Growsel có tác dụng gì?

Thuốc Growsel được dùng để phòng ngừa và điều trị bệnh do thiếu vitamin và thiếu kẽm, điều trị mệt mỏi sau khi ốm hoặc cảm cúm. Bên cạnh đó, nó cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong các trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có vết thương lâu lành. Hãy cùng tìm hiểu về thuốc Growsel có tác dụng gì trong bài viết sau đây để dùng thuốc được an toàn, hiệu quả.

1. Thuốc growsel là thuốc gì?

Thuốc growsel là sản phẩm có thành phần chính là kẽm Gluconat và vitamin C và một lượng tá dược vừa đủ 1 viên như era tab, PVP K30, natri metabisulfit, magnesium stearate, bột talc.

Thuốc Growsel là một trong những thuốc được chỉ định điều trị mệt mỏi do cảm cúm hoặc sau khi bị ốm, giúp bổ sung tăng cường vitamin C và kẽm cho các trường hợp như trẻ em chậm lớn, biếng ăn, suy dinh dưỡng, khóc đêm; phụ nữ mang thai, ốm nghén, và các bà mẹ đang cho con bú; các đối tượng như người già, người đang ăn chay hoặc ăn kiêng, người bị bệnh tiểu đường, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong các trường hợp bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn và vết thương lâu lành, các trường hợp sau phẫu thuật hoặc chấn thương, ngoài ra thuốc cũng chỉ định cho người bị tiêu chảy cấp và mạn tính.

2. Growsel có tác dụng gì?

Thuốc Growsel có thành phần chính là kẽm và vitamin C. Do đó thuốc growsel có tác dụng sau:

Growsel được dùng trong phòng và điều trị bệnh do thiếu vitamin C và kẽm.

Ngoài ra, nó còn giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể trong các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, vết thương lâu lành.

Không những vậy, Growsel còn dùng điều trị tình trạng mệt mỏi do cảm cúm hoặc sau khi ốm.

Đồng thời, thuốc giúp bổ sung kẽm vào chế độ ăn cho các đối tượng:

  • Trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, khóc đêm.
  • Phụ nữ mang thai, ốm nghén và bà mẹ đang cho con bú.
  • Đối tượng là người già, người ăn chay hoặc ăn kiêng, người bệnh tiểu đường.
  • Các trường hợp sau phẫu thuật hay chấn thương.
  • Tình trạng tiêu chảy cấp và mạn tính.

Mặt khác, vitamin C có vai trò trong tạo lập collagen, tham gia hình thành các mô liên kết trong cơ thể (như mạch máu, răng, dây chằng, xương...), tham gia vào quá trình tổng hợp lipid và protein, hô hấp tế bào, bảo toàn mao mạch và tạo sức đề kháng với nhiễm khuẩn, là một chất oxy hóa quan trọng. Vitamin C có vai trò làm tăng sức đề kháng của cơ thể, tham gia vào quá trình sản xuất catecholamin và một số chất khác.

Thiếu vitamin C gây ra nhiều bệnh như chảy máu chân răng, vỡ mao mạch gây vết bầm tím trên da, thiếu vitamin C còn khiến cho vết thương lâu lành, gây thiếu máu vì quá trình chuyển hóa Fe+++ thành Fe++ cần có vitamin C xúc tác, nếu thiếu vitamin C sẽ dẫn đến giảm tổng hợp Fe++ do đó giảm hấp thu Fe++ ở tá tràng.

Nếu bổ sung vitamin C đầy đủ bằng đường ăn hoặc đường uống, vitamin C sẽ được hấp thu ở dạ dày và ruột một cách dễ dàng do vitamin C tan trong nước. Khoảng 25% vitamin C sẽ được hấp thu hình thành liên kết với protein huyết tương, phần còn lại sẽ được phân bố rộng rãi khắp các mô cơ thể.

Vitamin C được thải trừ ra ngoài qua đường nước tiểu dưới dạng chuyển hóa. Nếu bổ sung quá nhiều vitamin C thì toàn bộ lượng dư thừa sẽ được đào thải ra ngoài nước tiểu

Kẽm gluconat là muối kẽm của acid gluconic, là một chất không thể thiếu trong cơ thể. Kẽm tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể, là thành phần của khoảng hơn 300 enzym, tham gia tích cực vào các cơ chế bảo vệ cơ thể, góp phần tăng cường sức đề kháng, chống lại sự tấn công của các chất ô nhiễm, các gốc tự do và thời tiết lạnh, nóng gây ra mệt mỏi, stress, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, kẽm còn có chức năng tham gia quá trình điều tiết các hoạt động thần kinh, tuyến tiền liệt, nhân đôi tế bào, sinh sản, tăng trưởng, hô hấp, chuyển hóa glucid, sinh miễn dịch từ đó giúp làm lành vết thương nhanh hơn.

Kẽm là một chất quan trọng trong cơ thể, vì thế cần phải cung cấp kẽm cho cơ thể qua các loại thức ăn hàng ngày như thịt, cá, trứng,... Kẽm được hấp thu khoảng 20-30%, phân bố hầu hết ở các mô, nhiều nhất là ở tóc, võng mạc, dịch tiền liệt, cơ và xương. Trẻ biếng ăn, chậm lớn, giảm thị lực, tiêu chảy, đái dầm là biểu hiện của tình trạng thiếu kẽm, đặc biệt biểu hiện rõ ràng nhất là móng tay có đốm trắng hình hạt gạo. Thiếu kẽm thường ở người bị rối loạn tiêu hóa, uống rượu bia nhiều, ăn chay, phụ nữ mang thai và cho con bú. Ở phụ nữ mang thai, nếu hàm lượng trong máu giảm một nửa sẽ dẫn đến nguy cơ sinh non, tai biến sản khoa, cân nặng con sinh ra thấp, rối loạn giới tính hoặc có thể gây dị tật bẩm sinh. Ở người lớn, tình trạng thiếu kẽm cũng là nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh, rụng tóc, tan khối cơ và loãng xương. Do đó, cần bổ sung kẽm đầy đủ cho cơ thể.

3. Cách sử dụng thuốc growsel

3.1. Chống chỉ định của thuốc growsel

Không sử dụng thuốc growsel trong các trường hợp mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc, không nên dùng thuốc khi sốt do nhiễm khuẩn cấp tính, do trong thành phần của thuốc có chứa kẽm nếu dùng khi sốt do nhiễm khuẩn cấp tính sẽ khiến tình trạng sốt tăng cao và trầm trọng hơn, tránh sử dụng thuốc khi bị loét dạ dày – tá tràng và nôn ói cấp tính.

Sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi dùng. Sử dụng thuốc bằng được uống và nên uống sau khi ăn khoảng 30 để thuốc được hấp thu hiệu quả nhất.

  • Đối với người lớn: ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên
  • Đối với trẻ em: ngày 1 lần, mỗi lần 1 viên

Lưu ý: Khi sử dụng thuốc nên hạn chế bia, rượu và các chất kích thích... để đạt được hiệu quả tốt.

Không sử dụng nước hoa quả hay các loại nước ngọt đóng hộp có chai, cà phê hay nước chè để uống uống

Không dùng sữa để thuốc thuốc vì thành phần của sữa có chứa canxi. Chỉ nên dùng thuốc với nước lọc và không sử dụng các loại đồ uống khác.

3.2. Tác dụng phụ của thuốc growsel

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi người bệnh sử dụng thuốc như: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, làm tăng oxalat niệu, nóng rát dạ dày.

Nếu trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào khác, hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

3.3. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc growsel

Sau đây là một số trường hợp bạn không nên sử dụng thuốc growsel :

  • Vitamin C có thể làm kích ứng nhẹ và làm giảm khả năng hấp thu thuốc của dạ dày, do đó không nên sử dụng thuốc lúc đói và buổi tối
  • Đối với phụ nữ có thai và người bệnh suy mạn tính cần thận trọng với liều cao hơn bình thường. Phụ nữ mang thai và cho con bú có thể sử dụng thuốc growsel ở liều vừa đủ. Tuy nhiên, nếu dùng vitamin C liều cao kéo dài ở phụ nữ mang thai có thể gây ra hội chứng scorbut ở trẻ sơ sinh. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ và dược sĩ trước khi sử dụng thuốc này
  • Ngừng sử dụng thuốc growsel khi có dấu hiệu quá liều

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe