Kẽm là một loại khoáng chất mà các tế bào trong cơ thể cần để chống lại vi khuẩn và virus, tạo ra vật liệu di truyền được gọi là DNA và đảm bảo các chức năng của cơ thể. Kẽm giúp chữa lành vết thương, hỗ trợ khứu giác và vị giác. Vai trò của kẽm rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi chúng lớn lên.
1.Cơ thể của bạn liệu có đủ lượng kẽm cần thiết không?
Một người đàn ông trưởng thành cần 11 miligam kẽm, một phụ nữ trưởng thành cần 8 miligam mỗi ngày. Nếu đang mang thai hoặc cho con bú, bạn sẽ cần nhiều hơn - khoảng 12 miligam mỗi ngày. Trẻ em cần 2 đến 11 miligam tùy theo độ tuổi và giới tính.
Trong cơ thể luôn có một lượng kẽm nhất định nhưng trong một số bệnh lý, cơ thể khó mà sử dụng lượng kẽm này, bao gồm các phẫu thuật dạ dày hoặc ruột, lạm dụng rượu bia và các bệnh về tiêu hóa như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn. Những người không ăn thịt hay các sản phẩm từ động vật có thể gặp khó khăn hơn trong việc nhận đủ kẽm từ thực phẩm.
2. Điều gì xảy ra nếu cơ thể không nhận đủ kẽm?
Thiếu kẽm có thể làm cho trẻ phát triển chậm hơn và trì hoãn dậy thì ở thanh thiếu niên. Người lớn thiếu kẽm có thể bị rụng tóc, tiêu chảy, lở loét trên mắt và da kèm theo chán ăn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến sự ham muốn tình dục ở đàn ông. Mặc dù vậy bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi bổ sung kẽm, bởi có khả năng các vấn đề kể trên được gây ra bởi một nguyên nhân khác nhiều hơn là do bạn thiếu kẽm.
3. Vai trò của kẽm với một làn da khỏe mạnh
Kẽm giúp làn da của bạn đạt được một làn da đẹp như bạn mong muốn: giúp tăng sức đề kháng của da, bảo vệ bạn khỏi vi khuẩn và virus. Bác sĩ có thể kê đơn bổ sung kẽm hoặc thuốc mỡ để điều trị một số vấn đề về da, như mụn trứng cá.
4. Kẽm có thể chữa cảm lạnh thông thường?
Một số nghiên cứu cho thấy nếu bạn uống viên ngậm kẽm trong vòng 24 giờ sau khi cảm lạnh, các triệu chứng của bạn sẽ không trở nên nặng thêm hoặc kéo dài. Tuy nhiên, thuốc xịt mũi và gel chứa kẽm có liên quan đến việc mất khứu giác. Vì vậy cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra bằng chứng về tác dụng của kẽm đối với các trường hợp cảm lạnh và bạn nên dùng nó với liều lượng nào.
5. Kẽm có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) không?
Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) là một bệnh về mắt gây giảm thị lực theo thời gian. Một nghiên cứu lớn về những người có nguy cơ mắc AMD cho thấy rằng uống vitamin tổng hợp hàng ngày chứa kẽm - cùng với vitamin A và C, beta-carotene và đồng có thể giúp tránh được tình trạng bệnh này. Tuy nhiên các nghiên cứu lại không cho kết quả hoàn toàn giống nhau. Nếu bạn nghi ngờ mình thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc AMD, hãy gặp bác sĩ của bạn để được tư vấn bổ sung kẽm và vitamin có phải là một ý tưởng tốt cho bạn không.
6. Nguồn bổ sung kẽm
- Hàu
Bạn hoàn toàn có thể bổ sung kẽm bằng việc ăn chế độ ăn giàu kẽm. Một khẩu phần 85 gam hàu sẽ cung cấp 74 miligam kẽm, gấp 5 lần lượng kẽm bạn cần bổ sung vào cơ thể mỗi ngày. Hãy ăn hàu sống cùng với một quả chanh hoặc nướng chúng theo kiểu Rockefeller với rau bina, cùng với hành tây, vụn bánh mì và phô mai Parmesan.
- Thịt nạc bò
Để giúp cân bằng về dinh dưỡng, bạn nên ăn một phần nhỏ chế độ ăn gồm thịt bò kết hợp với ăn nhiều rau xanh sẽ thực sự tốt cho sức khỏe. Một khẩu phần 85 gam sẽ có khoảng 7 miligam kẽm.
- Cua Hoàng đế Alaska
Một khẩu phần 85 gam sẽ tương đương 6,5 miligam kẽm. Bạn có thể sẽ phải luyện tập đôi chút để biết cách lấy thịt ra khỏi vỏ cua, tuy nhiên việc này cũng khiến cho việc ăn món ăn này trở nên thú vị hơn. Thêm vào đó, bạn cũng vì thế mà ăn chậm hơn, tốt cho sức khỏe hơn.
- Thịt gà đen
Một khẩu phần ăn gầm 85mg thịt gà đen có 2,4 miligam kẽm, và ít hơn 1 miligam kẽm nếu bạn ăn ức gà không da. Có thể chế biến một ít đùi gà nướng với cải xoăn xào sẽ cho một bữa ăn vừa ngon và lành mạnh.
- Hạt điều
Bạn băn khoăn làm thế nào có một bữa ăn nhẹ nhưng vẫn giàu kẽm? Hạt điều có 1,6 miligam kẽm trong mỗi khẩu phần 28 gam. Tuy nhiên hãy cân nhắc tới khối lượng bạn định ăn vì hạt điều cũng cung cấp nhiều calo và chất béo.
- Viên bổ sung kẽm
Đây là một phương pháp tốt nếu bạn không thể cung cấp đủ lượng kẽm khuyến cáo trong chế độ ăn uống hoặc bạn có một số vấn đề về sức khoẻ nhất định. Cần gặp bác sĩ để có tư vấn chính xác nhất trước khi quyết định bổ sung kẽm bằng viên uống.
Lưu ý: Quá nhiều kẽm cũng không có lợi cho bạn
Thừa kẽm có khả năng gây tiêu chảy, co thắt dạ dày, đau đầu và buồn nôn. Và nếu bạn dùng các viên uống kẽm này quá nhiều trong thời gian quá lâu, bạn có thể có lượng đồng thấp hơn, hệ thống miễn dịch yếu hơn và ít HDL hơn (một loại cholesterol tốt). Bạn không nên uống nhiều hơn 40 miligam kẽm mỗi ngày trừ khi bác sĩ chỉ định. Hãy thảo luận với bác sĩ về liều lượng kẽm bạn nên bổ sung trước khi bổ sung kẽm cho con bạn.
7. Kẽm tương tác với các loại thuốc khác
Bổ sung kẽm có thể làm mất tác dụng của kháng sinh và ngược lại kháng sinh có thể khiến cơ thể bạn khó dung nạp kẽm. Các chất bổ sung kẽm cũng có thể làm cho cơ thể bạn khó hấp thụ một số loại thuốc hơn, như thuốc viêm khớp penicillamine.
Kẽm đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể mỗi người. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý như xơ vữa động mạch, suy giảm thính giác, loét miệng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Nguồn: webmd.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.