Tập cho bé ăn thô như thế nào?

Khi bước vào giai đoạn phát triển thích hợp, các bé phải bắt đầu làm quen với thức ăn thô mỗi ngày. Tuy nhiên có nhiều mẹ than phiền rằng con vẫn chỉ thích những loại thực phẩm mềm, xay nhuyễn như ở giai đoạn ăn dặm. Vậy mẹ phải tập cho bé ăn thô như thế nào?

1. Tập cho bé ăn thô như thế nào?

1.1. Bắt đầu với cháo xay lợn cợn

Điều quan trọng khi tập cho bé ăn thô đó là cha mẹ nên kiên trì và động viên bé cố gắng từ những bước nhỏ nhất. Trước tiên phụ huynh cần thăm dò phản ứng của bé với thức ăn thô và món cháo xay lợn cợn còn hạt là sự lựa chọn hoàn hảo nhất.

Cháo của bé trong giai đoạn tập ăn thô nên chuyển dần từ đánh nhuyễn đến đánh còn lợn cợn, sau đó là vỡ hạt. Có thể luộc chín cà rốt, bí đỏ, súp lơ... sau đó xay sơ, không xay nhuyễn mịn sau đó trộn với cháo để bé bắt đầu học cách nhai và xử lý thức ăn thô.

Khi cho con ăn cháo vỡ hạt, trẻ cần rất nhiều thời gian để tập nhai và xử lý thức ăn thô. Lúc này cha mẹ đừng nên nóng vội, hãy chia nhỏ bữa ăn, tuyệt đối không kéo dài 1 bữa ăn của con trên 30 phút sẽ khiến bé bắt đầu sợ và có thể gây ra chứng biếng ăn.

1.2. Tập cho bé ăn thô với thức ăn mềm

Sau khi bé ăn được món cháo lợn cợn, phụ huynh hãy tiếp tục nâng cấp độ thô của thức ăn với các loại thức ăn mềm. Ở độ tuổi này bé có thể tiêu hoá các loại thức ăn mềm như đậu phụ, trứng rán, khoai lang hấp, khoai tây hấp, phô mai, trái cây chín (chuối, đu đủ, kiwi, xoài chín...), các loại rau hấp và thịt xay đã nấu chín... Lưu ý phụ huynh nên cho bé ăn bốc để bé cảm nhận thức ăn thô thật tốt bằng nhiều giác quan khác nhau.

Ví dụ đối với đậu phụ, cha mẹ có thể bắt đầu từ bước cho con ăn đậu phụ nghiền nát nhẹ, sau đó cắt miếng to bằng 1⁄2 đầu đũa. Mục tiêu là bé có thể ăn được miếng đậu phụ theo kích thước đã chuẩn bị, bé hứng thú với việc ăn món ăn mới, có phản xạ nhai và nuốt, không nôn oẹ, không nhè thức ăn ra ngoài.

1.3. Cắt thức ăn thành miếng như hạt ngô

Nếu quá trình tập cho trẻ ăn thô diễn ra thuận lợi, bé sẽ rất hứng khởi khám phá những món ăn mới, đặc biệt bé sẽ thích chinh phục thức ăn có kích thước bằng hạt ngô.

Ở giai đoạn này mẹ có thể chế biến cháo nguyên hạt nấu bung chín, sánh mịn kết hợp với các nguyên liệu khác được cắt nhỏ như hạt ngô. Lúc này hệ tiêu hoá của bé đã có thể tiết ra dịch vị để xử lý và kích thích bé ăn ngon hơn và phát triển kỹ năng nhai, phát triển cơ hàm của bé. Mẹ nên thường xuyên thay đổi khẩu phần ăn lạ miệng, trang trí bắt mắt và đặc biệt phải luôn kiên trì với con. Mẹ có thể bổ sung thêm các loại men vi sinh cho bé để hạn chế các vấn đề rối loạn tiêu hoá như đi ngoài phân sống, tiêu chảy, táo bón...

Tuy nhiên nếu bé bị nhợn và nôn khi ăn cháo lợn cợn còn hạt thì mẹ hãy quay bước xay vừa nhuyễn để tiếp tục thăm dò bé. Đến khi bé có thể tự ăn được những món ăn có kích thước cỡ 1 đốt ngón tay thì quá trình tập cho trẻ ăn thô của mẹ đã thành công.


Khi tập cho bé ăn thô, mẹ nên cắt thức ăn thành miếng như hạt ngô
Khi tập cho bé ăn thô, mẹ nên cắt thức ăn thành miếng như hạt ngô

2. Hướng dẫn mẹ cách tập cho bé ăn từ giai đoạn ăn dặm đến ăn thô

2.1. Giai đoạn 1 (6 tháng tuổi)

Giai đoạn này bé chỉ bắt đầu tập làm quen với quá trình ăn dặm, kỹ năng của bé lúc này “nuốt chửng”. Vì vậy mẹ cần nấu cháo loãng theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước sau đó rây qua lưới thật nhuyễn, có thể kèm thêm nước hầm rau củ để làm cháo loãng hơn nếu cảm thấy cháo quá với bé đặc.

Với các loại củ, mẹ nên rây ngay sau khi vừa hấp hoặc luộc xong, lúc này rau củ còn nóng rây sẽ dễ dàng hơn. Nên cho bé ăn phần lá rau vì lá thường mềm và nhiều chất dinh dưỡng. Thức ăn cho bé tập ăn dặm sau khi chế biến phải ở dạng loãng sánh hơn sữa một tí, dần dần có thể chuyển sang dạng mịn như sữa chua.

Kỹ năng mà bé học được trong giai đoạn tập cho trẻ ăn thô này đó là kỹ năng phản xạ của lưỡi, đưa và đẩy thức ăn từ trước ra sau rồi nuốt. Hai tuần đầu tiên tập ăn cha mẹ chỉ cần cho bé ăn 1 bữa chính, sau đó có thể kèm thêm 1 bữa phụ. Các loại rau củ quả thường chọn ở giai đoạn này: bí đỏ, cà rốt, bí ngòi, khoai tây, khoai lang, củ cải, bí xanh, súp lơ, rau bina, rau ngót, rau dền, mướp, chuối, bơ, lê, táo, đu đủ, xoài, đào...

2.2. Giai đoạn 2 (7 - 8 tháng tuổi)

Giai đoạn này cha mẹ có thể nấu cháo cho bé theo tỉ lệ là 1 gạo : 7 nước. Nửa đầu của giai đoạn này cháo sau khi đã nấu chín vẫn cần rây tuy nhiên rây cháo theo tỉ lệ 8 phần rây : 2 phần nghiền bằng muỗng. Đến khi bé được khoảng tháng 7 rưỡi - 8 tháng thì không rây mịn nữa mà chỉ cần nghiền bằng muỗng là được.

Với rau củ quả hấp/luộc cần nấu nhừ sao cho dùng 2 ngón tay nhẹ nhàng bóp nát là nát, rây theo tỉ lệ 8 phần rây: 2 phần dùng nĩa dầm nát và tăng độ thô dần sau vài ngày. Đến giữa giai đoạn 2, rau củ quả luộc nhừ có thể chỉ cần thái hạt lựu như hạt đậu đen.

Với nhóm thực phẩm cung cấp đạm: Cá hấp cần tán cho tơi (khi còn nóng), thịt băm hoặc xay nhuyễn nhưng vẫn còn khá to, hoà với nước rồi nấu với lửa nhỏ, mẹ có thể rây 8 phần, 2 phần còn lại giữ nguyên và tăng độ thô dần tương tự như đối với rau củ. Yêu cầu của thức ăn giai đoạn này là thức ăn có chất mềm như đậu hũ non.

Sau giai đoạn nuốt chửng khi mới bắt đầu ăn dặm, giai đoạn này lưỡi của bé bắt đầu hình thành phản xạ đẩy thức ăn lên xuống giữa hàm trên và hàm dưới để làm tan thức ăn.

Số bữa ăn của bé giai đoạn này nên bao gồm 2 cữ chính và 1 cữ phụ. Khi đó, cha mẹ có thể giới thiệu cho con những món ăn mới làm từ lòng đỏ trứng gà, tiếp đến là các loại cá thịt trắng (như cá lóc, cá chép, cá chẽm...) rồi đến các loại cá biển như cá hồi, cá ngừ. Ngoài ra, tập cho bé ăn thô giai đoạn này có thể sử dụng các loại thực phẩm sau để chế biến thức ăn: ức gà, tôm sông, lươn, cua đồng, thịt chim bồ câu, thịt heo, thịt bò...


Trẻ 7-8 tháng đã có thể ăn được rau củ nấu nhừ khi bắt đầu tập ăn thô
Trẻ 7-8 tháng đã có thể ăn được rau củ nấu nhừ khi bắt đầu tập ăn thô

2. 3. Giai đoạn 3 (từ 9 - 11 tháng tuổi)

Khi bước vào độ tuổi này nghĩa là bé đã có một khoảng thời gian đủ để quen với chế độ ăn mới, do đó kỹ năng nhai trở nên thành thục hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho mẹ nấu cháo với tỷ lệ 1:5 (1 phần gạo nấu với 5 phần nước). Sau đó, trẻ 11 tháng có thể chuyển sang cháo sệt nguyên hạt và cháo đặc nguyên hạt với tỷ lệ 1:3 (1 gạo và 3 nước).

Cách tập cho bé ăn thô với các loại rau củ có thể khác giai đoạn trước đó. Các loại củ quả được mẹ thái to hơn và đôi khi có dạng hình que (dài 5mm) để bé tập nhai.

Đối với nhóm thực phẩm cung cấp đạm, các món ăn cho bé có thể chế biến đa dạng hơn như hấp, xào, luộc, chiên.

Mức độ thô của món ăn tương đương với quả chuối, kích thước bằng hạt đậu đỏ là phù hợp. Tập cho trẻ ăn thô giai đoạn này diễn ra thuận lợi hơn vì bé đã có khả năng tự cầm ăn.

Kỹ năng ăn uống của bé giai đoạn này khác biệt ở hoạt động của lưỡi. Trẻ đã bắt đầu có những phản xạ lưỡi để đưa thức ăn sang 2 bên và hàm đã có phản xạ nhai.

Bữa ăn của bé giai đoạn 3 vẫn nên duy trì 2 bữa chính và 1 bữa phụ. Mẹ có thể giới thiệu các món ăn mới làm từ cá biển loại nhỏ, tôm cua biển, mực, nội tạng, tim, gan...

2. 4. Trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi

Ở độ tuổi này bé có thể ăn được những thức ăn cứng và có thể cắn thức ăn bằng lợi. Để phù hợp với nhu cầu nhai của bé, mẹ nên chế biến thức ăn thành nhiều hình dạng khác nhau, đầu giai đoạn này bé có thể tập ăn cơm nát, đến giữa và sau giai đoạn này bé có thể ăn cơm mềm giống như người lớn, mẹ có thể giúp bé tập thói quen tự lập bằng cách tự xúc ăn.

Với rau củ vẫn phải hấp/luộc mềm sau đó cắt nhỏ tầm 1cm, với nhóm cung cấp đạm trẻ cũng có thể ăn đa dạng hơn, cá có thể thái hạt lựu lăn qua bột mì chiên giòn, làm chả cá hoặc món cá kho mềm; đậu phụ có thể để nguyên rồi xắn từng miếng cho bé ăn, thịt có thể hầm với rau củ...

Yêu cầu của thức ăn trong giai đoạn này đó là mẹ cần chế biến thành nhiều hình dạng đa dạng hơn, độ cứng của thức ăn tương đối như thịt để bé tập nhai. Lúc này lưỡi của bé đã di chuyển thuần thục hơn, răng của bé đã có phản xạ nhai tốt hơn và lực nhai mạnh hơn.

Giai đoạn 12 - 18 tháng tuổi bé có thể ăn 3 bữa chính và 1 bữa phụ mỗi ngày. Các loại hải sản có vỏ cứng như sò, hến, ngao, hào...có thể được thêm vào thực đơn của con. Lưu ý, trẻ trên 1 tuổi có thể ăn được lòng trắng trứng, thức ăn của bé có thể bắt đầu nêm gia vị trong thức ăn nhưng cần nêm nhạt hơn so với người lớn.


Trẻ 12-18 tháng tuổi khi ăn thô đã có thể cắn được thức ăn cứng
Trẻ 12-18 tháng tuổi khi ăn thô đã có thể cắn được thức ăn cứng

3. Lưu ý khi tập cho trẻ ăn thô

Để việc tập cho bé ăn thô hiệu quả, các mẹ có thể áp dụng công thức nhỏ giọt để phản ánh mức độ đặc của cháo như sau:

  • Giai đoạn mới bắt đầu, mẹ múc 1 thìa cháo và để nhỏ giọt xuống bát với tốc độ nhanh 2, 3 giọt mỗi giây;
  • Sau một thời gian giảm còn 1 giọt mỗi giây và cố gắng tiếp tục giảm số giọt dần dần;
  • Đến giai đoạn bé 7, 8 tháng tuổi thì thìa cháo chỉ được nhỏ 1 giọt mỗi 5 giây;
  • Giai đoạn trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi thì cháo của bé sẽ không còn nhỏ giọt xuống bát nữa.

Bất cứ khi nào mẹ muốn con mình thử một món ăn nào đó lần đầu tiên, việc cho bé ăn số lượng từ ít đến nhiều là cần thiết để theo dõi phản ứng của bé. Ngoài ra trong quá trình tập cho bé ăn thô, một số bé chưa quen rất dễ bị nôn oẹ nhưng không cần quá bận tâm vì tình trạng này sẽ hết sau vài hôm.

Tuy nhiên nhiều bà mẹ khi thấy con oẹ nhiều và sợ không dám tăng mức độ thô lên. Việc này dẫn đến bé không có khả năng tập nhai, sau này mỗi lần ăn bé chỉ nuốt chửng và nguy cơ cao bị nôn oẹ... Do đó, các mẹ nên áp dụng cách tập cho bé ăn thô đúng và phù hợp nhất.

Cách xử lý những trường hợp bé bị ọe khi ăn thô:

  • Ọe là một phản xạ an toàn của cơ thể khi đưa vào miệng những món ăn có kích thước, khối lượng không phù hợp. Phản xạ này giúp thức ăn không xâm nhập vào đường thở và không gây hóc dị vật;
  • Phản xạ ọe ở người lớn xuất phát ở phần cuống lưỡi, còn những bé từ 6 tháng đến dưới 1 tuổi có phản xạ ọe kích hoạt ngay ở đầu lưỡi nên khả năng ọe cao hơn rất nhiều;
  • Ọe là cách bé tự học tập, rút kinh nghiệm sau mỗi lần ăn uống. Khi trải qua điều này, các bé dần có thói quen không nuốt đồ ăn quá to và điều chỉnh khối lượng thức ăn phù hợp để tránh bị nghẹn;
  • Trường hợp bé có biểu hiện bị nghẹn, ho và cố gắng ọe để đẩy thức ăn ra ngoài, đồng nghĩa trẻ đang cố gắng tự giải quyết vấn đề. Việc cha mẹ cần làm lúc này là bình tĩnh quan sát con. Tuyệt đối không móc họng hay cho bé uống nhiều nước vì có thể làm thức ăn đi sâu hơn vào đường thở, tăng nguy cơ bị hóc dị vật nặng hơn.

Lưu ý khi cho bé tập ăn thô, mẹ nên bắt đầu từ số lượng ít thức ăn rồi tăng dần
Lưu ý khi cho bé tập ăn thô, mẹ nên bắt đầu từ số lượng ít thức ăn rồi tăng dần

Các bước xử lý khi bé bị hóc:

  • Cha mẹ cần nhận biết những biểu hiện nguy hiểm khi bé bị hóc, bao gồm trẻ im lặng, da niêm tím tái, không ho, khóc hay kêu được vì dị vật đã bít đường thở hoàn toàn;
  • Nếu cha mẹ có người giúp đỡ thì nhờ họ gọi xe cấp cứu, còn bản thân thì thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu khẩn cấp;
  • Nếu cha mẹ không tìm được người giúp đỡ thì thực hiện các bước sau: sơ cứu trước, sau đó gọi xe cấp cứu.
  • Một số dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ bị hóc, nghẹn cần gọi xe cấp cứu bao gồm: cổ họng bị sưng (có thể do dị ứng thức ăn), nhịp tim nhanh hoặc ngất xỉu đột ngột.

Không để bé ngồi một mình với thức ăn mà không có sự quan sát của người lớn, luôn thắt dây an toàn cho bé khi ăn để tránh bé ngã khỏi ghế ăn, chỉ cho bé ăn dặm khi bé đã có thể ngồi vững, không để bé chạy nhảy linh tinh khi ăn, không cố gắng đút đồ ăn vào miệng bé. Lưu ý mẹ nên bắt đầu với những thực phẩm an toàn, dễ cầm nắm, không dùng các các loại đậu, quả có hạt hay thức ăn dễ gây nghẹn.

Trong quá trình ăn thô, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:

Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Đối tượng sử dụng:

- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:

  • Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
  • Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
  • (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com

Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid

Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong

laminkid box 1

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe