Tách màng ối gây chuyển dạ: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tách màng ối gây chuyển dạ là một thủ thuật nhằm giải phóng hormone gây co thắt tử cung. Tuy nhiên phương pháp này gây khó chịu cho bà mẹ mang thai, và nhiều nghiên cứu không đồng tình với nó vì mang lại nhiều rủi ro.

1. Thế nào là chuyển dạ có can thiệp?

Quá trình chuyển dạ là khi xuất hiện các cơn co thắt ngắn, thường xuyên của tử cung. Các cơn co thắt xảy ra khi cơ tử cung co chặt và sau đó lại giãn ra. Quá trình chuyển dạ giúp đẩy em bé ra khỏi tử cung và giúp cổ tử cung giãn nở. Cổ tử cung là phần mở ra của tử cung nằm ở đầu âm đạo. Em bé sẽ đi qua cổ tử cung vào âm đạo trong khi sinh.

Khi các bà mẹ mang thai có gặp những vấn đề sức khỏe có thể gây hại cho bản thân và em bé, hoặc bà mẹ đã mang thai hơn 42 tuần thì lúc này bác sỹ có thể chỉ định chuyển dạ có can thiệp. Đối với một số phụ nữ, việc chuyển dạ có can thiệp là cách tốt nhất để giữ cho mẹ và em bé khỏe mạnh

Những trường hợp cần can thiệp chuyển dạ bao gồm:

  • Thời gian mang thai kéo dài hơn 42 tuần. Nhau thai phát triển trong tử cung và cung cấp thức ăn và oxy cho em bé qua dây rốn. Sau 42 tuần thai kỳ, nhau thai thường ngừng hoạt động và em bé sẽ không còn được khỏe mạnh nữa.
  • Nhau thai tách dần khỏi tử cung, dẫn đến suy nhau thai và không đảm bảo đủ nuôi dưỡng cho em bé.
  • Sản phụ bị nhiễm trùng trong tử cung.
  • Sản phụ đã vỡ ối hoặc cạn nước ối nhưng không xuất hiện các cơn co thắt tử cung.
  • Sản phụ có vấn đề về sức khoẻ, ví dụ như: tiểu đường, tăng huyết áp,... có thể gây hại cho bản thân và cho em bé.
  • Thai nhi có vấn đề về tăng trưởng.
  • Sản phụ là người mang nhóm máu Rh (-).

Bác sĩ sẽ cân nhắc và trao đổi về việc can thiệp chuyển dạ.
Bác sĩ sẽ cân nhắc và trao đổi về việc can thiệp chuyển dạ.

Nếu thai kỳ khỏe mạnh, thì tốt nhất là để quá trình chuyển dạ diễn ra một cách tự nhiên. Điều này sẽ giúp cho phổi và não của em bé được phát triển hoàn thiện trước khi bé chào đời. Trong trường hợp có vấn đề với thai kỳ hoặc sức khoẻ của em bé, hay bà mẹ có thể cần phải sinh con sớm hơn, thì lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc và trao đổi về việc can thiệp chuyển dạ.

Trắc nghiệm: Dấu hiệu cảnh báo chuyển dạ thực sự

Chuyển dạ là quá trình thai phụ bước vào giai đoạn “đẻ đau” để kết thúc thời gian “mang nặng”. Thời gian và dấu hiệu chuyển dạ sẽ khác nhau tùy vào vào từng người và nhiều yếu tố. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các dấu hiệu chuyển dạ một cách chính xác và an toàn.

2. Phương pháp tách ối gây chuyển dạ

Túi ối là túi giữ em bé đang lớn lên bên trong tử cung. Túi nước ối chứa nhiều dịch màng ối.

Tách màng ối hay còn gọi là lóc ối từ thành tử cung, là một thủ thuật gây chuyển dạ có can thiệp. Khi tách màng ối, bác sĩ sẽ đeo găng tay và nhẹ nhàng dùng ngón tay đưa vào cổ tử cung, sau đó từ từ tách màng ối ra khỏi tử cung.

Sau khi tách màng ối, các bà mẹ có thể về nhà và đợi các cơn co thắt xuất hiện. Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng có thể cảm thấy đau thắt bụng và xuất hiện những đốm máu. Do ở những tuần cuối thai kỳ, cổ tử cung ngả về phía sau xương cụt nên rất khó để thủ thuật viên có thể chạm tới.

Chuyển dạ có can thiệp có thể mất vài giờ hoặc kéo dài 2-3 ngày, nó phụ thuộc vào cơ thể mỗi người đáp ứng như thế nào đối với việc điều trị. Nếu trong lần mang thai đầu tiên hoặc thai kỳ ít hơn 37 tuần tuổi thì chuyển dạ có can thiệp sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Phương pháp tách ối gây chuyển dạ chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của sản phụ. Vì thủ thuật này là một phương pháp chuyển dạ không tự nhiên có thể gây ra một vài những rủi ro nhất định. Trước khi thực hiện, sản phụ sẽ được bác sĩ cung cấp những thông tin cơ bản, cách thực hiện và các biến chứng sau đó có liên quan đến việc tách màng ối.

3. Những nguy cơ của chuyển dạ có can thiệp


Can thiệp chuyển dạ có thể có nguy cơ gì?
Can thiệp chuyển dạ có thể có nguy cơ gì?

Có nhiều nghiên cứu không đồng ý việc tách màng ối gây chuyển dạ do mang lại nhiều nguy cơ rủi ro. Những nguy cơ của việc can thiệp tách màng ối gây chuyển dạ bao gồm:

  • Nguy cơ sinh mổ cao: Nếu can thiệp không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.
  • Cần sử dụng nhiều thuốc giảm đau.
  • Can thiệp chuyển dạ có thể khiến các cơn co thắt mạnh và liên tục hơn so với chuyển dạ tự nhiên. Do đó, nhiều khả năng sản phụ phải gây tê ngoài màng cứng hoặc một số loại thuốc khác để kiểm soát các cơn đau.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và em bé
  • Có thể làm vỡ túi ối và dẫn đến nhiễm trùng nếu sản phụ không sinh trong vòng một hoặc hai ngày sau khi can thiệp chuyển dạ.
  • Gây ra các vấn đề về sức khỏe của em bé: Những bà mẹ có sử dụng các biện pháp can thiệp chuyển dạ thường sẽ sinh con sớm một chút, khoảng từ giữa tuần thứ 37 và tuần thứ 39. Do đó, em bé khi sinh ra có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp và một số vấn đề khác

Tóm lại, tách màng ối là một phương pháp gây chuyển dạ có can thiệp. Chuyển dạ có can thiệp chỉ được chỉ định trong trường hợp sản phụ hay em bé có vấn đề về sức khỏe cần phải sinh sớm, và được thực hiện khi có sự đồng ý của sản phụ. Tuy nhiên, tách màng ối có thể để lại nhiều nguy cơ rủi ro, nên tốt nhất là các bà mẹ hay để chuyển dạ một cách tự nhiên khi thai nhi phát triển bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe