Tại sao lại bị nghẹt mũi khi nằm ngủ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Nghẹt mũi khi đi ngủ là triệu chứng làm cho nhiều người khó chịu và lo lắng. Biểu hiện này làm gián đoạn giấc ngủ, gây ra những biến đổi về tinh thần. Nghẹt mũi khi ngủ do nguyên nhân nào gây ra và làm gì để khắc phục tình trạng nghẹt mũi?

1. Nghẹt mũi là gì?

Nghẹt mũi là tình trạng tắc nghẽn 1 hay cả 2 bên mũi, khiến cho người bệnh luôn có cảm giác khó khăn khi thở bằng mũi và thường xuyên phải thở bằng miệng. Khi bị nghẹt mũi, đa số người bệnh thường nghĩ không có vấn đề gì quá lớn, chỉ gây cảm giác khó chịu. Tuy nhiên nếu nghẹt mũi kéo dài có thể gây ra những hệ quả như:

  • Không khí đi qua mũi tới đường hô hấp được hệ thống lông chuyển lọc bớt bụi bẩn, loại bỏ một số vi sinh vật gây bệnh, có dịch tiết niêm mạc mũi làm ẩm và ấm không khí trước khi đưa xuống phổi. Làm hạn chế các nguy cơ gây bệnh đường hô hấp dưới, nếu nghẹt mũi kéo dài người bệnh thường xuyên phải thở bằng miệng sẽ làm cho không khí không được lọc, đi xuống phổi làm tăng nguy cơ gây bệnh viêm đường hô hấp, còn làm khô miệng.
  • Làm gián đoạn giấc ngủ dẫn tới cơ thể suy nhược cơ thể, có thể bị trầm cảm do mất ngủ kéo dài gây ra.
  • Nghẹt mũi dẫn tới thiếu oxy cung cấp cho não: Khi đường đi của không khí vào phổi bị hạn chế, không khí không qua mũi được sẽ làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể, có thể gây ra chóng mặt, đau đầu, suy nhược cơ thể.
  • Ngoài ra tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được chú ý vì làm ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ, khả năng bú và sự phát triển của trẻ.

Trắc nghiệm: Bài kiểm tra chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) của bạn

Chỉ số trí tuệ cảm xúc Emotional Quotient (EQ) là một chỉ số dùng để nói lên trí tưởng tượng, đánh giá và cảm xúc của một con người. Hãy làm bài trắc nghiệm sau để biết chỉ số EQ của bạn là bao nhiêu?

Nguồn tham khảo: webmd.com

2. Những nguyên nhân gây ra nghẹt mũi

Một số nguyên nhân có thể dẫn tới nghẹt mũi, nhất là nghẹt mũi khi ngủ:

  • Do dị tật bẩm sinh: Đây là lý do gây ngạt mũi thường gặp ở trẻ sơ sinh do có lớp màng hay mảnh xương bịt kín cửa sau mũi, khiến trẻ không thở được.
  • Do viêm nhiễm tại mũi:
  • Cảm cúm: Đây là nguyên nhân hay gặp nhất gây ra tình trạng nghẹt mũi, cảm cúm do virus gây ra thường diễn biến sau 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Ngoài nghẹt, mũi còn các biểu hiện khác như chảy nước mũi, đau họng, ho, có thể sốt, đau đầu, đau hốc mắt và mệt mỏi.
  • Viêm mũi xoang: Viêm niêm mạc mũi xoang do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra, làm tăng tiết dịch, dịch từ xoang chảy qua khe mũi làm cản trở đường hô hấp, gây nghẹt mũi, đặc biệt nghẹt khi nằm xuống, kèm theo đau đầu, nhức các vị trí xoang, người mệt mỏi.
  • Viêm amidan, viêm VA: Đây cũng là nguyên nhân hay gặp gây nghẹt mũi nhất là ở trẻ em.
  • Viêm mũi dị ứng: Một số người có cơ địa dị ứng với một số dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, lông động vật, thức ăn, thời tiết... Khi tiếp xúc với dị nguyên sẽ gây ra phản ứng dị ứng, viêm mũi, tăng tiết dịch, gây ra các biểu hiện như hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt mũi.
  • Dị dạng khoang mũi: Các tình trạng như polyp mũi, vách ngăn mũi, khối u... làm cản trở đường đi của không khí vào phổi gây ra nghẹt mũi. Thông thường những nguyên nhân này được tìm ra khi soi tai mũi họng và giải quyết bằng phẫu thuật.
  • Chấn thương, dị vật trong mũi: Sau khi chấn thương mũi làm tổn thương mũi dẫn tới phù nề, lệch vách ngăn... cũng dẫn tới tình trạng nghẹt mũi. Dị vật ở mũi hay gặp nhất ở trẻ khi chơi có thể bị tắc vật gì đó trong mũi nhưng không biết nói cho người lớn, dẫn đến thường xuyên bị nghẹt mũi, viêm tại vị trí bị tắc.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Bệnh nhân sử dụng các loại thuốc như thuốc huyết áp, nếu dùng không đúng có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi.
  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, hút thuốc lá: Làm tăng nguy cơ bị nghẹt mũi.
  • Căng thẳng tinh thần: Nếu căng thẳng diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến cho nồng độ hormone trong cơ thể bị thay đổi theo. Từ đó khiến các mạch máu bị giãn gây chèn ép niêm mạc mũi và gây ra nghẹt mũi.

Viêm amidan cũng gây nghẹt mũi
Viêm amidan cũng gây nghẹt mũi

3. Một số cách khắc phục nghẹt mũi


Trước hết cần biết được nghẹt mũi do đâu, từ nguyên nhân mà có biện pháp điều trị và khắc phục hiệu quả:

  • Trường hợp nghẹt mũi do cấu trúc mũi bất thường: Cần giải quyết nguyên nhân, bằng cách tạo hình vách ngăn mũi, loại bỏ polyp và khối u ở mũi...
  • Nếu nghẹt mũi do nhiễm vi sinh vật như viêm mũi xoang cần điều trị triệt để bằng thuốc điều trị nguyên nhân do vi khuẩn hay do nấm.
  • Do viêm mũi dị ứng: Tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm bớt lượng kháng nguyên bề mặt.
  • Do cảm cúm: Chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng, thường sau khoảng 7-10 ngày sẽ tự khỏi.
  • Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, nếu có tác dụng phụ làm người bệnh khó chịu cần thông báo với bác sĩ điều trị.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói bụi, không hút thuốc lá.
  • Tránh căng thẳng kéo dài bằng cách ngủ đủ giấc, tập thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga...

Ngoài ra có một số biện pháp làm giảm nghẹt mũi khi ngủ khác như:

  • Kê gối cao khi ngủ: Người bệnh không được kê gối cao quá, trong trường hợp mắc một số bệnh lý ở cột sống cổ thì không nên áp dụng. Chỉ gối cao hơn bình thường một chút và khi hết nghẹt mũi thì không nên tiếp tục gối cao vì sẽ ảnh hưởng tới cột sống cổ.
  • Vệ sinh mũi với nước muối sinh lý ấm: Vệ sinh mũi bằng nước muối có thể làm nhiều lần trong ngày với mục đích làm loãng dịch nhầy, dịch nhầy dễ dàng thoát ra ngoài, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
  • Tắm nước ấm: Giúp cơ thể giảm bớt mệt mỏi, loãng dịch nhầy và giúp dịch nhầy dễ dàng thoát ra khi chúng ta đứng tắm.
  • Xông mũi: Có thể xông mũi bằng tinh dầu hay bằng nước muối sinh lý hay thậm chí là nước sạch giúp thông thoáng đường thở, loãng dịch nhầy và giúp tinh thần bớt mệt mỏi căng thẳng.

Kê gối cao là biện pháp làm giảm nghẹt mũi khi ngủ
Kê gối cao là biện pháp làm giảm nghẹt mũi khi ngủ

Nguyên nhân nằm xuống bị nghẹt mũi có rất nhiều, tuy không phải là một dấu hiệu nguy hiểm nhưng nếu kéo dài cần phải tìm được nguyên nhân chính xác, giải quyết nguyên nhân thì tình trạng nghẹt mũi khi ngủ sẽ hết. Không nên coi thường vì nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài quá lâu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám và điều trị các bệnh lý viêm mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ nhận được sự thăm khám trực tiếp, tận tình và chuyên nghiệp từ đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe