Sự phát triển trong lĩnh vực thẩm mỹ da liễu cho phép chọn lựa nhiều phương pháp tẩy nốt ruồi khác nhau. Tuy nhiên, điều vẫn khiến bác sĩ và người bệnh lo lắng là khả năng để lại sẹo sau tẩy nốt ruồi. Theo đó, nguy cơ để vết sẹo tẩy nốt ruồi một phần phụ thuộc vào quy trình đã tiến hành, cơ địa người bệnh cũng như cấu trúc nốt ruồi. Trong đó, tẩy nốt ruồi bằng laser được hứa hẹn là cách hiệu quả với những nốt ruồi nông và có thể không để lại sẹo.
1. Lợi ích của việc tẩy nốt ruồi bằng laser
Năng lượng sử dụng từ tia laser trong y tế là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để loại bỏ các tế bào da. Các tia laser rất nhỏ và công lực mạnh đã được sử dụng rộng rãi sau một thời gian dài nghiên cứu và phát triển. Chính vì vậy, phương pháp này được coi là hoàn toàn an toàn để sử dụng trong cơ sở y tế và cực kỳ hiệu quả để loại bỏ nốt ruồi cùng các tổn thương da nói chung. Yêu cầu chính duy nhất là bệnh nhân phải đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt khỏi tia laser trong quá trình sử dụng.
Lợi ích chính của việc tẩy nốt ruồi bằng laser nói riêng là cơ chế này không xâm lấn so với các hình thức loại bỏ khác, như bằng phẫu thuật. Do không tiến hành cắt hay đốt da mà chỉ giống như bị sượt qua da, nguy cơ nhiễm trùng sau tẩy nốt ruồi bằng laser giảm đáng kể, qua đó giảm nguy cơ hình thành sẹo và thời gian chữa lành nhanh hơn. Điều này có thể đem lại sự yên tâm khi trả lời câu hỏi “Tẩy nốt ruồi bằng laser có để lại sẹo không”.
Tia laser cũng có một ưu điểm là có thể tiếp cận các vùng khác nhau trên cơ thể, như mặt hoặc mũi. Với một số trường hợp đơn giản, tẩy nốt ruồi bằng laser có thể điều trị trong một buổi.
2. Tẩy nốt ruồi bằng laser có hết không?
Các nốt ruồi nhô lên khỏi bề mặt da sẽ có nhiều khả năng được hưởng lợi từ việc điều trị tẩy nốt ruồi bằng laser. Theo đó, kết quả sau tẩy nốt ruồi bằng laser có thể được cam kết là hết hoàn toàn.
Tuy nhiên, có một số nốt ruồi lại có đặc điểm không thích hợp để loại bỏ bằng laser. Ví dụ nốt ruồi phẳng hoặc nốt ruồi có sắc tố / sậm màu cao.
Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của lựa chọn tẩy nốt ruồi bằng laser, bác sĩ da liễu cần thăm khám tình trạng nốt ruồi trên da kỹ lưỡng trước khi tư vấn phương pháp này hay nên lựa chọn các phương pháp tẩy nốt ruồi thay thế, nhằm tránh sai sót khi trả lời cho câu hỏi “tẩy nốt ruồi bằng laser có hết không” của khách hàng. Hơn nữa, cân nhắc chỉ định sinh thiết khi tẩy nốt ruồi có thể cần thiết trong một số trường hợp, ví dụ: nốt ruồi gần đây đã thay đổi về kích thước hoặc màu sắc, phương pháp phẫu thuật truyền thống nên ưu tiên hơn tẩy nốt ruồi bằng laser để lấy mẫu được gửi đi. Trong khi đó, sử dụng tia laser có nghĩa là nốt ruồi bị 'hóa hơi' một cách hiệu quả và không còn gì để gửi đi phân tích.
3. Tẩy nốt ruồi bằng laser có để lại sẹo không?
Vì tẩy nốt ruồi bằng laser không xâm lấn, chỉ can thiệp trên bề mặt da, tức giống như bị sượt qua da, nên phương pháp này thường được hứa hẹn là không để lại sẹo.
Tuy nhiên, khả năng này còn tùy thuộc vào cấu trúc của nốt ruồi được áp dụng. Theo đó, người bệnh cần được tư vấn kỹ lưỡng trước khi lựa chọn tẩy nốt ruồi bằng laser khi so sánh với các phương pháp khác. Cụ thể là với những nốt ruồi chỉ có cấu trúc khu trú ở lớp thượng bì, việc sử dụng phương pháp laser luôn được ủng hộ với tỷ lệ không để lại sẹo gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, với các nốt ruồi có chân xâm lấn sâu xuống dưới lớp trung bì hoặc sâu hơn nữa, tẩy nốt ruồi bằng laser có thể để lại sẹo lõm hoặc sẹo bị rỗ. Một số trường hợp kém may mắn có thể gặp phải kích thước của sẹo bằng hoặc to hơn nốt ruồi ban đầu, không đảm bảo được hiệu quả cải thiện thẩm mỹ về sau.
4. Các cách để ngăn ngừa và giảm sẹo tẩy nốt ruồi bằng laser
Mặc dù có ít khả năng để lại sẹo, người muốn tẩy nốt ruồi bằng laser nên tham khảo các cách sau đây nhằm chủ động phòng ngừa và tối thiểu nguy cơ hình thành sẹo sau thủ thuật.
4.1. Tránh ánh nắng mặt trời
Ánh nắng mặt trời có thể gây hại cho làn da khỏe mạnh, vì vậy hãy tưởng tượng ánh nắng có thể ảnh hưởng đến vết thương đang lành như thế nào. Vết thương mới có nhiều khả năng bị thâm và mất màu nếu tiếp xúc thường xuyên với tia UV.
Khi ra ngoài, hãy chắc chắn rằng vết sẹo sau tẩy nốt ruồi bằng laser được bôi kem chống nắng mạnh, ít nhất là SPF 30. Nếu có thể, hãy che vết sẹo bằng quần áo chống nắng. Cố gắng thực hiện điều này trong ít nhất sáu tháng sau khi làm thủ thuật.
4.2. Giữ cho vết thương luôn sạch sẽ
Các vết thương trên da có xu hướng lành hoàn toàn hơn khi chúng sạch và đảm bảo ẩm trong khi các vết thương và sẹo trên da khô có xu hướng mất nhiều thời gian để chữa lành hơn và ít có khả năng biến mất hơn.
Vì vậy, có thể hỏi ý kiến bác sĩ về một loại thuốc mỡ dưỡng ẩm vừa đủ để giảm sự hình thành sẹo trong khi vết thương sau tẩy nốt ruồi bằng laser vẫn đang lành. Ngược lại, việc sử dụng thuốc mỡ kháng sinh là không cần thiết, trừ khi bác sĩ chỉ định. Việc sử dụng thuốc mỡ kháng sinh không cần thiết có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như viêm da tiếp xúc hoặc vi khuẩn kháng thuốc.
4.3. Thử nghiệm các liệu pháp laser và ánh sáng bổ sung
Phương pháp điều trị bằng laser và nhuộm xung rất hữu ích cho nhiều loại sẹo khác nhau, bao gồm cả sẹo sau tẩy nốt ruồi bằng laser. Chúng thường được sử dụng để làm cho các vết sẹo lớn sẽ trông nhỏ hơn và giảm chú ý hơn.
4.4. Thử tiêm corticosteroid
Corticosteroid là hormone làm giảm viêm, dùng để điều trị nhiều tình trạng viêm ảnh hưởng đến da, khớp và các bộ phận khác của cơ thể. Tiêm corticosteroid có thể giúp giảm kích thước và sự xuất hiện của các vết sẹo, nhất là ở những người có cơ địa sẹo lồi.
Tóm lại, nốt ruồi rất phổ biến và thường vô hại về mặt y học. Tuy nhiên, mọi người thường muốn loại bỏ nốt ruồi trên gương mặt vì mục đích thẩm mỹ. Tẩy nốt ruồi bằng laser là lựa chọn hiệu quả, an toàn và ít khả năng để lại sẹo, do đó, người dùng sẽ yên tâm với băn khoăn “tẩy nốt ruồi bằng laser có hết không ”. Để đạt được điều này, người bệnh cần lựa chọn các cơ sở uy tín, bác sĩ có tay nghề cao cũng như biết cách chăm sóc da sau can thiệp để đảm bảo kết quả hài lòng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: .healthline.com - medicalnewstoday.com