Tăng khả năng mang thai ở bệnh nhân buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng rối loạn nội tiết phổ biến ở nữ giới không chỉ làm giảm khả năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng khác như chậm có con, hiếm muộn… Để tăng cơ hội có thai, phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang nên đi gặp bác sĩ để được khám và sử dụng một số phương pháp điều trị thích hợp.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ Lâm sàng - Trung tâm Sức khỏe phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?

1.1 Hội chứng buồng trứng đa nang

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường gặp một tình trạng rối loạn nội tiết tố phổ biến gọi là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc hội chứng Stein-Leventhal.

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường không đều, có khi ra huyết nhiều lần trong tháng, có khi lại quá 35 ngày mới ra huyết một lần, thậm chí có thể vài tháng mới có kinh, lượng máu kinh cũng có thể ít hoặc kéo dài.  

Bên cạnh đó, do thừa androgen nên người bệnh thường xuất hiện nhiều mụn trứng cá ở mặt và lưng, lông mọc rậm rạp ở tay, chân và mặt hoặc rụng tóc nhiều, hói đầu, dễ tăng cân và khó giảm cân.

Ngoài ra, phụ nữ bị buồng trứng đa nang khi trên 40 tuổi còn có nguy cơ cao mắc các bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp và hội chứng chuyển hóa… Thai kỳ của những người phụ nữ này cũng thường gặp nhiều biến chứng hơn phụ nữ bình thường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì vậy, phụ bị đa nang buồng trứng cần được theo dõi kỹ hơn khi có thai. 

Trong thai kỳ, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cần được theo dõi kỹ hơn.
Trong thai kỳ, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cần được theo dõi kỹ hơn.

1.2 Buồng trứng đa nang có vô sinh?

Mỗi tháng, các nang trứng nhỏ trong buồng trứng phát triển dưới tác động của nội tiết. Trong số đó, một nang noãn thường sẽ phát triển vượt trội và phóng noãn. Tuy nhiên, ở phụ nữ buồng trứng đa nang có hiện tượng rối loạn phóng noãn, tình trạng không phóng noãn xảy ra do không có nang nào phát triển vượt trội gây ra rối loạn kinh nguyệt và dẫn đến chậm có con, thậm chí hiếm muộn.

1.3 Buồng trứng đa nang có con được không?

Dù có khả năng thụ thai tự nhiên nhưng phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang vẫn thường đối mặt với tình trạng chậm có con hoặc hiếm muộn do rối loạn phóng noãn và kinh nguyệt không đều. Để tăng cơ hội và rút ngắn thời gian thụ thai, các phương pháp kích thích phóng noãn hoặc thụ tinh nhân tạo thường được áp dụng. 

Bệnh nhân bị buồng trứng đa nang có thể vô sinh
Bệnh nhân bị buồng trứng đa nang có thể vô sinh

2. Dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang

  • Kinh nguyệt không đều: Những chị em mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường gặp các rối loạn kinh nguyệt như vô kinh, kinh thưa hay chu kỳ kinh không đều.
  • Dư thừa androgen: Các dấu hiệu thực thể như rậm lông, mụn trứng cá nặng và hói đầu kiểu nam là hệ quả của nồng độ hormone nam tăng cao.
  • Béo phì: Rối loạn chuyển hóa dẫn đến phân bố mỡ không đều trên cơ thể chính là nguyên nhân khiến 30 – 50% phụ nữ mắc đa nang buồng trứng trở nên béo phì.
  • Thể tích buồng trứng lớn hơn 10ml hoặc có sự xuất hiện của nhiều nang nhỏ (từ 20 nang trở lên) trên hình ảnh siêu âm

Để chẩn đoán buồng trứng đa nang, người bệnh phải đáp ứng 2/3 tiêu chuẩn:

  • Rối loạn phóng noãn - kinh nguyệt.
  • Cường androgen được xác định qua lâm sàng hoặc xét nghiệm.
  • Hình ảnh buồng trứng đa nang được ghi nhận qua siêu âm. 
Béo phì là một nguyên nhân gây buồng trứng đa nang
Béo phì là một nguyên nhân gây buồng trứng đa nang

3. Tăng khả năng mang thai ở bệnh nhân buồng trứng đa nang

Để tăng khả năng có thai, phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có thể áp dụng nhiều phương pháp điều trị vô sinh như kích thích phóng noãn, đốt điểm buồng trứng hay thụ tinh trong ống nghiệm.

3.1. Điều trị nội khoa

Ở phụ nữ mắc buồng trứng đa nang, mục tiêu điều trị chủ yếu tập trung vào việc kích thích phóng noãn càng gần trạng thái sinh lý càng tốt, nghĩa là chỉ phóng một noãn duy nhất nhằm hạn chế các biến chứng quá kích buồng trứng và mang đa thai.

3.1.1 Gây phóng noãn bằng cách giảm cân

Để cải thiện tình trạng phóng noãn tự nhiên, người bệnh béo phì được khuyến cáo giảm cân bằng cách thực hiện chế độ ăn giảm năng lượng (giảm chất béo, tăng chất xơ) kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực. Việc giảm 5% trọng lượng cơ thể mang lại nhiều ý nghĩa lâm sàng

3.1.2 Thuốc tăng nhạy cảm insulin - metformin

Do tình trạng kháng insulin được cho là có liên quan đến việc gây không phóng noãn, metformin được sử dụng với mục đích phục hồi phóng noãn tự nhiên ở những người bị buồng trứng đa nang.

Những người béo phì thường gặp phải tình trạng kháng insulin và rối loạn dung nạp đường. Vì vậy, metformin thường được khuyến cáo sử dụng đối với những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang bị thừa cân và có kết quả xét nghiệm dung nạp đường bất thường.

Metformin không chỉ hỗ trợ giảm cân thông qua cơ chế tăng nhạy cảm insulin và giảm cường androgen mà còn được chứng minh là có khả năng cải thiện phóng noãn, mang thai và sinh sống.

3.1.3 Thuốc kích thích phóng noãn

Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang bị vô sinh hiếm muộn không kèm theo tổn thương hay tắc ống dẫn trứng có thể sử dụng thuốc ức chế men thơm hóa Letrozole để kích thích phóng noãn. So với clomiphen citrate, Letrozole ít gây ra nguy cơ đa thai hơn khi sử dụng. 

Bệnh nhân buồng trứng đa nang được chỉ định dùng thuốc nhằm kích thích phóng noãn
Bệnh nhân buồng trứng đa nang được chỉ định dùng thuốc nhằm kích thích phóng noãn

3.1.4 Thuốc gonadotropin

Ở những phụ nữ vô sinh do buồng trứng đa nang mà không có nguyên nhân vô sinh khác kèm theo, gây phóng noãn bằng Gonadotropin mới được xem là lựa chọn tiếp theo sau khi điều trị gây phóng noãn bằng đường uống đã thất bại.

Phương pháp này bắt đầu bằng liều FSH rất thấp, sau đó từ từ tăng lên cho đến khi đạt đủ nồng độ FSH để kích thích một nang noãn phát triển và phóng noãn tự nhiên.  

Để cải thiện phóng noãn và khả năng mang thai, Gonadotropin kết hợp với metformin có thể được sử dụng ở những bệnh nhân buồng trứng đa nang kháng clomiphene citrate.

3.2. Điều trị ngoại khoa

3.2.1 Nội soi đốt điểm

Mục tiêu của phẫu thuật nội soi đốt điểm buồng trứng đa nang là loại bỏ phần mô đệm và giảm lượng androgen nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phóng noãn, từ đó tăng khả năng thụ thai.

Phương pháp này có ưu điểm là gây rụng trứng với tỷ lệ khá cao, chu kỳ kinh nguyệt đều hơn và có hiện tượng phóng noãn theo chu kỳ. Tuy nhiên, nội soi đốt điểm hiện nay lại ít được sử dụng do nhược điểm là nếu đốt quá nhiều có thể gây suy buồng trứng và các biến chứng trong cũng như sau phẫu thuật.

3.2.2 Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Trong trường hợp không có chỉ định tuyệt đối cho thụ tinh trong ống nghiệm, sau khi thất bại với liệu pháp gây phóng noãn, IVF sẽ được tư vấn như một lựa chọn điều trị thứ ba cho những phụ nữ vô sinh do hội chứng buồng trứng đa nang. Trứng và tinh trùng sẽ được lấy ra khỏi cơ thể và thụ tinh nhân tạo trong môi trường in vitro để tạo thành phôi. Sau đó, phôi này sẽ được nuôi dưỡng và cấy vào buồng tử cung của người phụ nữ để phát triển.

Mặc dù phương pháp này có ưu điểm là giúp tối ưu hóa quá trình thụ tinh nhưng đối với người mắc buồng trứng đa nang, việc áp dụng phương pháp này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro như quá kích buồng trứng, mang đa thai và chi phí điều trị cao. Do đó, việc tuân thủ phác đồ điều trị và theo dõi sát sao là vô cùng quan trọng.  

Thụ tinh nhân tạo ( IVF) tăng cơ hội mang thai ở phụ nữ buồng trứng đa nang
Thụ tinh nhân tạo ( IVF) tăng cơ hội mang thai ở phụ nữ buồng trứng đa nang

3.2.3 Trưởng thành noãn trong ống nghiệm

Trong ống nghiệm, trứng non chưa trải qua giảm phân được nuôi dưỡng đến khi trưởng thành. Phương pháp này rất an toàn vì không cần kích thích buồng trứng, đồng thời còn đơn giản, thuận tiện từ đó giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe