Tại sao vị giác của bạn thay đổi?

Đột nhiên món ăn yêu thích không còn hợp khẩu vị với bạn có thể là biểu hiện thay đổi vị giác. Có nhiều lý do khiến vị giác thay đổi làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. May mắn là hầu hết các trường hợp đều có thể kiểm soát và phục hồi nếu tìm ra nguyên nhân.

1. Tổng quan

Khi ăn, hai giác quan trong cơ thể sẽ hoạt động cùng lúc. Theo đó, vị giác tiếp nhận các hương vị, bao gồm bốn hương vị cơ bản: ngọt, mặn, chua và đắng. Đồng thời, khứu giác cho phép bạn thưởng thức hương thơm của thực phẩm.

Khứu giác và vị giác gần như không thể tách rời. Khi một trong hai vấn đề xảy ra, vị giác của bạn có thể thay đổi. Nếu yêu thích món ăn mình đang dùng, bạn sẽ ăn đủ no để nạp năng lượng cho hoạt động sống. Ngoài ra, khứu giác không chỉ giúp bạn thưởng thức mùi hương, mà còn có khả năng cảnh báo bạn về những nguy hiểm - ví dụ như mùi khói từ đám cháy. Vì vậy, việc tìm ra lý do tại sao vị giác của bạn thay đổi hoặc mất đi là điều rất quan trọng.

XEM THÊM: Rối loạn mùi vị: Những điều cần biết

2. Các nguyên nhân khiến vị giác thay đổi

2.1. Tuổi tác

Khi già đi, bạn có thể khó nhận ra mùi vị hơn. Một số phụ nữ có thể bắt đầu mất vị giác ở độ tuổi 40. Đối với nam giới, sự thay đổi vị giác có thể xảy ra ở độ tuổi 50. Ngoài ra, vị giác vẫn có thể suy giảm và trở nên kém nhạy hơn. Hương vị mặn và ngọt có xu hướng yếu đi trước. Sau đó, bạn sẽ dần khó nếm những thứ có vị đắng hoặc chua.


Vị giác có thể thay đổi khi tuổi càng cao
Vị giác có thể thay đổi khi tuổi càng cao

Khứu giác của bạn cũng có thể kém đi. Giác quan này mạnh nhất trong độ tuổi từ 30 - 60, sau đó bắt đầu yếu đi. Thậm chí một số người cao niên đã bị mất khứu giác.

Bạn không thể đảo ngược tình trạng suy giảm vị giác liên quan đến tuổi tác, nhưng tuổi tác không phải là tất cả. Đôi khi tình trạng vị giác thay đổi hoặc mất đi còn là do một nguyên nhân khác có thể kiểm soát được.

2.2. Thuốc

Thuốc kê đơn có thể ảnh hưởng đến cách vị giác tiếp nhận hương vị. Đồng thời, thuốc cũng có thể đưa các hóa chất khác nhau vào nước bọt của bạn.

Vị giác và khứu giác có thể hoạt động sai cách nếu bạn đang dùng:

  • Chất gây ức chế ACE: Những loại thuốc này và các loại thuốc huyết áp ức chế enzym đôi khi khiến bạn kém nhạy cảm với mùi vị. Có trường hợp các chất gây ức chế ACE còn để lại vị kim loại, đắng hoặc ngọt trong miệng người dùng.
  • Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine hoặc các loại thuốc khác: Những loại thuốc này có thể làm cho miệng của bạn bị khô, khiến hương vị của thực phẩm không thể chạm đến vị giác của bạn.
  • Thuốc chẹn beta: Những loại thuốc tim này có thể cản trở vị giác và khứu giác của bạn hoạt động bình thường.

Nếu nguyên nhân làm thay đổi vị giác thật sự là do thuốc, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn các loại thuốc khác phù hợp hơn.

2.3. Bệnh lý

Vị giác của bạn có thể bị ảnh hưởng nếu đang mắc phải:

  • Nhiễm trùng mũi, họng hoặc xoang
  • Chấn thương đầu, có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên quan đến vị giác và khứu giác
  • Một khối u lành tính hoặc ác tính làm chặn đường mũi
  • Áp xe trong miệng hoặc các vấn đề răng miệng khác. Tình trạng này có thể giải phóng những chất có mùi vị khó chịu vào miệng của bạn. Ngoài ra, răng giả cũng có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề.

Ở một số người, thay đổi vị giác hoặc khứu giác có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer hoặc bệnh Parkinson.


Áp xe trong miệng ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị giác của bạn
Áp xe trong miệng ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị giác của bạn

2.4. Điều trị ung thư

Nếu đang được điều trị ung thư, vị giác của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi:

  • Hóa trị: Liệu pháp này ảnh hưởng đến vị giác của khoảng 50% số bệnh nhân.
  • Các loại thuốc khác: Thuốc kháng sinh, morphin hoặc opioid đều có thể làm thay đổi vị giác của bạn.
  • Xạ trị: Bức xạ có thể làm tổn thương vị giác và các tuyến tạo nước bọt, cũng như ảnh hưởng đến khứu giác của bạn.

Khi ăn trong thời gian điều trị ung thư, người bệnh có thể nhận thấy rằng:

  • Một số thức ăn có vị khác so với trước đây.
  • Một số thức ăn nhạt nhẽo.
  • Mọi thứ đều có vị như nhau.
  • Có vị kim loại / vị tanh trong miệng, đặc biệt là sau khi ăn thịt hoặc các chất đạm khác.

Nếu gặp bất kỳ vấn đề nào khác thường, hãy báo cho bác sĩ điều trị được biết. Nhân viên y tế sẽ chịu trách nhiệm giúp bạn kiểm soát những tác dụng phụ khi điều trị ung thư. Sau khi điều trị kết thúc, vị giác của bạn sẽ từ từ trở lại, thường là trong khoảng một tháng.

2.5. Hút thuốc

Thuốc lá tạo ra sự ô nhiễm, khiến bạn không thể xác định được mùi và vị mà mình yêu thích hay ghét bỏ. Nếu bỏ thuốc lá, khứu giác và vị giác của bạn sẽ tốt hơn

2.6. Nước súc miệng

Một số loại nước súc miệng có chứa chlorhexidine hoặc thuốc sát khuẩn metronidazole có thể thay đổi vị giác tạm thời. Thông thường rối loạn vị giác có thể xảy ra trong vòng 4 giờ sau khi sử dụng các chất này.


Nước súc miệng sẽ khiến vị giác của bạn thay đổi trong thời gian ngắn
Nước súc miệng sẽ khiến vị giác của bạn thay đổi trong thời gian ngắn

3. Cách bảo vệ vị giác

Mặc dù, không có cách chắc chắn để ngăn ngừa vị giác thay đổi nhưng bạn có thể bảo vệ vị giác của mình bằng những cách sau:

  • Kiểm soát căng thẳng
  • Kiên nhẫn đợi vị giác trở lại bình thường sau khi bị cảm hoặc viêm xoang
  • Giữ vệ sinh răng miệng và khám nha khoa định kỳ
  • Thay đổi và đa dạng thực đơn nhằm cải thiện cảm nhận về hương vị
  • Tránh thực phẩm hoặc tác nhân nghi ngờ gây rối loạn vị giác
  • Ăn nhiều rau quả tươi sống
  • Điều trị các bệnh lý liên quan.

Cho đến nay, không có phương pháp cụ thể để điều trị rối loạn vị giác. Tuy nhiên tình trạng cũng có thể kiểm soát được tùy vào nguyên nhân. Ví dụ: Bỏ thuốc lá là một yếu tố cần thiết, thay đổi loại thuốc đang sử dụng theo chỉ định của bác sĩ,...

Có rất nhiều nguyên nhân khiến vị giác thay đổi, nguyên nhân có thể do tuổi tác hoặc dấu hiệu bệnh lý. Theo đó, khi bạn thấy những bất thường về vị giác bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám sức khỏe tổng quát, tìm ra nguyên nhân để có hướng xử trí thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe