Tầm quan trọng của điều trị đau trong ung thư giai đoạn cuối

Các cơn đau do ung thư thường khiến cho người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu và suy sụp tinh thần. Chính vì vậy, việc điều trị đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có tầm quan trọng nhất định, giúp người bệnh nâng cao chất lượng sống và cảm thấy thoải mái hơn trong những ngày tháng cuối đời.

1. Tầm quan trọng của việc giảm đau cho bệnh nhân ung thư

Đau do ung thư có thể phát sinh từ một khối u chèn ép hay di căn đến các phần cơ thể lân cận; từ quá trình chẩn đoán và phương pháp điều trị; hoặc từ dây thần kinh, da và những thay đổi khác do sự mất cân bằng nội tiết tố, đáp ứng miễn dịch.

Hầu hết các cơn đau mãn tính (kéo dài) do bệnh gây ra, còn đau cấp tính (ngắn hạn) gây ra do quá trình điều trị hoặc chẩn đoán. Tuy nhiên, tình trạng đau kéo dài vẫn có thể bị gây ra do các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, phẫu thuật và hóa trị sau khi việc điều trị đã kết thúc.

Nếu những cơn đau do ung thư không được giải quyết, nó có thể làm cho các triệu chứng hoặc tác dụng phụ khác của ung thư trở nên tồi tệ hơn. Cơn đau có thể góp phần hoặc làm trầm trọng thêm sự mệt mỏi cho người bệnh. Điều quan trọng là tìm cách giảm đau giúp người bệnh ngủ ngon giấc, cải thiện sự thèm ăn.


Cơn đau có thể góp phần hoặc làm trầm trọng thêm sự mệt mỏi cho người bệnh
Cơn đau có thể góp phần hoặc làm trầm trọng thêm sự mệt mỏi cho người bệnh

2. Nguyên nhân gây đau trong ung thư

Các cơn đau của ung thư phần lớn bắt nguồn từ chính tình trạng bệnh, một số khác có thể xảy ra trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Các cơn đau có thể xuất phát từ các khối u, khi chúng thâm nhiễm vào các tổ chức mô và gây nhiễm trùng, hoặc đau do một số các thủ thuật chẩn đoán như tiêm tĩnh mạch, chọc hút, chọc đốt sống thắt lưng hay chọc dò ngực.

Một số phương pháp điều trị ung thư cũng có thể gây ra các cơn đau cho bệnh nhân, bao gồm:

  • Liệu pháp hormon, gây ra các cơn đau bộc phát
  • Hóa trị gây ra các bệnh lý như thần kinh ngoại biên, đau khớp, cơ, đau bụng do tiêu chảy hoặc táo bón, viêm niêm mạc
  • Xạ trị gây phản ứng da, xơ hóa, bệnh tủy sống, viêm ruột, bệnh thần kinh, rối loạn thần kinh, hoại tử xương
  • Liệu pháp miễn dịch gây đau khớp, đau cơ
  • Sử dụng thuốc ức chế mạch máu (bevacizumab) có thể gây đau xương
  • Phẫu thuật gây đau cơ sàn chậu, đau sau khi cắt cụt

3. Điều trị đau trong ung thư là gì?

Điều trị đau trong ung thư là việc sử dụng các phương pháp nhằm mục đích giảm cơn đau cho bệnh nhân ung thư, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái nhất có thể, nâng cao chất lượng cuộc sống và cuối cùng trải qua cái chết không đau đớn.

Điều trị đau cần bám sát với quá trình diễn tiến của ung thư theo thời gian. Bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị đau khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh. Những phương án có thể được cân nhắc khi điều trị đau bao gồm sử dụng thuốc giảm đau; làm gián đoạn, phá hủy hoặc kích thích con đường đau; tăng ngưỡng đau; đưa ra một lối sống hợp lý cho người bệnh tuân theo. Một số phương pháp khác cũng góp phần điều trị đau như hỗ trợ tâm lý và điều trị tâm linh cho bệnh nhân, giúp họ cảm thấy thoải mái và thư giãn.

4. Các loại chiến lược giảm đau trong ung thư

Sau khi đánh giá kỹ lưỡng cơn đau của bệnh nhân ung thư, chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ giúp người bệnh lên một kế hoạch giảm đau hiệu quả. Kế hoạch giảm đau này tập trung chủ yếu vào thể chất và cảm xúc của người bệnh, giúp những bệnh nhân mắc ung thư kiểm soát các cơn đau tốt hơn.

Các bác sĩ có thể điều trị hoặc kiểm soát cơn đau liên quan đến ung thư theo nhiều cách:

  • Điều trị nguồn cơn đau: Ví dụ, một khối u gây áp lực lên dây thần kinh có thể gây đau. Loại bỏ khối u bằng phẫu thuật hoặc thu nhỏ nó bằng xạ trị, hóa trị hoặc các loại thuốc khác có thể làm giảm hoặc chấm dứt cơn đau.
  • Thay đổi nhận thức về nỗi đau: Một số loại thuốc giúp cơ thể thay đổi cách cảm nhận về nỗi đau, làm cho người bệnh dễ chịu hơn.
  • Can thiệp vào các tín hiệu đau gửi đến não: Nếu thuốc không có tác dụng, bệnh nhân ung thư nên đến bác sĩ chuyên khoa đau để làm các thủ thuật y tế chuyên khoa, bao gồm các phương pháp điều trị cột sống hoặc thuốc giảm đau được tiêm vào hoặc xung quanh dây thần kinh để can thiệp vào tín hiệu đau.

5. Một số phương pháp giảm đau cho bệnh nhân ung thư

5.1 Sử dụng thuốc giảm đau

Đây là một trong những cách tốt để điều trị cơn đau do ung thư, ngăn cho cơn đau không phát triển và trở nên tồi tệ hơn. Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần dùng thường xuyên theo lịch trình để duy trì mức độ ổn định của thuốc trong cơ thể. Dưới đây là một số loại thuốc giảm đau có thể áp dụng cho bệnh nhân ung thư:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), bao gồm ibuprofen và acetaminophen
  • Một số thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như duloxetine (Cymbalta)
  • Các loại thuốc để ngăn ngừa co giật, chẳng hạn như gabapentin (Gralise) và pregabalin (Lyrica)

Sử dụng thuốc giảm đau
Sử dụng thuốc giảm đau

5.2 Liệu pháp phản hồi sinh học

Đây là liệu pháp giúp bệnh nhân ung thư theo dõi và kiểm soát các chức năng nhất định của cơ thể, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe như giảm đau, giảm căng thẳng, cải thiện các hoạt động thể chất và tinh thần cho người bệnh. Các nhà trị liệu sẽ đặt các cảm biến không đau lên cơ thể bạn.

Cảm biến sẽ phát hiện những thay đổi trong cơ thể, ví dụ như thay đổi nhịp tim, nhiệt độ da, mức độ căng cơ và mô hình sóng não của bạn. Khi phát hiện được những thay đổi, máy đo sẽ ngay lập tức phản hồi lại. Nhờ liệu pháp này, bạn có thể phát hiện sớm những gia tăng căng thẳng của cơ thể để thực hiện các bước thư giãn cơ bắp trước khi bị hành hạ bởi các cơn đau.

5.3 Các bài tập thở và thiền

Các bài tập thở nhẹ nhàng có thể giúp người bệnh giảm đau, thư giãn và giảm căng thẳng. Bạn có thể thực hiện ngay trên giường hoặc ngồi trên ghế. Hãy thử hít vào bằng mũi trong khi bạn chậm rãi đếm đến 3 trong đầu rồi thở ra nhẹ nhàng. Tiếp tục thực hiện trong vòng 5- 20 phút để đạt hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn ngồi thiền để làm dịu đi những cơn đau.

5.4 Các hoạt động giúp đánh lạc tâm trí khỏi nỗi đau

Để xoa dịu và quên đi nỗi đau, người bệnh nên thực hiện một số hoạt động sau:

  • Đọc sách
  • Tắm nước ấm
  • Đi dạo ngoài trời
  • Nghe nhạc
  • Xem một bộ phim
  • Vẽ
  • Làm may vá

5.5 Phương pháp nóng và lạnh

Có thể sử dụng đệm sưởi ấm hoặc túi đá để giảm đau. Áp dụng phương pháp nóng hoặc lạnh trong khoảng thời gian từ 5-10 phút ở nhiệt độ vừa phải. Tuy nhiên, không áp dụng các phương pháp này cho các trường hợp sau:

  • Các vùng da bị tổn thương
  • Không được sử dụng trực tiếp lên da trần
  • Khu vực bị tê
  • Các khu vực đã được xạ trị gần đây

5.6 Một số cách giảm đau khác

Massage, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, châm cứu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.net

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe