.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.