Nếu quá trình chuyển dạ của thai phụ không tự bắt đầu, bác sĩ có thể sẽ kích thích chuyển dạ bằng thuốc hoặc dùng các kỹ thuật khác để kích thích các cơn co thắt. Phương pháp này giúp thai phụ có thể chuyển dạ và sinh nở bình thường.
1. Khởi phát chuyển dạ
Khởi phát chuyển dạ là một quá trình mà bác sĩ sẽ kích thích các cơn gò tử cung giúp thai phụ sinh con qua ngã âm đạo. Có nhiều lý do để bác sĩ thực hiện khởi phát chuyển dạ, trong đó có một vài lý do phổ biến là do thai quá ngày, bác sĩ cho rằng việc sinh con lúc này sẽ tốt hơn việc chờ chuyển dạ tự nhiên hoặc vỡ ối.
Một số tình trạng y khoa như cao huyết áp, tiểu đường, các vấn đề về tim hoặc phổi của thai phụ cũng có thể là nguyên nhân để bác sĩ thực hiện khởi phát chuyển dạ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tình trạng suy thai hay thai chết lưu, cũng như nếu thai phụ sống quá xa bệnh viện hoặc có tiền sử chuyển dạ nhanh thì bác sĩ cũng có thể chỉ định khởi phát chuyển dạ . Đây chỉ là một vài trong số những lý do thường gặp mà bác sĩ sẽ chỉ định khởi phát chuyển dạ.
Sự thành công của thủ thuật khởi phát chuyển dạ để sinh con qua ngã âm đạo sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong những yếu tố đó là độ mở và độ xóa cổ tử cung. Nếu cổ tử cung của sản phụ có độ mở và độ xóa càng lớn thì khả năng sinh con qua ngã âm đạo là càng cao. Bác sĩ có thể chỉ định cho sản phụ dùng thuốc để làm chín muồi cổ tử cung trước khi thực hiện khởi phát chuyển dạ.
2. Khởi phát chuyển dạ được chỉ định khi nào?
Bác sĩ có thể chỉ định kích thích chuyển dạ cho thai phụ khi:
- Quá ngày dự sinh một đến hai tuần nhưng người mẹ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Các chuyên gia khuyên không nên chờ đợi lâu hơn vì điều đó khiến cả mẹ và em bé có nguy cơ cao hơn đối với nhiều vấn đề khác nhau. Ví dụ, khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho bé của nhau thai trở nên kém hiệu quả, làm tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác cho trẻ sơ sinh.
- Nước ối vỡ nhưng vẫn không có dấu hiệu của cuộc chuyển dạ. Một khi màng ối bị vỡ, sản phụ và em bé có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Vì vậy, bác sĩ sẽ yêu cầu người mẹ cân nhắc các rủi ro và lợi ích việc kích thích chuyển dạ.
- Kết quả xét nghiệm cho thấy nhau thai của người mẹ không còn hoạt động bình thường, bị thoái hóa già cỗi không thể cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, mẹ có quá ít nước ối hoặc em bé không phát triển như bình thường.
- Sản phụ bị tiền sản giật, một tình trạng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người mẹ và hạn chế lưu lượng máu đến thai nhi.
- Sản phụ mắc bệnh mãn tính hoặc cấp tính như huyết áp cao, bệnh tiểu đường, bệnh thận hoặc ứ mật của thai kỳ, đe dọa đến sức khỏe của người mẹ hoặc thai nhi.
- Từng có thai chết lưu trước đây, thai chậm phát triển.
- Hoặc do sản phụ sống xa bệnh viện, việc di chuyển không thuận lợi.
- Sản phụ mắc các chứng viêm nhiễm tử cung, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
3. Những trường hợp chống chỉ định
- Kết quả xét nghiệm chỉ ra rằng thai nhi không thể chịu đựng được các cơn co thắt tử cung.
- Có nhau thai tiền đạo, sa dây rốn.
- Thai ngôi mông, thai suy cấp, não úng thủy nặng.
- Sản phụ từng sinh mổ trước đó với vết mổ tử cung dọc, hoặc đã từng có các phẫu thuật tử cung khác như phẫu thuật để cắt bỏ u xơ cổ tử cung.
- Mang thai đôi và em bé đầu tiên ở vị trí ngôi mông, hoặc đang mang đa thai.
- Bị nhiễm herpes sinh dục.
- Các bệnh lý mạn tính nghiêm trọng của người mẹ như suy tim, tiền sản giật nặng,...
- Bất tương xứng thai - khung chậu người mẹ.
- Xuất huyết âm đạo 3 tháng cuối không rõ nguyên nhân.
4. Các phương pháp khởi phát chuyển dạ
Có nhiều cách để khởi phát chuyển dạ, nếu cần làm chín muồi (quy trình làm mềm) cổ tử cung, bác sĩ sẽ đặt thuốc vào trong âm đạo của sản phụ. Thuốc này sẽ từ từ thấm vào trong cổ tử cung. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc đường uống để làm mềm cổ tử cung. Các loại thuốc này đươc gọi là prostaglandins và có tác dụng tương tự như các chất tự nhiên trong cơ thể. Hai loại prostaglandins thường được dùng nhất là PGE1 và PGE2 ở dạng viên, gel hoặc đặt âm đạo.
Ngoài ra cũng có các phương pháp cơ học để làm mở và mềm cổ tử cung. Phương pháp đặt ống thông Foley, ống thông này được đặt vào cổ tử cung của sản phụ để mở rộng cổ tử cung theo cách thủ công. Dụng cụ này như một quả bóng nước có đường kính khoảng 5 đến 8cm giúp làm mở và mềm từ từ cổ tử cung. Bên cạnh đó còn có phương pháp nong cổ tử cung gọi là tảo nong (laminaria) được đặt vào cổ tử cung để mở cổ tử cung từ từ. Các phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp thai quá ngày.
Khi cổ tử cung đã mềm, bác sĩ sẽ cho truyền thuốc oxytocin vào đường tĩnh mạch nhằm kích thích tử cung co thắt để chuyển dạ tự nhiên. Oxytocin sẽ được tăng liều từ từ nhằm giúp các cơn gò đủ mạnh để mở cổ tử cung.
Đôi khi thuốc có tác dụng làm mềm cổ tử cung cũng sẽ gây ra các cơn co thắt tử cung. Khi đó, bác sĩ có thể không cần chỉ định cho sản phụ dùng thuốc đường tĩnh mạch nếu tử cung đã co thắt và cổ tử cung đang mở dần.
Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành bấm ối (làm vỡ ối) để kích thích cơn gò. Đây là phương pháp hiệu quả để kích thích cơn gò và có thể được thực hiện kết hợp với các phương pháp đã nêu trên.
5. Rủi ro khi khởi phát chuyển dạ
Như đã được đề cập ở trên, không phải lúc nào thủ thuật khởi phát chuyển dạ cũng giúp sinh con qua ngã âm đạo. Đôi khi bác sĩ cần phải tiến hành mổ lấy thai dù đã nỗ lực thực hiện mọi biện pháp. Sự thành công của khởi phát chuyển dạ phụ thuộc vào tình hình thực tế khi thực hiện khởi phát.
Ngoài ra, khởi phát chuyển dạ cũng có thể dẫn đến phương pháp sinh con đường âm đạo bằng thủ thuật như dùng kẹp hoặc máy hút.
Đối với cơn đau khi khởi phát chuyển dạ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau qua đường tĩnh mạch hoặc gây tê ngoài màng cứng gây tê tủy sống tùy thuộc vào giai đoạn chuyển dạ của sản phụ. Tuy nhiên, các phương pháp này không thể giảm đau hoàn toàn.
Sau khi bắt đầu chuyển dạ, bác sĩ sẽ kiểm tra xem cổ tử cung của sản phụ đã mở chưa. Khởi phát chuyển dạ, nếu thành công sẽ giúp sinh con qua ngã âm đạo và nếu không thành công thì có thể phải tiến hành mổ lấy thai. Thủ thuật khởi phát chuyển dạ sẽ kết thúc sau khi sản phụ sinh con, dù bằng phương pháp sinh con qua ngã âm đạo hay mổ lấy thai.
Tất cả thủ thuật, bất kể mức độ phức tạp hoặc thời gian thực hiện trong bao lâu, đều có những vấn đề không lường trước có thể xảy ra ngay tức thì hoặc sau thủ thuật. Do có nhiều phương pháp khác nhau để khởi phát chuyển dạ hoặc làm mềm cổ tử cung nên các biến chứng sẽ phụ thuộc vào từng phương pháp thực hiện. Những biến chứng đó bao gồm, nhưng không giới hạn:
5.1. Biến chứng do prostaglandin (loại thuốc có tác dụng làm mềm hoặc chín muồi cổ tử cung)
- Cơn gò cường tính: Là tình trạng tử cung co thắt quá nhiều trong khoảng thời gian 10 phút. Tình trạng này còn kèm theo dấu hiệu cho thấy rằng thai nhi không thể chịu được kiểu gò này. Tỷ lệ hình thành cơn gò cường tính đối với gel PGE2 là khoảng 1% nếu đặt trong âm đạo và 5% nếu đặt trong cổ tử cung. Nguy cơ của PGE1 chưa được xác định, nhưng có thể hơi cao so với PGE2;
- Tác dụng phụ đối với sản phụ: Vì thuốc được hấp thụ vào máu, nên sản phụ có thể gặp hiện tượng tiêu chảy, sốt hoặc nôn ói. Nhưng nguy cơ này thường thấp và bác sĩ có thể chỉ định cho sản phụ dùng thuốc để kiểm soát các tác dụng phụ này;
- Vỡ tử cung: Hiện tượng vỡ tử cung do PGE1 có thể xảy ra ở những sản phụ đã từng làm phẫu thuật tử cung. Ngoài ra, những sản phụ sử dụng PGE1 và Oxytocin để khởi phát chuyển dạ ở ba tháng giữa của thai kỳ cũng có thể xảy ra tình trạng này. Nguy cơ này thường thấp và là vấn đề mà bác sĩ cần phải theo dõi rất chặt chẽ;
- Nhiễm khuẩn: So với prostagladins, phương pháp nong cơ học như laminaria có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn trong tử cung.
5.2. Biến chứng do các chất kích thích khởi phát chuyển dạ khác
- Oxytocin: Việc sử dụng oxytocin có thể gây ra cơn gò cường tính và kèm theo dấu hiệu cho thấy thai nhi không thể chịu được cơn gò này. Cơn gò cường tính làm vỡ tử cung cũng có thể xảy ra tuy nhiên hiếm gặp. Nguy cơ này có thể là do liều dùng oxytocin. Các nguy cơ hiếm gặp khác có thể bao gồm nhiễm độc nước và hạ huyết áp cũng có thể xảy ra với tỉ lệ thấp;
- Bấm ối: Nguy cơ do bấm ối (làm vỡ ối) có thể là sa dây rốn (dây rốn sa ra ngoài cổ tử cung). Biến chứng này thường dẫn đến việc phải mổ lấy thai. Các biến chứng khác bao gồm viêm màng ối (nhiễm trùng tử cung và các lớp lót của nhau thai) và chèn ép rốn. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ các biến chứng này;
- Tách màng ối: Nguy cơ xuất huyết có thể xảy ra sau khi tách màng ối nếu nhau tiền đạo không được chẩn đoán trước đó (do nhau thai che phủ lỗ trong cổ tử cung). Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm trước khi khởi phát chuyển dạ để xác định chắn chắn vị trí của nhau thai.
Hy vọng với những thông tin trên đây đã mang đến những kiến thức bổ ích để sản phụ có quyết định sáng suốt nhất trong quá trình sinh đẻ. Tất cả các phương pháp khởi phát chuyển dạ đều có những chỉ định và chống chỉ định chặt chẽ. Khi tiến hành thực hiện các phương pháp này phải được thực hiện ở những cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.
Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.