Tác hại khi trẻ em ngủ không đủ giấc

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng gần một nửa số trẻ em ở Hoa Kỳ không ngủ đủ 9 giờ theo khuyến nghị. Các chuyên gia cho biết trẻ thiếu ngủ có thể ảnh hưởng khả năng tập trung, học tập và gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Hãy tìm hiểu tác hại khi trẻ ngủ không đủ giấc và phương pháp giúp cha mẹ cải thiện dần thói quen ngủ của con thông qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về tình trạng thiếu ngủ ở trẻ

Có một thực trạng mà nhiều bậc phụ huynh nên nhận ra là: trẻ em hiện nay thường ngủ không đủ giấc hoặc thiếu những giấc ngủ chất lượng. Nguyên nhân vì thời gian đi học bắt đầu sớm, não bộ dễ phân tâm do tác động từ màn hình và các áp lực bên ngoài đã khiến hơn 52% trẻ em từ 6 đến 17 tuổi ngủ ít hơn 9 giờ mỗi đêm theo khuyến nghị của bác sĩ nhi khoa.

Theo một nghiên cứu mới được trình bày tại Hội nghị và Triển lãm Quốc gia năm 2019 của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) ở New Orleans, việc trẻ thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, trong nhóm trẻ em cùng lứa tuổi, 48% trẻ ngủ đủ giấc sẽ có khả năng tò mò, tiếp nhận thông tin và kĩ năng mới cao hơn 44%. Những trẻ này cũng có khả năng hoàn thành bài tập về nhà cao hơn 33% và thể hiện sự quan tâm đến việc học ở trường cao hơn 28%.

Yếu tố nào dẫn đến việc trẻ ngủ ít?

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng ngủ kém bao gồm:

  • Điều kiện sống không ổn định.
  • Thiếu sự quan tâm, nhắc nhở của người chăm sóc về tầm quan trọng của ngủ đủ giấc.
  • Sử dụng các phương tiện kỹ thuật số quá nhiều (điện thoại, máy tính, tivi...).
  • Gặp phải các tình huống bất lợi trong cuộc sống gia đình và có các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Như vậy, không chỉ có người lớn đang phải vật lộn với các vấn đề về giấc ngủ, ngày nay trẻ em cũng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ từ nhẹ đến nặng.


Trẻ ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển
Trẻ ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển

2. Ảnh hưởng sức khỏe khi trẻ thiếu ngủ

Các chuyên gia đều cho rằng, trẻ ngủ không đủ giấc không chỉ bị ảnh hưởng rõ nét ở khả năng tập trung, thành tích học tập mà còn tiềm ẩn những nguy cơ lâu dài về mặt sức khỏe.

  • Thứ nhất, nếu trẻ ngủ ít kết hợp với việc tiếp xúc nhiều hơn với vi trùng ở môi trường xung quanh khiến trẻ dễ nhiễm bệnh hơn (béo phì, cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, nhịp tim không đều và bệnh tiểu đường, bệnh truyền nhiễm...). Nguyên nhân vì giấc ngủ không chỉ là giấc ngủ, mà còn là chế độ nghỉ ngơi hàng đêm mà cơ thể rất cần để nâng cao sức đề kháng, điều hòa hoạt động trao đổi chất và bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân bên ngoài.
  • Thứ hai, giấc ngủ có liên quan mật thiết đến sự phát triển thể chất của trẻ. Trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng vẫn đang ở giai đoạn phát triển thùy trán và kỹ năng ra quyết định. Nhưng khi tình trạng ngủ không đủ giấc, thiếu ngủ ngày càng trầm trọng thì thùy trán lại là cơ quan bị suy yếu nhiều nhất. Kết quả là các chức năng tâm thần bị giảm tương tự như ở người say rượu, các quá trình ra quyết định bị trì hoãn, suy giảm sự chú ý và khả năng ghi nhớ.
  • Thứ ba, những trẻ ngủ ít trong thời gian dài thường có nhiều vấn đề về hành vi hơn, liều lĩnh, lo lắng hơn và dễ gặp các vấn đề về tâm trạng. Nhiều trẻ thiếu ngủ dễ gặp ác mộng, mộng duđái dầm khi đang ngủ.

Nhưng điều cần quan tâm nhất chính là mối liên hệ giữa việc ngủ quá ít với việc chán nản, sa sút tinh thần và dễ tự làm hại bản thân ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng lớn đến hành vi của trẻ. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng học sinh trung học ngủ ít hơn 6 tiếng có nguy cơ trầm cảm, nghĩ đến việc tự tử hoặc tự làm hại bản thân cao hơn những bạn đồng trang lứa ngủ đủ 8 tiếng gấp 3 lần.


Trẻ ngủ không đủ giấc ảnh hưởng tới thành tích học tập
Trẻ ngủ không đủ giấc ảnh hưởng tới thành tích học tập

3. Ảnh hưởng của mạng xã hội đến sức khỏe giấc ngủ

Mặc dù ta đều biết thời gian sử dụng thiết bị di động có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ em, nhưng mạng xã hội lại gây ra những tác hại lớn hơn khi tác động trực tiếp đến trung tâm khen thưởng của não bộ.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thông tin đều có thể tìm thấy trực tuyến và dường như mọi thứ đều bị chi phối không ít thì nhiều bởi mạng xã hội. Trẻ em cũng tham gia xu hướng này khi không chỉ sử dụng nội dung mà còn có thể tạo ra nó thông qua những thao tác đơn giản.

Đối với não bộ, khi ta đang xem hoặc tạo ra nội dung gì đó trên mạng xã hội, não sẽ tiết ra các hormone như norepinephrine và dopamine gây kích thích các “trung tâm đánh thức” của não bộ, khiến ta càng khó đi vào giấc ngủ hơn.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng báo hiệu tuyến thượng thận tiết ra hormon adrenaline và hormone căng thẳng, Cortisol, khi một người liên tục lướt và xem mạng xã hội.

Nói chung, nếu lượng adrenaline và cortisol cứ tăng vọt thì dù trẻ có cố gắng đi vào giấc ngủ đến đâu, việc có một giấc ngủ chất lượng cũng không phải là điều dễ dàng.


Mạng xã hội là một trong các nguyên nhân khiến trẻ ngủ không đủ giấc
Mạng xã hội là một trong các nguyên nhân khiến trẻ ngủ không đủ giấc

4. Cách để giúp trẻ ngủ ngon hơn

Nếu bạn muốn giúp con mình ngủ ngon hơn, hãy bắt đầu từ chính nếp sống, sinh hoạt trong gia đình. Các bậc cha mẹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và giáo dục con cái hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ và tuân thủ các quy tắc nhất định để có giấc ngủ chất lượng.

Dưới đây là các bước gợi ý để cha mẹ giúp trẻ ngủ ngon hơn:

  • Thường xuyên nói về tầm quan trọng và lợi ích của việc ngủ đủ giấc với trẻ nhỏ.
  • Không nên nói việc đi ngủ sớm như một hình phạt hoặc thức khuya là một phần thưởng.
  • Khi nhắc đến việc đi ngủ, hãy nói với nghĩa tích cực. Thay vì nói con “phải đi ngủ”, hãy nói “đã đến giờ để con nghỉ ngơi”.
  • Tìm cách tối ưu hóa môi trường ngủ cho con. Ví dụ như phòng tối, yên tĩnh và thoải mái, nệm gối êm ái sẽ giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
  • Trẻ em dưới 13 tuổi không nên được tiếp cận với mạng xã hội và thiết bị điện tử quá thường xuyên. Nên giới hạn thời gian sử dụng thiết bị di động của trẻ và lần cuối sử dụng nên cách thời gian ngủ tối thiểu 1 tiếng.
  • Cha mẹ không nên để phòng ngủ của trẻ có màn hình tivi hay các thiết bị điện tử khác.

Phía trên là các phương pháp để hạn chế tình trạng trẻ ngủ không đủ giấc, trẻ thiếu ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Hy vọng các bậc phụ huynh sẽ tạo ra được nếp sống sinh hoạt đồng bộ cho gia đình để mỗi thành viên đều được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc sau giờ làm việc, học tập căng thẳng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe