Thực phẩm tốt cho tim mạch khi bị bệnh tiểu đường loại 2

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Bác sĩ tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Kế hoạch ăn uống tối ưu cho người bệnh tiểu đường có hai mục tiêu: kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ trái tim. Xây dựng thực đơn với rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein lành mạnh và chất béo không bão hòa sẽ giúp người bệnh tiểu đường thể 2 có bữa ăn ngon và tránh được bệnh tim do tiểu đường.

1. Các loại đậu

Chất xơ làm giảm lượng đường trong máu và các loại đậu là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời trong chế độ ăn uống của bạn. Bên cạnh các loại đậu đen, đậu trắng,.. Các bạn hãy thử đậu lăng và đậu Hà Lan. Ăn một chén đậu nấu chín mỗi ngày có thể làm giảm mức HbA1c của bạn, cũng như giảm huyết áp, nhịp tim khi nghỉ ngơi và mức độ chất béo trung tính trong máu, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim do tiểu đường. Loại thực phẩm này cũng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.

2. Yến mạch

Chất xơ có hai dạng: 1) Chất xơ không hòa tan trong ngũ cốc nguyên hạt và 2) Chất xơ hòa tan trong các loại đậu và yến mạch. Chất xơ hòa tan giúp giảm lượng đường trong máu và cholesterol để bảo vệ trái tim của bạn. Yến mạch càng ít chế biến thì càng có nhiều chất dinh dưỡng, thích hợp sử dụng để đề phòng biến chứng tim mạch do tiểu đường.


Người mắc bệnh tim do tiểu đường nên sử dụng yến mạch trong chế độ ăn
Người mắc bệnh tim do tiểu đường nên sử dụng yến mạch trong chế độ ăn

3. Quả mâm xôi đỏ

Nhiều loại quả mọng chứa chất dinh dưỡng rất dồi dào, nhưng quả mâm xôi là “siêu sao” để kiểm soát lượng đường trong máu. Mỗi cốc mâm xôi đỏ (khoảng 232gr) chỉ có 5 gam đường với rất nhiều chất xơ. Cùng với chất xơ, loại quả này cũng rất tốt cho sức khỏe tim mạch vì có chứa các chất dinh dưỡng chống lại chứng viêm và cholesterol LDL (có hại).

4. Hạnh nhân

Các loại hạt cung cấp protein, chất béo lành mạnh và carbonhydrate (carbs), cùng với một số chất xơ và các chất dinh dưỡng quan trọng. Đặc biệt, hạnh nhân giúp ổn định lượng đường trong máu, cholesterol và mỡ máu, là một món ăn vặt thỏa mãn cơn đói một cách lành mạnh cho người bệnh tiểu đường thể 2. Nếu bạn không thích ăn hạnh nhân, có thể thay thế bằng một ít hạt hồ đào - loại gần giống như quả óc chó nhưng thon dài hơn, cũng giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

5. Các loại ngũ cốc

Chọn đúng loại carbs để ăn là điều rất quan trọng nếu muốn kiểm soát lượng đường trong máu. Khi bạn muốn ăn bánh mì hoặc mì ống, hãy chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt. Không giống như loại tinh chế và đã qua chế biến, ngũ cốc nguyên hạt có lớp cám và mầm nguyên vẹn, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim do tiểu đường. Bên cạnh chất xơ, loại ngũ cốc này cũng rất giàu chất dinh dưỡng như vitamin B, magiê và selen. Ngũ cốc nguyên hạt làm cũng chậm quá trình tăng lượng đường trong máu thông thường sau bữa ăn và giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.

6. Hạt lanh

Với kích thước siêu nhỏ, hạt lanh có tác dụng chống lại lượng đường và cholesterol tăng cao trong máu. Một chất dinh dưỡng trong hạt lanh là Secoisolariciresinol diglucoside (SDG) giúp chống lại sự tích tụ mảng bám trên thành động mạch dẫn đến bệnh tim, nhờ đó làm giảm tổng lượng cholesterol, đặc biệt là loại “xấu” LDL, và tăng cường loại “tốt” HDL. Hãy thử chế biến hạt lanh trong máy xay và rắc lên bột yến mạch hoặc sữa chua. Bạn cũng có thể sử dụng hạt lanh thay cho một ít bột mì trong các công thức nấu ăn.


Hạt lanh là một trong các thực phẩm nên có khi mắc bệnh tim do tiểu đường
Hạt lanh là một trong các thực phẩm nên có khi mắc bệnh tim do tiểu đường

7. Lúa mạch / Đại mạch

Lúa mạch thuộc họ ngũ cốc nguyên hạt, là nguyên liệu ngon cho các món súp và món ăn phụ tốt cho sức khỏe. Còn được gọi là đại mạch, chúng rất giàu chất xơ beta-glucan có tác dụng làm giảm cả mức cholesterol và lượng đường trong máu, nhờ đó hỗ trợ sức khỏe tim mạch và kiểm soát bệnh tiểu đường. Nên chọn loại lúa mạch có vỏ, chưa mất đi trạng thái nguyên hạt khi được chế biến.

8. Cá béo

Các loại cá như cá hồi, cá trích, và cá mòi rất giàu chất béo không bão hòa - hay còn gọi là axit béo omega-3, tốt cho sức khỏe tim mạch. Bổ sung thường xuyên các chất dinh dưỡng này có thể giúp tránh khỏi nguy cơ tổn thương thị lực liên quan đến bệnh tiểu đường, hay bệnh võng mạc tiểu đường. Liều lượng khuyến nghị là một khẩu phần 85g cá béo ăn 2 lần một tuần.

9. Rau lá xanh

Chứa ít calo, các loại rau lá xanh như rau bina và rau diếp không chỉ là nguyên liệu chính cho món salad, mà còn có nhiều chất dinh dưỡng để hỗ trợ sức khỏe tốt. Ăn 1 - 2 phần rau xanh mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch do tiểu đường. Rau lá xanh giàu vitamin C và E giúp chống lại chứng viêm, trong khi chất xơ giúp giảm lượng đường trong máu.

10. Bông cải xanh

Loại rau này luôn đứng đầu trong hầu hết danh sách “siêu thực phẩm” với khả năng kiểm soát lượng đường trong máu rất tốt. Trong bông cải xanh có chứa một chất phytochemical gọi là sulforaphane - có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Hơn thế nữa, chỉ cần ăn một cốc bông cải xanh mỗi ngày là có thể giúp giảm lượng canxi tích tụ trong động mạch. Các loại rau họ cải khác cũng có thể mang lại những lợi ích tương tự, ví dụ như cải Brussels, bắp cải và súp lơ trắng.


Bệnh nhân mắc bệnh tim do tiểu đường nên dùng bông cải xanh
Bệnh nhân mắc bệnh tim do tiểu đường nên dùng bông cải xanh

11. Hạt bí ngô

Bạn có thể thêm hạt bí ngô vào trong món salad để tạo độ giòn cũng như kiểm soát bệnh tiểu đường. Hạt bí ngô giúp giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn, bổ sung magie hỗ trợ sức khỏe tim và xương. Hãy mua hạt rang sẵn không ướp muối hoặc bạn hoàn toàn có thể tự rang và ăn cả vỏ sau khi nướng thơm ngon để tăng thêm chất xơ.

12. Dầu ô liu nguyên chất

Mặc dù chất béo không làm tăng lượng đường trong máu nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Chất béo bão hòa có nguồn gốc từ động vật có nguy cơ cao nhất đối với tim. Trong số các chất béo có nguồn gốc thực vật, dầu ô liu nguyên chất được đánh giá rất cao và thậm chí có thể bảo vệ tim mạch, nhờ vào các hợp chất polyphenolic. Dầu ô liu có thể giúp cơ thể bạn sử dụng insulin tốt hơn, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

13. Kefir

Đây là thức uống làm từ sữa lên men tương tự như sữa chua, rất giàu lợi khuẩn. Một nghiên cứu cho thấy uống 2,5 cốc kefir mỗi ngày trong 8 tuần làm giảm kết quả A1c ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Kefir có thể bao gồm một số loại vi khuẩn tốt như: Lactobacillus casei, Lactobacillus acidophilus và Bifidobacteria. Kefir cũng giúp giảm huyết áp - một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim.

Trên đây là những thực phẩm tốt cho tim mạch khi bị bệnh tiểu đường loại 2, bạn có thể tham khảo và bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày để giúp tình trạng sức khỏe được cải thiện tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe