Tác hại của nghiện smartphone và mạng xã hội

Nhìn chung, những thứ có khả năng thúc đẩy tâm trạng của một người trở nên tốt hơn đều có thể gây nghiện. Không chỉ có các chất kích thích, ngày nay smartphone và mạng xã hội cũng là những thứ con người không thể sống thiếu. Vậy nghiện smartphone và nghiện mạng xã hội để lại hậu quả gì?

1. Thế nào là nghiện smartphone?

Các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng ngày càng trở nên rất phổ biến. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 cho thấy hầu hết trẻ em đã biết sử dụng smartphone trước khi được 2 tuổi.

Những biểu hiện nghiện smartphone bao gồm:

  • Luôn giữ điện thoại bên mình;
  • Liên tục kiểm tra điện thoại sau vài phút;
  • Không thể tắt điện thoại trong thời gian nghỉ ngơi vào cuối tuần;
  • Thích thú với việc nhắn tin hoặc xem bài đăng từ những người bạn trên mạng hơn việc gặp gỡ nhau ngoài thực tế;

Không thể phủ nhận điện thoại thông minh đem đến cho con người rất nhiều lợi ích, nhưng nếu nghiện smartphone quá mức cũng đi kèm với một số tác hại như sau:

  • Vấn đề vệ sinh:

Người nghiện smartphone sẽ mang điện thoại di động bên mình khắp mọi nơi, thậm chí là ở trong nhà vệ sinh. Hơn thế nữa, rất ít người vệ sinh smartphone của mình thường xuyên và đúng cách. Một nghiên cứu cho thấy cứ 6 chiếc điện thoại thì có 1 chiếc xuất hiện vi khuẩn E.coli, tuy nhiên bề mặt cứng của màn hình thường làm cho vi khuẩn khó sống sót hơn nên ít gây ra ảnh hưởng lớn. Tóm lại, thực chất chiếc điện thoại không sạch sẽ như chúng ta vẫn nghĩ.

  • Hội chứng đau cổ và tay:

Dành quá nhiều thời gian để nhìn xuống điện thoại có thể làm căng cơ cổ và gây co thắt. Cơn đau thậm chí sẽ lan xuống dây thần kinh ở lưng, vai, cánh tay, khuỷu tay và các ngón tay - những bộ phận chịu ảnh hưởng từ việc giữ điện thoại và lướt hoặc gõ trên màn hình quá lâu.


Nghiện điện thoại smartphone gây ra hội chứng đau cổ và tay
Nghiện điện thoại smartphone gây ra hội chứng đau cổ và tay

  • Nguy hiểm khi tham gia giao thông:

Rất nhiều người nghiện smartphone đã dùng điện thoại ngay cả khi đang lái xe hoặc đi bộ và điều này thực sự làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Số liệu thống kê cho thấy nhắn tin khi đang lái xe làm tăng tỷ lệ va chạm lên đến 23 lần và gấp 4 lần nếu nói chuyện điện thoại.

  • Rối loạn giấc ngủ và các bệnh lý khác:

Việc tiếp xúc với cường độ “ánh sáng xanh” quá cao từ điện thoại vào ban đêm có thể làm rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, tác hại của nghiện smartphone còn có liên quan đến bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác. Bước sóng ngắn của “ánh sáng xanh” mà điện thoại thông minh phát ra còn khiến mắt bạn nhanh bị mỏi và đau, thậm chí làm hỏng giác mạc và gây hại cho thị lực.

Nếu tần suất sử dụng điện thoại quá nhiều làm cản trở cuộc sống của bạn, nên nhờ đến sự trợ giúp tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.

2. Thế nào là nghiện mạng xã hội?

Nếu cảm thấy mình đang dành quá nhiều thời gian cho Facebook, Instagram và các ứng dụng mạng xã hội khác, bạn có thể đã bị nghiện. Các nghiên cứu mới đây cho thấy 10% người dùng các phương tiện truyền thông xã hội thực sự bị cuốn hút đến mức nghiện. Sự xuất hiện ngẫu nhiên của các bài viết và video thú vị có ảnh hưởng đến não con người tương tự như cơ chế gây nghiện của cocaine.

Ngoài ra, tính năng cho phép bản thân tự do chia sẻ cuộc sống của mình với bạn bè và người khác cũng tạo ra một luồng cảm giác thôi thúc người dùng muốn sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.

3. Tác hại của việc nghiện mạng xã hội

Rõ ràng, các trang truyền thông xã hội lớn hiện nay như Facebook hoặc Youtube có nhiều lợi ích riêng biệt cho trẻ em và cả người lớn, tuy nhiên không phải không có hạn chế. Vậy nghiện mạng xã hội để lại hậu quả gì?

  • Ảnh hưởng đến chất lượng sống:

Dễ thấy người bị nghiện mạng xã hội ngày nay lựa chọn việc “lướt Facebook” ngay khi vừa thức dậy thay vì tập thể dục và ăn sáng. Họ cũng tranh thủ vào mạng xã hội lúc nghỉ trưa hoặc thậm chí là trong giờ làm việc khiến năng suất công việc không còn hiệu quả. Ban đêm, nhiều “con nghiện” tiếp tục sử dụng mạng xã hội đến khi máy hết pin hoặc quá mệt mỏi mới đi ngủ.

Tác hại của việc nghiện mạng xã hội làm cho cơ thể suy kiệt và rối loạn nhịp sinh học, làm suy giảm hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống.

  • Suy nghĩ tiêu cực:

Thay vì chỉ đơn giản dùng mạng xã hội để giữ liên lạc với bạn bè, một số người trẻ lựa chọn sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách tiêu cực, chẳng hạn như một công cụ so sánh. Sự khác biệt trong yếu tố tính cách này góp phần khiến mạng xã hội tác động xấu đến sức khỏe tinh thần, bao gồm tâm lý mặc cảm, tự ti.


Nghiện mạng xã hội gây ra các suy nghĩ tiêu cực cho người dùng
Nghiện mạng xã hội gây ra các suy nghĩ tiêu cực cho người dùng

  • Giảm tương tác trực tiếp:

Một số người, đặc biệt là người nổi tiếng hoặc thu hút được nhiều sự quan tâm, chủ động dành nhiều thời gian hơn để tham gia vào các phương tiện truyền thông xã hội vì họ nghĩ rằng điều này mang lại lợi ích thực sự. Tuy nhiên trên thực tế, nghiện mạng xã hội có thể khiến họ tránh xa bạn bè và không còn giữ liên lạc với gia đình để nuôi dưỡng những mối quan hệ “trên mạng” của chính mình.

  • Các nguồn tin không chính thống:

Tính năng lan truyền tin tức nhanh chóng cũng có thể khuếch đại các vấn đề quá mức thực tế và đôi khi làm sai lệch sự thật. Dành nhiều thời gian cho mạng xã hội khiến não bộ phải tiếp nhận một lượng lớn thông tin kém quan trọng hay thậm chí là hoàn toàn vô nghĩa mỗi ngày.

Bên cạnh đó, tin tưởng các bài viết không chính xác trên mạng cũng là một trong số những tác hại của việc nghiện mạng xã hội, khiến người dùng bị lừa gạt hoặc áp dụng theo các phương pháp nhịn ăn giảm cân không khoa học.

  • Vấn đề tâm lý:

Cũng có các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa chứng nghiện mạng xã hội với trầm cảm, lo âu, giảm chất lượng giấc ngủ, thiếu tự tin và kém giao tiếp, hoặc không tập trung và hiếu động quá mức ở trẻ em.

Mặt khác, một số khảo sát cho thấy nghiện mạng xã hội nói riêng và smartphone nói chung có thể làm tăng chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và ảnh hưởng đến hành vi của trẻ, nhưng đồng thời làm giảm bớt cảm giác chán nản và nguy cơ trầm cảm. Chính vì vậy, vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để có thể đưa ra kết luận chính xác cuối cùng.

Nhìn chung, lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn, đặc biệt là khi sử dụng thường xuyên đến mức nghiện smartphone hoặc nghiện mạng xã hội. Nên đặt giới hạn về thời gian dùng điện thoại lên mạng mỗi ngày và tuân thủ chặt chẽ để giúp giảm thiểu các tác hại của việc nghiện mạng xã hội. Nếu không thể kiểm soát được thói quen của bản thân, cần trình bày với bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu để được giúp đỡ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe