Huyết áp thấp sau phẫu thuật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Bất kỳ một phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn những rủi ro trong và sau khi phẫu thuật. Hạ huyết áp sau mổ là một vấn đề nhiều người gặp phải. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và cách xử trí hiệu quả đối với huyết áp thấp sau phẫu thuật như thế nào?

1. Nguyên nhân gây hạ huyết áp sau mổ

Huyết áp bình thường dao động ở mức 120/80mmHg, nếu bằng hoặc nhỏ hơn 90/60mmHg, kèm theo các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... thì được coi là hạ huyết áp, nhưng cũng có thể tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và bệnh nhân. Các nguyên nhân khiến huyết áp thấp sau phẫu thuật gồm:

1.1. Gây mê

Thuốc gây mê được sử dụng trong khi phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Những thay đổi có thể xảy ra trong khi bạn đang ngủ và khi thuốc sắp hết tác dụng. Ở một số người, thuốc gây mê làm hạ huyết áp sau mổ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận và cho bạn tiêm các thuốc qua đường tĩnh mạch để giúp huyết áp trở lại bình thường.

1.2. Sốc giảm thể tích

Sốc giảm thể tích xuất hiện khi cơ thể bị rơi vào trạng thái sốc vì mất máu trầm trọng. Mất một lượng lớn máu trong quá trình phẫu thuật có thể làm hạ huyết áp. Giảm lượng máu cũng đồng nghĩa với việc giảm cấp máu và dẫn tới khó có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của các cơ quan.

Trường hợp huyết áp thấp sau phẫu thuật do sốc giảm thể tích bạn sẽ được điều trị tại bệnh viện. Mục tiêu của điều trị là bồi phụ và khôi phục lại thể tích tuần hoàn trong cơ thể trước khi tổn thương xuất hiện ở các cơ quan quan trọng (đặc biệt là thận và tim).

1.3. Sốc nhiễm trùng

Nhiễm trùng huyết là một biến chứng đe dọa đến tính mạng do nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc virus. Nó làm cho thành của các mạch máu nhỏ rò rỉ chất lỏng vào các mô kẽ. Một biến chứng nghiêm trọng của nhiễm trùng huyết được gọi là sốc nhiễm khuẩn, và một trong những triệu chứng của nó là hạ huyết áp sau mổ nghiêm trọng.

Nhiễm trùng huyết được điều trị tại bệnh viện bằng cách các phương pháp như sử dụng thuốc kháng sinh, bù lại thể tích tuần hoàn và theo dõi. Để điều trị hạ huyết áp sau mổ, bạn có thể được cho dùng thuốc co mạch. Chúng giúp mạch máu co lại để huyết áp tăng lên.


Sốc nhiễm trùng
Sốc nhiễm trùng

2. Xử trí huyết áp thấp sau phẫu thuật

Huyết áp thấp sau phẫu thuật sẽ khiến người bệnh có nguy cơ bị tổn thương các cơ quan thiết yếu như tim và não do thiếu oxy. Hạ huyết áp sau mổ xảy ra khi bệnh nhân đang nằm viện điều trị các tình trạng cấp cứu như mất máu hoặc nhồi máu cơ tim.

Tuy nhiên, tụt huyết áp sau khi xuất viện về nhà sẽ trở nên nguy hiểm nếu người bệnh không được sơ cứu đúng cách. Dưới đây là một số phương pháp xử trí tại nhà hiện tượng hạ huyết áp sau mổ như sau:

  • Đứng dậy từ từ:

Việc này giúp kéo dãn mạch máu từ từ, giúp lưu thông máu một cách đơn giản hơn. Sau khi thức dậy tránh đứng lên ngay. Thay vào đó, nên di chuyển chậm từ nằm sang ngồi với đôi chân thả xuống đất. Giữ vị trí này ít nhất 60 giây để cho cơ thể có khả năng tự điều chỉnh. Tiếp đó, vẫn ngồi trên giường nhưng từ từ đung đưa chân. Giữ vị trí này trong 1 - 2 phút trước khi đứng thẳng.

  • Không sử dụng các chất kích thích như cà phê và rượu:

Nguyên nhân là cả hai chất này đều gây mất nước dẫn đến tụt huyết áp.

  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ:

Một số người có thói quen ăn bữa lớn, nhiều carb, việc này có thể làm giảm huyết áp đột ngột ngay sau ăn, trong chuyên môn gọi là hiện tượng hạ huyết áp sau ăn hay hạ huyết áp thế đứng. Vì vậy, bạn nên duy trì các bữa chính nhỏ có hàm lượng carb thấp và bổ sung các bữa ăn nhẹ giữa các bữa chính, sẽ có tác dụng làm tăng huyết áp cho nhóm người bị hạ huyết áp sau mổ.

  • Ăn uống đúng cách:

Nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật có triệu chứng chán ăn. Trong thời gian này việc không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân của huyết áp thấp sau phẫu thuật. Đây là lúc cơ thể đòi hỏi nhiều năng lượng cho quá trình hồi phục. Bạn cần cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, do đó nên chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là protein do protein đặc biệt cần thiết cho quá trình liền vết thương.

  • Uống nhiều nước:

Mất nước là thủ phạm đứng đằng sau bệnh hạ huyết áp sau mổ. Bạn cần bổ sung thêm nhiều nước để giúp phòng ngừa tụt huyết áp sau mổ hiệu quả. Tăng cường uống nước lọc và các loại nước giàu chất điện giải như nước dừa, sẽ có tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh huyết áp thấp.

  • Ăn nhiều muối:

Các bác sĩ khuyến cáo nếu người bệnh tăng thêm muối vào thức ăn hoặc uống viên thuốc muối thì có thể phòng ngừa được tình trạng hạ huyết áp sau mổ.

  • Sử dụng rễ cam thảo:

Rễ cam thảo được xem là phương thuốc thảo dược tốt để điều trị bệnh huyết áp thấp
Rễ cam thảo được xem là phương thuốc thảo dược tốt để điều trị bệnh huyết áp thấp

Theo y học cổ truyền rễ cam thảo được xem là phương thuốc thảo dược tốt để điều trị bệnh huyết áp thấp. Nó có tác dụng hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận và điều hòa huyết áp. Có thể dùng trực tiếp hoặc dưới dạng sản phẩm viên nang, viên nén, dạng bột hay dạng trà. Nếu đang uống thuốc làm loãng máu, kali, hoặc thuốc hạ huyết áp, hãy nghe tư vấn của bác sĩ trước khi dùng cam thảo để đảm bảo an toàn.

Theo các chuyên gia, sau khi phẫu thuật người bệnh cần tăng cường nghỉ ngơi, uống thuốc, ăn uống đầy đủ để phòng tránh các biến chứng sau phẫu thuật, nhất là tình trạng huyết áp thấp sau phẫu thuật. Sau khi về nhà cần thực hiện chăm sóc bản thân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Tuy nhiên nếu tình trạng huyết áp thấp không được cải thiện và diễn ra liên tục với các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, mờ mắt, buồn nôn, mất nước, ớn lạnh hoặc ngất xỉu thì bạn nên đi khám để được điều trị và chăm sóc kịp thời.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn đã có 12 năm kinh nghiệm tại các Bệnh Viện Đa Khoa Vĩnh Long, Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh Viện Nguyễn Trãi. Hiện nay đang là Bác sĩ Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế uy tín hàng đầu trong lĩnh vực điều trị các bệnh về huyết áp, với đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu chuyên môn và kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe