Những lý do khiến bạn luôn cảm thấy lạnh?

Bạn luôn cảm thấy lạnh trong người, bạn đã phải tìm mọi cách để có thể tăng thân nhiệt, làm ấm cơ thể như mặc thêm áo ấm, đốt sưởi, uống nước gừng,... nhưng chúng thường chỉ là những biện pháp tạm thời. Bởi có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bạn có thân nhiệt thấp, luôn cảm thấy lạnh trong người và với mỗi nguyên nhân sẽ có một cách xử lý khác nhau.

1. Thiếu máu có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Bạn tự hỏi tại sao bạn cảm thấy ớn lạnh? Tình trạng này có thể do một số nguyên nhân khác nhau gây ra, và thiếu máu là một trong các nguyên nhân đó.

Thiếu máu là khi bạn không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển cho cơ thể tất cả lượng oxy cần thiết. Tình trạng này sẽ khiến bạn cảm thấy luôn mệt mỏi, yếu ớt, chóng mặt và khó thở. Thiếu máu cũng có thể khiến bạn bị lạnh, đặc biệt là bàn tay và bàn chân của bạn.

Bác sĩ có thể phát hiện ra tình trạng thiếu máu của bạn thông qua xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm thêm một số xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân khiến bạn bị thiếu máu. Họ có thể cho bạn biết nếu bạn cần thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung các dưỡng chất hoặc điều trị khác tùy theo nguyên nhân gây thiếu máu là gì.

2. Suy giáp cũng khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Suy giáp là khi tuyến giáp ở cổ của bạn không tạo ra đủ một số hormone. Nó có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh. Suy giáp cũng có thể khiến cho bạn bị đau khớp, táo bón, khô da và tăng cân. Các triệu chứng có thể mất nhiều năm mới xuất hiện kể từ khi tuyến giáp của bạn bắt đầu suy yếu.

Suy giáp có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả bệnh tật hoặc các phương pháp điều trị bệnh khác. Bác sĩ của bạn có thể kê đơn các hormone nhân tạo để thay thế những hormone mà cơ thể bạn không tạo ra.


Suy giáp cũng có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh
Suy giáp cũng có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

3. Hội chứng Raynaud có thể làm cho bạn luôn cảm thấy lạnh

Khi bạn mắc hội chứng Raynaud, các mạch máu trên tay sẽ phản ứng quá mức với nhiệt độ thấp hoặc căng thẳng. Bệnh có thể diễn ra thành từng đợt, mỗi đợt thường kéo dài từ vài phút đến một giờ, chúng thu hẹp và hạn chế nguồn cung cấp máu. Điều này có thể làm cho ngón tay và ngón chân của bạn lạnh, tê và chúng có thể chuyển sang màu trắng hoặc xanh.

Khi máu trở lại, các ngón tay và ngón chân của bạn có thể bắt đầu ngứa ran hoặc thậm chí đau. Thuốc có thể làm dịu các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương mô do hội chứng Raynaud gây ra. Bạn cũng có thể cần phẫu thuật nếu đó là một trường hợp nghiêm trọng.

4. Bệnh thận có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh trong người

Bệnh tiểu đường và huyết áp cao thường gây ra bệnh thận. Các chất thải có thể tích tụ đến mức nguy hiểm vì khả năng lọc máu của thận bị giảm sút. Điều này có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể của bạn và gây ra các vấn đề khác.

Bệnh thận cũng liên quan đến thiếu máu, có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh ngay cả khi ở trong môi trường ấm áp. Cảm giác lạnh của bạn có thể thuyên giảm khi bác sĩ điều trị bệnh thận của bạn.

5. Bệnh động mạch ngoại vi khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Bệnh động mạch ngoại vi xảy ra khi mảng bám thu hẹp động mạch của bạn khiến cho chân và đôi khi cả cánh tay không nhận được đủ lượng máu cần thiết. Nếu một bên chân lạnh hơn nhiều so với bên còn lại, đặc biệt nếu kèm theo triệu chứng đau, tê hoặc yếu, đó có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại vi.

Bạn hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này. Những thay đổi trong chế độ ăn uống và tập thể dục đôi khi có thể hữu ích, nhưng bác sĩ có thể đề xuất thuốc và đôi khi là một thủ thuật hoặc phẫu thuật để điều trị bệnh động mạch ngoại vi.

6. Biếng ăn tâm lý (Anorexia Nervosa) khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Biếng ăn tâm lý hay chán ăn thần kinh là một chứng rối loạn ăn uống khiến bạn cắt giảm đáng kể lượng calo và có thể khiến cơ thể bạn gầy đi một cách nguy hiểm. Cơ thể thiếu năng lượng có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân. Tình trạng này thậm chí có thể đe dọa tính mạng của bạn. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ mình hoặc người thân mắc chứng rối loạn này ăn uống này.


Biếng ăn tâm lý có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh
Biếng ăn tâm lý có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

7. Cúm có thể khiến cho bạn luôn cảm thấy lạnh trong người

Cúm là căn bệnh do vi-rút gây ra ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của bạn, bao gồm cả mũi, họng và phổi của bạn. Bạn có thể bị sốt cao và cảm giác ớn lạnh kèm theo nhức đầu, đau cơ, ho và suy nhược. Bệnh cúm có thể trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em và người lớn tuổi. Tiêm vắc-xin cúm hàng năm giúp bạn phòng ngừa cúm, giúp bạn và người thân sống khỏe mạnh.

8. Bệnh lý thần kinh ngoại biên có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Nếu bàn chân của bạn luôn cảm thấy lạnh nhưng không khi bạn sờ vào lại không thấy nó lạnh, đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh ngoại biên. Bệnh thường bắt đầu ở ngón chân và di chuyển dần lên phía trên chân.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên xảy ra khi có một chấn thương hoặc một tình trạng y tế làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên của bạn. Bệnh tiểu đường là một nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này. Bạn cũng có thể mắc bệnh do:

  • Nhiễm trùng
  • Bệnh gan
  • Hoặc bệnh thận.
  • Bạn không nhận đủ vitamin
  • Hoặc do bạn tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Bác sĩ của bạn có thể tìm ra nguyên nhân và điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên của bạn, khi đó tình trạng lạnh chân của bạn sẽ được cải thiện.

9. Bạn không nhận đủ vitamin B12 cũng có thể làm cho bạn luôn cảm thấy lạnh

Việc bạn không nhận đủ vitamin B12 có thể gây thiếu máu, khiến bạn có thân nhiệt thấp, luôn cảm thấy lạnh. Bạn có thể nhận được vitamin B12 khi ăn thịt gà, trứng và cá. Một số loại ngũ cốc và các loại thực phẩm khác cũng giúp bạn bổ sung vitamin B12.

Hãy nhớ rằng bạn có thể không nhận đủ B12 ngay cả khi bạn ăn nhiều thức ăn có chứa loại vitamin này. Bởi một số người gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin do bị bệnh hoặc do uống thuốc.

10. Bạn không nhận đủ sắt cũng có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Nếu không nhận đủ sắt bạn có thể bị "thiếu máu do thiếu sắt", điều này có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh. Nguyên nhân khiến bạn bị thiếu sắt có thể do mất máu, do chế độ ăn uống thiếu chất, hoặc do cơ thể bạn không thể hấp thụ tốt. Nguồn cung cấp sắt tốt nhất cho cơ thể là thịt đỏ, nhưng sắt cũng có trong thịt gia cầm, thịt lợn và cá. Một số nguồn không cung cấp sắt khác bao gồm bánh mì, ngũ cốc, đậu Hà Lan, đậu nành, đậu xanh và các loại rau lá xanh đậm.


Một số trường hợp cảm thấy lạnh khi cơ thể thiếu máu do thiếu sắt
Một số trường hợp cảm thấy lạnh khi cơ thể thiếu máu do thiếu sắt

11. Suy tuyến yên khiến cho bạn luôn cảm thấy lạnh

Suy tuyến yên là ra khi tuyến yên của bạn không tạo đủ một số hormone nhất định. Một triệu chứng điển hình là bạn nhạy cảm với lạnh hoặc khó giữ ấm cơ thể. Bạn cũng có thể bị thiếu máu, chán ăn và giảm cân. Bác sĩ sẽ cố gắng điều trị nguyên nhân gây suy tuyến yên của bạn hoặc đề xuất thuốc thay thế các hormone bị thiếu.

12. Thuốc cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Một số loại thuốc có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh hơn do tác dụng phụ của chúng. Ví dụ, thuốc chẹn beta giúp làm chậm nhịp tim và ngăn cơ thể tạo ra các hóa chất có hại với bệnh tim. Nhưng bạn cũng có thể cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và lạnh hơn ở tay và chân.

Nếu bạn luôn cảm thấy lạnh khi sử dụng một loại thuốc nào đó, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Bác sĩ có thể đề nghị bạn chuyển sang sử dụng một loại thuốc khác hoặc giảm liều thuốc của bạn.

13. Uống rượu cũng có thể làm cho bạn luôn cảm thấy lạnh

Khi bạn uống rượu, ban đầu rượu có vẻ làm bạn ấm lên vì nó làm cho máu của bạn tràn vào các mạch máu giãn rộng ngay dưới da. Nhưng nhiệt độ của bạn sẽ giảm xuống khi cơ thể đưa máu ra bên ngoài để làm ấm bề ​​mặt da.

Rượu cũng làm suy giảm phần não chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiệt độ của bạn. Trong thời tiết lạnh giá, điều này có thể khiến bạn bị lạnh một tình trạng được gọi là hạ thân nhiệt, khiến bạn có thân nhiệt thấp, đôi khi có thể gây nguy hiểm cho bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe