Tế bào gốc phôi và những tranh cãi trong giới y học

Tế bào gốc phôi với khả năng biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể người, mang lại nhiều tiềm năng đột phá trong y học, từ việc điều trị các bệnh lý nghiêm trọng đến tái tạo mô và cơ quan. Tuy nhiên, những tranh cãi về đạo đức và các thách thức kỹ thuật cần được giải quyết để đảm bảo an toàn và hiệu quả của các liệu pháp này. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Hoàng Hương Diễm, Khối Sản xuất Tế bào - Trung tâm Công nghệ cao Vinmec. 

 1. Tế bào gốc phôi là gì? 

Tế bào gốc phôi là một loại tế bào gốc vạn năng có trong phôi thai giai đoạn đầu với khả năng đặc biệt là tự làm mới qua quá trình phân chia và biệt hóa thành ba lớp tế bào mầm của phôi sớm. Kỹ thuật này có tiềm năng vượt trội so với các loại tế bào gốc khác nhờ khả năng phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể người, từ tế bào da đến tế bào não.

Tế bào gốc phôi là các tế bào toàn năng được thu thập từ giai đoạn sớm nhất của phôi thai, thường từ 3 đến 5 ngày sau thụ tinh.
Tế bào gốc phôi là các tế bào toàn năng được thu thập từ giai đoạn sớm nhất của phôi thai, thường từ 3 đến 5 ngày sau thụ tinh.

Quá trình phát triển của tế bào gốc phôi bắt đầu từ trứng được thụ tinh tạo thành hợp tử lưỡng bội. Hợp tử này phân chia thành hai tế bào, mỗi tế bào này tiếp tục phân chia, dần hình thành phôi nang chứa từ 10–20 tế bào gốc phôi sau vài ngày. Khoảng một tuần sau thụ tinh, các tế bào này có khả năng nhân lên và biệt hóa thành các tế bào cần thiết để hình thành cơ thể người. 

2. Đặc tính của tế bào gốc phôi

2.1 Tính vạn năng

Đặc tính nổi bật nhất của tế bào gốc phôi là khả năng biến đổi thành mọi loại tế bào trong cơ thể, còn được gọi là tính vạn năng (pluripotency). Trong khoảng một tuần sau khi thụ tinh, các tế bào phôi sẽ dần mất đi một phần khả năng này và bắt đầu phát triển thành các mô, cơ quan khác nhau. Để thu thập tế bào gốc, việc lấy mẫu thường được thực hiện khi phôi phát triển từ 3 đến 5 ngày và trễ nhất là 7 ngày sau thụ tinh.

2.2 Khả năng tự đổi mới và sửa chữa cấu trúc

Tế bào gốc phôi còn có khả năng linh hoạt cao, đặc biệt quan trọng trong quá trình sửa chữa và tái tạo các mô hay cơ quan bị tổn thương trong cơ thể. Khi các mô hay cơ quan của cơ thể  bị hư hại và không thể tự phục hồi, các tế bào này có thể biệt hóa thành các tế bào cụ thể của mô hay cơ quan đó để hỗ trợ quá trình phục hồi. 

2.3 Sự phát triển

Một đặc điểm khác là tế bào gốc phôi có thể  tạo ra bất kỳ loại tế bào nào điều mà tế bào gốc trưởng thành không có, cho phép các nhà khoa học có cơ hội nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật điều trị mới cho nhiều bệnh lý khác nhau.

3. Tiềm năng trong y học

3.1 Phục vụ cho các nghiên cứu y học

Trong phòng thí nghiệm, các tế bào gốc phôi của con người có thể được biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt như tế bào thần kinh hoặc tế bào tim. Điều này cho phép các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên các tế bào người trưởng thành mà không cần lấy mẫu mô trực tiếp từ bệnh nhân. 

Việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc phôi cần được tiến hành một cách cẩn trọng, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận về mặt đạo đức.
Việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc phôi cần được tiến hành một cách cẩn trọng, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận về mặt đạo đức.

Thêm vào đó, nghiên cứu trên các tế bào gốc phôi có thể giúp hiểu rõ hơn về nguyên nhân của bệnh và phản ứng của tế bào với các loại thuốc mới. Qua đó, những nghiên cứu này còn hỗ trợ cá nhân hóa điều trị, nâng cao hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân.

3.2 Thay thế các cơ quan tổn thương 

Tế bào gốc phôi còn được kỳ vọng sẽ có khả năng thay thế các bộ phận bị tổn thương trong cơ thể nhờ vào khả năng biệt hóa thành các tế bào hình thành nên mô và cơ quan. Các nhà khoa học hy vọng sử dụng tế bào gốc để tạo ra các mô mới, từ đó có thể cấy ghép vào cơ thể để thay thế những phần bị hư hỏng, chẳng hạn như tế bào tim bị tổn thương sau nhồi máu cơ tim hoặc tế bào gan trong trường hợp xơ gan. 

4. Những tranh cãi trong y học

Việc sử dụng tế bào gốc phôi trong nghiên cứu y học hiện vẫn là một chủ đề gây tranh cãi sôi nổi giữa các nhà khoa học và các nhóm xã hội khác nhau. Với khả năng biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể, kỹ thuật này được kỳ vọng có thể mang lại hy vọng mới cho những bệnh nhân bệnh nặng mà các phương pháp điều trị hiện tại không còn hiệu quả. 

Tế bào gốc phôi được thu thập từ khối tế bào bên trong của phôi nang (blastocyst) tồn tại trong giai đoạn đầu của phôi phát triển, trước khi biệt hóa thành phôi ba lớp mầm. Các tế bào này là nguồn chính để thu thập tế bào gốc cho nghiên cứu, bao gồm ba nguồn chính: phôi dư thừa từ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), phôi được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ tinh trùng và trứng hiến tặng và phôi tạo ra bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT).

Việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc phôi cần được tiến hành một cách cẩn trọng, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận về mặt đạo đức.
Việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc phôi cần được tiến hành một cách cẩn trọng, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận về mặt đạo đức.

Mỗi nguồn trên đều đặt ra các câu hỏi đạo đức, khiến nhiều người phản đối sử dụng phương pháp này. Một số quan điểm cho rằng, phôi thai là "con người tiềm năng" và phá hủy phôi để lấy tế bào gốc là hành động chấm dứt sự sống. Trong khi đó, một số khác lại cho rằng, phôi chưa được cấy vào tử cung và chưa có các đặc tính con người, do đó không liên quan đến sự sống con người. 

Ở Mỹ, nghiên cứu về kỹ thuật này được hỗ trợ kinh phí nếu tế bào được hiến tặng không vì mục đích tài chính, từ các phôi dư thừa được tạo ra cho mục đích sinh sản và có sự đồng ý của người hiến tặng. Tuy nhiên, nghiên cứu về tế bào gốc từ phôi mới tạo hoặc nhằm mục đích nghiên cứu không được hỗ trợ kinh phí.

Bên cạnh đó, tế bào gốc trưởng thành, đặc biệt là từ máu cuống rốn hoặc mô cuống rốn, vẫn là lựa chọn được ưa chuộng do ít tranh cãi đạo đức hơn và đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị y học. Những tranh cãi về việc sử dụng kỹ thuật này vẫn còn nhiều và phức tạp, yêu cầu sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các bên liên quan để tìm ra giải pháp phù hợp cho tương lai của nghiên cứu y học.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe