Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Thực tế không chỉ ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường mà ngay cả những người bình thường khỏe mạnh đôi khi cũng có thể gặp phải tình trạng tăng lượng đường huyết vào buổi sáng. Hiện tượng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên nếu lượng đường trong máu của bạn tăng cao trong nhiều ngày liên tiếp thì đây có thể là một tình trạng sức khỏe báo động xấu và lúc này bạn nên đi khám bác sĩ nội tiết càng sớm càng tốt.
1. Hiện tượng bình minh buổi sáng là gì?
Cho dù bạn không mắc bệnh đái tháo đường, nhưng có một số hormone trong cơ thể có thể tác động vào làm tăng mức đường huyết vào mỗi buổi sáng. Đây là hiện tượng sinh lý xảy ra trong cơ thể bạn khoảng từ 12 đến 3 giờ đêm, cơ thể bạn dường như không cần sử dụng đến insulin vì vậy tuyến tụy không hoạt động để sản xuất ra hợp chất hoạt tính sinh học này. Mức đường huyết của bạn sẽ có xu hướng tăng vọt trong khoảng thời gian từ 3 – 8 giờ sáng. Lúc này cơ thể sẽ tiết ra nhiều insulin hơn nhằm cân bằng được lượng đường trong máu của bạn.
Thực chất hiện tượng bình minh buổi sáng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên ở người mắc bệnh đái tháo đường do cơ thể của họ không phản ứng với hormone insulin (đề kháng insulin) giống như những người bình thường cho nên ngay cả khi họ áp dụng một chế độ ăn kiêng hoặc dùng thuốc can thiệp nghiêm ngặt thì mức đường huyết của họ vẫn sẽ tăng cao hơn người bình thường.
Ở người bình thường khỏe mạnh hiện tượng tăng đường huyết vào buổi sáng là một cách giúp cơ thể có đầy đủ nguồn năng lượng cho những hoạt động sắp tới của ngày một ngày mới. Còn đối với người mắc bệnh đái tháo đường tuyến tụy vì một lý do nào đó sẽ không sản xuất ra đủ lượng insulin, làm phá vỡ trạng thái cân bằng của cơ thể dẫn đến chỉ số mức đường trong máu cao hơn bình thường vào buổi sáng.
Hiện tượng bình minh buổi sáng có thể mang lại những ảnh hưởng khác nhau ở mỗi người hoặc thay đổi vào mỗi ngày. Một số nghiên cứu cho thấy vào ban đêm sự giải phóng của các hormon chống điều hòa tự nhiên trong cơ thể ví dụ như là cortisol, hormone tăng trưởng GH , epinephrine hoặc glucagon điều này khiến cho sức đề kháng insulin trở nên mạnh mẽ hơn. Đây cũng là lý do vì sao lượng đường huyết của bạn tăng cao.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể làm tăng mức đường huyết vào buổi sáng như là:
- Sử dụng một số loại thuốc không đúng liều lượng (quá nhiều hoặc quá ít).
- Cơ thể không có đủ hormone insulin vào đêm hôm trước.
- Ăn bữa ăn nhẹ không đúng cách trước lúc đi ngủ như quá nhiều glucid.
2. Hiệu ứng Somogyi là gì?
Hiệu ứng Somogyi - hay còn được gọi là tăng đường huyết dội ngược. Khác với hiện tượng bình minh buổi sáng bên trên thì tình trạng này ít xảy ra hơn. Nó được đặc trưng bởi sự gia tăng lượng đường glucose trong máu cao vào buổi sáng để đáp ứng bù lại cho tình trạng hạ đường huyết trong đêm vừa xảy ra trước đó.
Dưới đây là một số biểu hiện lâm sàng của hiệu ứng Somogyi:
- Chóng mặt.
- Cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.
- Tăng tiết mồ hôi.
- Cảm thấy thèm ăn hơn.
Ngoài ra ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, hiệu ứng này thường xảy ra do sự đề kháng hoặc giảm tiết insulin của cơ thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
- Tình trạng hạ đường huyết vào ban đêm diễn ra trong một khoảng thời gian dài mà không được kiểm soát sớm.
- Kiểm soát đường huyết không đúng cách hoặc quá liều thuốc dùng chẳng hạn như dùng quá liều insulin trước đó.
- Không ăn nhẹ đủ trước khi đi ngủ mà vẫn dùng thuốc liều cao.
3. Các biện pháp can thiệp sớm khi hay có mức đường huyết tăng cao vào buổi sáng ?
Thứ nhất cần tìm nguyên nhân làm tăng lượng đường trong máu của bạn vào buổi sáng là gì? Khi đã xác định được nguyên nhân cụ thể bạn có thể lựa chọn được phương pháp kiểm soát mức đường huyết phù hợp với bản thân mình.
Nếu nguyên nhân làm tăng mức đường huyết của bạn là do hiện tượng bình minh buổi sáng bạn có thể áp dụng theo một số biện pháp sau đây:
- Ăn bữa tối sớm hơn vào buổi chiều muộn (không muộn hơn 19:00).
- Trong bữa ăn tối bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ.
- Sau bữa tối bạn nên vận động nhẹ nhàng như là đi bộ.
- Ăn sáng đúng giờ để cơ thể hoạt động một cách giúp kiềm chế các loại hormone kháng insulin đồng thời giảm lượng đường huyết xuống mức bình thường.
- Gọi điện xin ý kiến tư vấn của bác sĩ nội tiết về bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh nào mà bạn đang sử dụng.
- Trước khi đi ngủ bạn có thể ăn nhẹ với một số chất đạm hoặc chất bột đường có chỉ số đường huyết thấp như sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường.
Để ngăn ngừa hiệu ứng Somogyi làm tăng mức đường huyết bạn có thể thực hiện theo một số phương pháp sau:
- Theo dõi mức đường huyết của bạn thường xuyên hơn thông qua máy đo đường huyết cầm tay hàng ngày.
- Cai rượu hoàn toàn.
- Tránh hoạt động thể chất quá mức.
- Tuân thủ nghiêm ngặt theo những khuyến cáo của bác sĩ về chế độ ăn uống hàng ngày.
- Theo dõi sát xem có các triệu chứng hạ đường huyết xảy ra vào ban đêm để kịp thời báo cho bác sĩ nội tiết chỉnh thuốc điều trị cho phù hợp như quá liều thuốc tiêm insulin.
Ngoài ra bạn cũng cần hạn chế các loại đồ uống chứa nhiều chất đường ví dụ như: trái cây dầm, trà ngọt, soda, hoặc nước trái cây vì các loại thức ăn này có thể góp phần làm tăng lượng đường huyết của bạn vượt quá mức bình thường và khiến cơ thể dư thừa hàng trăm calo.
Đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường thì khả năng gặp phải tình trạng tăng đường huyết vào buổi sáng sẽ cao hơn so với những người bình thường. Tuy nhiên nếu tình trạng này liên tiếp xảy ra trong nhiều buổi sáng thì bạn nên theo dõi mức đường huyết ban đêm của mình thường xuyên hơn - khoảng 1 lần trong vài đêm và nên thực hiện trong khoảng thời gian từ 2-3 giờ sáng đặc biệt là tình trạng hạ đường máu không có triệu chứng (ban đêm bạn không có biểu hiện triệu chứng hạ đường máu như: đói, vã mồ hôi, bủn rủn chân tay nhưng đo đường huyết tại thời điểm đó thấp dưới 4 mmol/l).
Trong lần thăm khám bệnh định kỳ thì bạn nên đưa những chỉ số này cho bác sĩ chuyên khoa nội tiết tham khảo để được đánh giá xem liệu bạn đang mắc phải hiện tượng Bình minh hay hiệu ứng Somogyi không hoặc nhằm xác định được nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tăng mức đường huyết vào buổi sáng của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com