Tại sao huyết áp lại quan trọng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị huyết áp.

Căn bệnh huyết áp bao gồm huyết áp cao hay huyết áp thấp đang ngày càng trở nên phổ biến, nó là nguyên nhân chính gây ra tử vong và tàn phế do các biến chứng về tim, não, mạch máu...

1. Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu lên thành mạch. Đó là một áp lực cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo nên do lực co bóp của quả tim và sức cản của động mạch.

Thông thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1-3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8 đến 10 giờ sáng.

Huyết áp là một trong những dấu hiệu chính cho biết cơ thể còn sống hay đã chết. Nếu không có huyết áp máu không tuần hoàn được trong cơ thể của con người vì vậy các cơ thể sống không nhận đủ oxy và dinh dưỡng để hoạt động theo nhu cầu.

1.1 Huyết áp tăng

Huyết áp tăng lên khi vận động, gắng sức thể lực, căng thẳng thần kinh hoặc khi xúc động mạnh.

Khi chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg thì được chẩn đoán là huyết áp cao.

1.2 Huyết áp giảm

Ngược lại, khi cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể hạ xuống. Khi bị lạnh gây co mạch, hoặc dùng một số thuốc co mạch hoặc thuốc co bóp cơ tim, ăn mặn có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy... hoặc dùng thuốc giãn mạch có thể gây hạ huyết áp.

1.3 Huyết áp bình thường

Huyết áp bình thường: Đối với người lớn, huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường.

2. Cách thực hiện đo huyết áp


Có thể thực hiện đo huyết áp tại nhà để kiểm tra huyết áp
Có thể thực hiện đo huyết áp tại nhà để kiểm tra huyết áp

Có thể thực hiện đo huyết áp tại nhà để khẳng định sự thay đổi về huyết áp.

Khi thực hiện đo huyết áp tại nhà để khẳng định chẩn đoán, cần đảm bảo cả 3 điều sau: Mỗi lần đo huyết áp cần đo hai lần liên tiếp, cách nhau 1 phút ở tư thế ngồi, cần đo huyết áp 2 lần mỗi ngày, tốt nhất là một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối, cần đo huyết áp liên tục ít nhất 4 ngày, lý tưởng là 7 ngày. Loại bỏ ngày đầu tiên và sử dụng giá trị trung bình của các lần đo còn lại (> 135/85 mmHg) để khẳng định chẩn đoán

3. Tăng huyết áp có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp rất nguy hiểm và được coi là “Kẻ giết người thầm lặng”. Cao huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra triệu chứng rõ ràng. Nhưng nó lại có thể dẫn tới tổn thương động mạch và tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể, có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, và suy tim. Các bộ phận khác của cơ thể như thận, chân tay và mắt cũng có thể bị tổn thương. Cao huyết áp ảnh hưởng đến nhiều cơ quan gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

3.1 Cao huyết áp ảnh hưởng đến tim?

3.1.1 Tổn thương mạch máu

Hệ tuần hoàn có nhiệm vụ vận chuyển oxy máu đi khắp cơ thể. Động mạch bình thường sẽ căng nhẹ khi máu được bơm qua. Tăng huyết áp làm cho các động mạch căng giãn mạnh và gây ra tổn thương. Qua một thời gian sẽ xuất hiện các mô sẹo hình giọt nước trong thành động mạch.

3.1.2 Xơ vữa động mạch

Động mạch bị hẹp, hay còn gọi là xơ vữa động mạch, là khi động mạch bị các mảng bám và cholesterol tích tụ ở thành làm cho hẹp lại, gây ra bệnh động mạch vành. Nếu tâm thất trái của tim dày lên sẽ làm hạn chế khả năng bơm máu của thất trái.

Lượng máu còn lại trong tim sẽ tạo ra các cục máu đông làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch, rất dễ dẫn đến đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim. Các cục máu đông cũng làm chặn dòng máu đến các cơ quan quan trọng khác gây hoại tử. Cao huyết áp mãn tính buộc tim phải hoạt động mạnh hơn, khiến tim ngày càng trở nên dễ suy yếu, dẫn tới khả năng suy tim rất cao.

3.1.3 Bệnh động mạch ngoại biên

Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không nhận đủ oxy từ máu sẽ rất nguy hiểm. Triệu chứng không đủ lượng máu đến chân tay là cảm giác đau hoặc tê buốt, đây gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và chết mô, hay còn gọi là hoại tử chi thể, phải cắt cụt chi thể.

3.2 Điều gì sẽ xảy ra với hệ thần kinh trung ương?

3.2.1 Thiếu máu não thoáng qua

Não bộ không thể hoạt động nếu không có nguồn cung cấp oxy máu ổn định đến não. Các động mạch bị thu hẹp hoặc máu đông có thể chặn máu chảy đến não trong một thời gian ngắn thì được gọi là một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ nhẹ.

Những ai bị TIA có nguy cơ rất cao bị đột quỵ thật sự, có nghĩa là máu cung cấp đến não bị chặn lại với thời gian lâu hơn làm cho tế bào não nhanh chóng chết đi, mất chức năng. Đột quỵ có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng, nhiều khi không thể cứu vãn nổi, sự tổn thương cụ thể như thế nào thì thường phụ thuộc vào phần não bị ảnh hưởng. Nguy cơ lớn nhất gây ra đột quỵ chính là cao huyết áp.

3.2.2 Suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ

Những nguy cơ tiềm ẩn khác của cao huyết áp là suy giảm nhận thức nhẹ và chứng mất trí do bệnh mạch máu (đây là một căn bệnh về não, do việc cung cấp máu lên não bị gián đoạn). Triệu chứng của bệnh bao gồm giảm trí nhớ, mất khả năng lập luận, tư duy và khả năng nói, ngôn ngữ.


Cao huyết áp có thể tiềm ẩn nguy cơ gây suy giảm nhận thức nhẹ và chứng mất trí do bệnh mạch máu
Cao huyết áp có thể tiềm ẩn nguy cơ gây suy giảm nhận thức nhẹ và chứng mất trí do bệnh mạch máu

3.2.4 Bệnh võng mạc

Các mạch máu nhỏ ở mắt bị tổn thương có thể dẫn tới bệnh võng mạc, gây chảy máu hoặc tích tụ dịch dưới võng mạc, gọi là bệnh màng mạch võng mạc. Khi dây thần kinh thị giác bị tổn thương (bệnh thần kinh thị giác) có khả năng dẫn đến các tế bào thần kinh ở mắt bị chết theo. Bệnh này gây suy giảm thị lực hoặc thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.

3.3 Huyết áp cao ảnh hưởng đến thận?

3.3.1 Suy giảm chức năng thận

Thận lọc chất thải, giữ lại những chất cần thiết, và loại bỏ các chất cơ thể không thể sử dụng được. Thận không thể hoạt động nếu không được cung cấp đủ oxy máu. Khi các mạch máu bị hẹp, việc cung cấp máu cũng bị hạn chế, làm cho thận lọc chất độc càng ngày càng kém hiệu quả

3.3.2 Mất chức năng thận

Qua một thời gian, khi xơ hóa tổ chức cầu thận xuất hiện thì thận sẽ hoàn toàn ngừng hoạt động, thận mất chức năng bài tiết của nó và bệnh nhân sẽ phải chạy thận thay thế hoặc ghép thận. Một trong những nguyên nhân gây bệnh thận là huyết áp cao. Nếu động mạch thận bị phình to dẫn đến vỡ động mạch trong thận sẽ gây ra xuất huyết trong, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng, vấn đề này cũng gặp trong một số trường hợp.

3.4 Có thể xảy ra rối loạn chức năng tình dục không?

Tăng huyết áp có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục ở cả nam giới và nữ giới. Ở nam giới, để đạt và duy trì sự cương cứng, dương vật cần được cung cấp máu đầy đủ. Nếu cao huyết áp cao mạn tính gây tổn thương động mạch và các mạch máu dẫn đến dương vật, khả năng dẫn đến rối loạn chức năng cương dương (ED), xuất tinh sớm và bất lực rất cao.

Cao huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến lượng máu đến âm đạo của người phụ nữ, gây ra khô âm đạo, đau khi giao hợp, giảm ham muốn tình dục, và khó đạt cực khoái. Rối loạn chức năng tình dục gây lo lắng cho cả nam và nữ và ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng.


Tăng huyết áp có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục ở cả nam giới và nữ giới
Tăng huyết áp có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục ở cả nam giới và nữ giới

3.5 Điều gì sẽ xảy ra với hệ xương?

Hệ xương của bạn cần canxi để luôn giúp xương khỏe mạnh. Một trong những công việc của thận là lọc nước tiểu. Khi thận không hoạt động hiệu quả, bạn có thể bài tiết quá nhiều canxi ra nước tiểu. Khi cơ thể không có đủ canxi để cung cấp cho xương, mật độ xương sẽ giảm làm tăng nguy cơ loãng xương, xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe