Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nội tiết.
Vitamin B6 là một dưỡng chất quan trọng đối với cơ thể. Thiếu hoặc thừa vitamin B6 đều dẫn tới nhiều tác hại cho sức khỏe.
1. Vai trò của Vitamin B6 đối với cơ thể
Vitamin B6 (pyridoxin) là một vitamin thuộc nhóm vitamin B và có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể, cụ thể như sau
- Vitamin B6 hoạt động như một coenzym tham gia các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể, giúp tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamin, taurin, norepinephrin, histamin, gamma-aminobutyric acid.. và các acid amin cần thiết cho cơ thể
- Đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất đạm, chất béo, carbohydrate, tham gia chuyển glycogen thành glucose, nhờ đó giúp duy trì nồng độ đường trong máu ổn định
- Vitamin B6 còn tham gia vào quá trình tổng hợp hemoglobin
- Giúp tăng cường bài tiết oxalat qua nước tiểu, chống sỏi thận
- Giúp bảo vệ tim mạch, giảm cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch và duy trì chức năng khỏe mạnh của não bộ.
2. Thiếu vitamin B6 dẫn tới những tác hại gì ?
Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bào thai và trẻ em sau khi sinh, đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của hệ thần kinh và não. Việc thiếu hụt vitamin B6 có thể dẫn tới nhiều triệu chứng: mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ, rối loạn tâm thần, môi khô nứt nẻ, da khô, mụn trứng cá, rụng tóc, mắt đỏ, mờ mắt, chậm lành vết thương, suy giảm miễn dịch, đau thần kinh, động kinh và tăng nồng độ homocysteine... Những người nghiện rượu, suy dinh dưỡng, bị xơ gan, suy tim,...thường có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin B6.
3. Thừa vitamin B6 dẫn tới những tác hại gì ?
Vitamin B6 là dưỡng chất quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, nếu bổ sung vitamin B6 quá nhiều cũng có thể gây ra nhiều tác hại. Đối với người lớn, việc bổ sung vitamin B6 quá 100mg mỗi ngày sẽ có nguy cơ gây tổn hại thần kinh. Thừa vitamin B6 còn có thể gây tê bàn chân, bàn tay hoặc thậm chí là mất cảm giác.
4. Bổ sung vitamin B6 đúng cách
Nhiều chuyên gia khuyến nghị nên bổ sung vitamin B6 vào khẩu phần ăn với liều khoảng 1mg/ngày đối với người lớn để giúp sự chuyển hóa được bình thường. Còn đối với người có PLP/huyết tương giảm do rối loạn chức năng chuyển hóa trong cơ thể cần bổ sung trên 25mg. Để cung cấp đủ vitamin B6, cần bổ sung vào chế độ ăn các loại thực phẩm sau: chuối, khoai tây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm, thịt bò nạc, pho mát, súp lơ, cà rốt, cải bắp, dưa hấu, đậu nành, đậu phộng, trứng...
Để vitamin B6 không bị mất đi trong quá trình bảo quản và chế biến thức ăn, nên để thực phẩm ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.