Tăng insulin máu được định nghĩa là tình trạng insulin máu cao bất thường. Đây là một tình trạng liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2 nhưng cũng có thể là một yếu tố dẫn đến kháng insulin, béo phì và hội chứng chuyển hóa. Tuy khó nhận biết khi nào insulin tăng cao vì các triệu chứng thường không rõ ràng, tình trạng này vẫn có thể được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu khi kiểm tra các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
1. Tăng insulin máu là gì?
Khi một người bị tăng insulin máu, lượng insulin trong máu sẽ có khuynh hướng cao hơn bình thường.
Tuyến tụy tạo ra insulin, một loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách cho phép tế bào sử dụng và hấp thụ đường, hoặc glucose, từ máu. Nói một cách khác, các tế bào của cơ thể sử dụng glucose để cung cấp năng lượng để thực hiện các chức năng bình thường của chúng.
Vì vậy, cơ thể luôn cần insulin để giữ lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. Khi hoạt động bình thường, tuyến tụy sẽ tạo ra đủ insulin để điều chỉnh lượng glucose trong máu. Thông thường, insulin tăng cao trong máu do tụy tăng sản xuất sau bữa ăn, đặc biệt nếu bữa ăn có nhiều đường hoặc carbohydrate đơn giản.
Ngược lại, đề kháng insulin là nguyên nhân bệnh lý chính gây tăng insulin máu. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào của cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả. Sự đề kháng này dẫn đến lượng glucose trong máu cao hơn. Do lượng đường trong máu tăng cao, tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn để theo kịp quá trình xử lý đường trong máu. Chính vì thế, khái niệm tăng insulin máu khác với tăng đường huyết nhưng lại thường đồng thời đi kèm với nhau.
2. Nguyên nhân gây tăng insulin máu
Lượng insulin được bài tiết để chuyển hóa trong cơ thể sẽ phụ thuộc vào chủng tộc, giới tính, tuổi tác, chế độ ăn uống và mức độ hoạt động cũng như các yếu tố môi trường. Tất cả những điều này còn có thể liên quan đến độ nhạy cảm insulin của cơ thể. Do đó, nguyên nhân gây tăng insulin máu sẽ rất khó xác định.
Hơn nữa, tăng insulin máu cũng có thể xảy ra như một tác dụng phụ của phẫu thuật cắt bỏ dạ dày Roux-en-Y, có thể do quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng bị thay đổi do túi dạ dày mới được tạo ra và đường tiêu hóa bị rút ngắn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hiệu ứng này có thể đảo ngược khi đặt ống thông dạ dày vào dạ dày ban đầu.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, tăng insulin máu có thể do khối u của tế bào beta của tuyến tụy hoặc do sự phát triển quá mức của tế bào beta.
3. Các triệu chứng tăng insulin máu
Lượng insulin khi được bài tiết dư thừa có thể dẫn đến lượng đường trong máu trở nên thấp hơn mức bình thường, hệ quả là gây hạ đường huyết. Triệu chứng này sẽ dễ dàng nhận thấy ở trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được.
Trong khi đó, hầu hết các tình trạng tăng insulin máu thông thường là không gây ra triệu chứng.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, người bệnh sẽ biểu hiện các triệu chứng của hạ đường huyết có thể bao gồm:
- Tăng cảm giác thèm ăn đường và carbohydrate.
- Mệt mỏi.
- Khó giảm cân.
- Thường xuyên cảm giác đói hoặc đói cực độ.
4. Các biến chứng của tăng insulin máu
Trên thực tế, tăng insulin máu được xem là dấu hiệu ban đầu của rối loạn chức năng chuyển hóa lớn hơn và có liên quan đến các biến chứng sau:
- Bệnh lý tim mạch.
- Bệnh tiểu đường loại 2.
- Bệnh Alzheimer.
- Hội chứng cận ung, có sự kích thích của yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1).
Ở phụ nữ mang thai gặp tình trạng lượng đường trong máu không được kiểm soát, thai nhi tiếp xúc với lượng đường cao. Hệ quả là tuyến tụy của thai nhi phải sản xuất ra nhiều insulin hơn. Sau khi sinh, em bé sẽ tiếp tục bài tiết dư thừa insulin hoặc tăng insulin máu và sẽ bị giảm đột ngột lượng đường trong máu do không kịp cho ăn. Lúc này, trẻ cần được điều trị bằng cách bù glucose sau khi sinh và mức insulin sẽ thường trở lại bình thường trong vòng hai ngày.
5. Cách điều trị tăng insulin máu như thế nào?
Cách điều trị tăng insulin máu sẽ phụ thuộc vào việc xác định nguyên nhân gốc rễ trước tiên. Các lựa chọn điều trị chủ yếu bao gồm sử dụng thuốc và thay đổi lối sống tương tự như đối với bệnh tiểu đường loại 2.
5.1. Chế độ ăn uống và dinh dưỡng
Ăn uống lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn ít carbohydrate hơn, có thể đặc biệt hữu ích trong việc cải thiện độ nhạy insulin, giảm lượng đường trong máu cũng như giữ trọng lượng cơ thể ở mức ổn định.
Ba chế độ ăn kiêng đã được nghiên cứu kỹ về lợi ích trong việc kiểm soát đường huyết và tăng insulin máu:
- Chế độ ăn Địa Trung Hải: Thực hiện ăn nhiều protein nạc, hạn chế thịt đỏ, tiêu thụ nhiều rau và chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt và chất béo từ thực vật, như dầu ô liu.
- Chế độ ăn ít chất béo: Tập trung vào việc giữ cho chất béo thấp (khoảng 20% đến 35% tổng lượng calo), carbs tương đối cao (khoảng 45% đến 65% tổng lượng calo) và protein vừa phải (10% đến 35% tổng lượng calo).
- Chế độ ăn ít carb: Tập trung vào việc giữ lượng carb rất thấp (từ 10% đến 40% tổng lượng calo), đồng thời tăng lượng chất béo nhưng giữ lượng protein ở mức vừa phải.
Bất kể lựa chọn chế độ ăn kiêng nào hay cuối cùng áp dụng cân bằng tỷ lệ carbs/ protein/ chất béo như thế nào, người bệnh nên ăn thực phẩm tươi sống. Ăn nhiều rau, trái cây, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và tinh bột giàu chất xơ, đồng thời hạn chế thực phẩm chế biến và thực phẩm có thêm đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo.
Ngoài ra, một chế độ ăn uống rất giàu protein cũng có thể làm tăng insulin, vì vậy cần tránh lượng protein dư thừa.
5.2. Tập thể dục
Vì tập thể dục đã được chứng minh là cải thiện tình trạng kháng insulin, việc tham gia vào một chế độ hoạt động thể chất có thể hữu ích như điều trị chứng tăng insulin máu. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm béo phì và giữ gìn cân nặng lý tưởng.
Những động tác có thể ghi nhận hiệu quả cải thiện độ nhạy insulin:
- Bài tập sức bền: Điều này kết hợp nâng tạ hoặc các bài tập sử dụng trọng lượng cơ thể để tập từng nhóm cơ tại một thời điểm. Tập luyện sức bền có thể làm tăng khối lượng cơ, có thể giúp hấp thụ glucose và giảm sự phụ thuộc vào insulin.
- Tập thể dục nhịp điệu: Loại bài tập này điều hòa hệ thống tim mạch và hoạt động nhiều nhóm cơ cùng một lúc, ví dụ đi dạo nhanh, đi bộ vận động toàn thân, chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp hoặc khiêu vũ. Tập thể dục nhịp điệu có thể hữu ích tương tự trong việc tăng hấp thu glucose và giảm insulin.
- Bài tập cường độ cao ngắt quãng: Loại bài tập này kết hợp các đợt ngắn hoạt động mạnh, sau đó là các khoảng thời gian cường độ thấp hơn để giúp tăng sức bền và phục hồi nhanh chóng.
5.3. Dùng thuốc
Khi những cách thay đổi lối sống nêu trên không mang lại kết quả tương xứng, việc bổ sung thuốc có thể được cân nhắc.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng tăng insulin máu nói chung cũng giống như các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Một số loại thuốc điều trị tiểu đường tăng cường hoạt động của insulin đồng thời làm giảm lượng đường trong máu. Metformin là một trong những loại thuốc làm được điều này thành công.
Ngoài Metformin, các nhóm thuốc khác được phê duyệt như một chất hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện kiểm soát đường huyết ở những người bị bệnh tiểu đường bao gồm: Sulfonylureas, Thiazolidinediones, chất ức chế DPP-4, chất ức chế SGLT2, GLP-1 RA và dùng insulin nền tác dụng kéo dài trong ngày. Lúc này, cần tham vấn ý kiến bác sĩ về các loại thuốc điều trị tiểu đường phù hợp với bản thân, vừa có thể làm giảm lượng đường, vừa làm giảm mức insulin cần dùng hay ít nhất là không làm tăng insulin máu như một số thuốc vẫn làm.
Tóm lại, tình trạng tăng insulin máu có thể được quản lý và kiểm soát tốt nhờ cả việc dùng thuốc và thay đổi lối sống. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa tăng insulin máu, bệnh tiểu đường loại 2 và béo phì. Cần tích cực bảo vệ sức khỏe bằng cách thăm khám định kỳ như một cách phòng chống bệnh tật và các biến chứng nặng nề trong tương lai.
Nguồn tham khảo: verywellhealth.com; healthline.com; diabetes.co.uk; medicalnewstoday.com.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.