Bài viết được viết bởi TS, BSCK I Bùi Hạnh Tâm, Khoa Gây mê giảm đau - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 80% khi bệnh ung thư vú được chẩn đoán sớm và can thiệp đúng thời điểm. Cùng với việc tăng tỷ lệ sống thì việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người phụ nữ sau phẫu thuật vú hay còn gọi đoạn nhũ là một việc quan trọng không kém.
Các phương pháp điều trị ung thư vú (phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, hormon) đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc này có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm sau khi liệu trình điều trị đã chấm dứt. Người bệnh có thể có các triệu chứng: Đau dai dẳng, bệnh thần kinh ngoại vi do hoá chất, phù bạch huyết tay cùng bên, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, nhiễm độc tim mạch hay mất xương. Các tác dụng phụ này gây ảnh hưởng đến các hoạt động sống, dẫn đến người bệnh không tuân thủ điều trị.
1. Nguyên nhân thường gặp
Sau phẫu thuật, đau dai dẳng thường do 4 nguyên nhân
- Đau “vú ma” tại vị trí vú đã cắt: Người bệnh vẫn có cảm giác còn vú và đau.
- Đau thần kinh liên sườn - cánh tay do sự thay đổi cảm giác trong vùng cơ thể chi phối bởi nhánh thần kinh này.
- Đau vết sẹo do u thần kinh: Đau tại vùng sẹo trên vú, ngực, cánh tay, khởi phát hoặc đau tăng lên khi sờ chạm phải.
- Đau do tổn thương thần kinh khác: Đau ngoài vùng chi phối của thần kinh liên sườn cánh tay do quá trình phẫu thuật như thần kinh ngực dài, thần kinh cơ ngực, thần kinh ngực lưng và thần kinh liên sườn...
Trắc nghiệm: Những lầm tưởng và sự thật về ung thư vú
Ung thư vú có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nữ giới khiến họ rất lo sợ bản thân mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, không ít chị em có những hiểu biết thái quá về ung thư vú. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn loại bỏ được những nghi ngờ không đúng về căn bệnh này.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Tình trạng đau dai dẳng sau các phương thức điều trị
2.1 Đau dai dẳng sau phẫu thuật
Đau dai dẳng dạng u thần kinh tại vết sẹo sau phẫu thuật chiếm khoảng 23-50%. Khoảng 1/2 bệnh nhân cắt u vú kết hợp nạo vét hạch và xạ trị bị đau nhiều hơn chỉ cắt toàn bộ vú. U thần kinh có thể liên quan đến sự tái tạo thần kinh theo vị trí rạch da, động tác mổ và đốt điện các dây thần kinh trong quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật khối u vú có thể giải quyết triệt để ung thư nếu bệnh nhân đến sớm và điều trị tích cực, kịp thời. Tuy nhiên, một số trường hợp, khi u đã phát triển ở giai đoạn có di căn hạch hoặc xâm lấn thì điều trị tiếp tục sau phẫu thuật là bắt buộc. Lúc này, nguy cơ đau dai dẳng, đau mãn tính sau phẫu thuật là một thách thức với cả bệnh nhân và bác sĩ. Tuy vậy, đau mãn tính trong điều trị ung thư vú chưa được quan tâm đúng mức và đôi khi bị bỏ qua, khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh rất kém.
2.2 Đau dai dẳng sau điều trị hormon
Bệnh nhân ung thư vú sau mãn kinh hoặc có đau hệ cơ xương khớp sẵn có, làm hạn chế vận động và giảm hoạt động sống. Đau thường có tính chất đối xứng, đau do cứng khớp ở khớp vai, cánh tay, cẳng tay, chân, khớp háng và khung chậu. Đau có thể do viêm bao hoạt dịch, phù gân, mỏng gân, ngón tay cò súng hoặc hội chứng ống cổ tay.
2.3 Đau dai dẳng sau điều trị hoá chất
Giai đoạn ung thư vú tiến triển, có di căn là một giai đoạn cần sự phối hợp tốt của bệnh nhân và bác sĩ. Hoá trị là nguyên nhân gây đau thần kinh ngoại vi do liều gây độc của hóa chất gây nên. Điển hình là cảm giác tê bì, kiến đốt, giảm cảm giác, yếu mỏi - gây giảm chất lượng cuộc sống, mất cân bằng, ngã dẫn tới tổn thương khác như gãy xương, tổn thương dây chằng...
Hóa chất hàng đầu gây tổn thương thần kinh ngoại vi là Paclitaxel. Có 67% bệnh nhân có biểu hiện đau do tổn thương thần kinh ngoại vi ngay trong liệu trình điều trị Paclitaxel. Khoảng 27% bệnh nhân đau thần kinh ngoại vi là hậu quả của điều trị hoá chất này. Số có biểu hiện ngay trong liệu trình điều trị sẽ có nguy cơ gấp 3 lần tiến triển thành đau mãn tính do tổn thương thần kinh ngoại vi về lâu dài.
2.3 Đau dai dẳng sau xạ trị
Theo các nghiên cứu mới nhất, 6 triệu chứng điển hình trong liệu trình điều trị xạ trị là cảm giác mất hết năng lượng, lo lắng, khó ngủ, cảm giác buồn ngủ, vã mồ hôi và đau. Đau thường xuất hiện muộn từ 6 tháng đến 20 năm sau. Xạ trị gây tổn thương thần kinh có thể do quá trình xơ hoá, thiếu máu cục bộ và hiện tượng viêm.
Có khoảng 30- 40% người bệnh sau phẫu thuật vùng ngực có đau dai dẳng. Khi có cắt khối, nạo vét hạch hoặc đoạn nhũ thì tỷ lệ có thể lên tới 50% số bệnh nhân có đau dai dẳng, đau mãn tính sau phẫu thuật.
Vì vậy, sau khi điều trị ung thư vú, đừng ngần ngại đi khám hoặc tư vấn nếu sau phẫu thuật mà bạn hay người thân của bạn vẫn đau dai dẳng. Không nên mặc định các cơn đau dai dẳng sau điều trị là đương nhiên và chịu đựng đau. Quá trình điều trị ung thư có thể vẫn tiếp tục và việc gặp bác sĩ điều trị đau để tìm ra giải pháp giảm đau phù hợp cho mỗi người là vô cùng cần thiết nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng hiệu quả điều trị ung thư và kéo dài cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Tầm soát ung thư: Phương pháp phát hiện sớm bệnh, giảm chi phí điều trị và tỷ lệ tử vong do ung thư