Huyệt dương lăng tuyền, còn được gọi là huyệt dương chi lăng tuyền có tác dụng điều trị đau khớp gối, viêm khớp gối, liệt nửa người, co rút chân tay, đau hông sườn, tê phía ngoài chân và nhiều bệnh lý khác.
1. Huyệt dương lăng tuyền là gì?
Huyệt dương lăng tuyền còn được gọi là huyệt dương chi lăng tuyền, là huyệt thứ 34 của kinh túc thiếu dương đởm, là huyệt hợp thuộc hành thổ, huyệt hội của cân, nó cũng là một trong 20 huyệt nằm trên chân của con người.
Có tên gọi như vậy là vì vị trí huyệt dương lăng tuyền nằm ở khe lõm dưới đầu xương mác phía mặt ngoài chân, trong khi đó dương lăng tuyền có nghĩa là mặt ngoài của chân, lăng là chỗ nhô lên cao (đang nói đến đầu xương mác) và tuyền có nghĩa là dòng suối (đang nói đến khe lõm dưới đầu xương mác).
2. Cách xác định huyệt dương lăng tuyền?
Xác định huyệt dương lăng tuyền nằm ở dưới đầu gối khoảng 1 tấc, ở chỗ lõm phía ngoài của ống chân. Cụ thể, nằm ở chỗ lõm phía trước, dưới đầu nhỏ xương mác, thân nối với đầu trên xương mác, khe giữa cơ mác bên dài và cơ duỗi chung các ngón chân. Thần kinh vận động các cơ tại vị trí huyệt là nhánh dây thần kinh cơ - da, dây thần kinh chày trước, da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
3. Tác dụng của huyệt dương lăng tuyền
Huyệt dương lăng tuyền có tác dụng thư giãn gân mạch, thanh thấp nhiệt, khu phong tà, do đó, được sử dụng trong nhiều loại bệnh lý khác nhau như:
- Đau nhức cơ bắp, co cứng cơ, yếu cơ, tê bì chân tay, liệt toàn thân, khó vận động, chuột rút, v.v.
- Bệnh về hông, lưng như đau thắt lưng, đau vùng mạn sườn, đau hông
- Sốt, ớn lạnh, đắng miệng
- Bệnh lý tiêu hóa như buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu
4. Cách bấm huyệt dương lăng tuyền
Huyệt dương lăng tuyền được sử dụng trong điều trị bệnh chủ yếu thông qua bấm huyệt và châm cứu, cách thực hiện như sau:
- Bấm huyệt: Xác định đúng vị trí huyệt, dùng ngón tay cái day và ấn vào huyệt với lực vừa phải trong vòng 1 - 3 phút, lặp lại tương tự ở bên chân còn lại. Để đạt hiệu quả điều trị tốt, bạn nên bấm huyệt dương lăng tuyền hàng ngày.
- Châm cứu: Xác định đúng vị trí huyệt, dùng kim châm cứu đâm vào huyệt, châm thẳng 1 - 1, 5 thốn, cứu 3-5 tráng, ôn cứu 5 - 10 phút. Phương pháp này chỉ được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện, nơi có các bác sĩ giàu chuyên môn châm cứu.
5. Lưu ý gì khi bấm huyệt dương lăng tuyền?
Khi bấm huyệt dương lăng tuyền cần thực hiện một số biện pháp sau để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tác dụng phụ:
- Chống chỉ định với người có vết thương hở, đặc biệt là ở chân vì có thể khiến bệnh nặng thêm, người mắc bệnh ngoài da, bệnh có khả năng lây nhiễm, phụ nữ mang thai
- Tránh sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá khi bấm huyệt
- Bấm huyệt lực quá mạnh có thể gây đau, bầm tím xung quanh vị trí huyệt
- Hiệu quả bấm huyệt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, mức độ bệnh, thao tác bấm huyệt, v.v. Nếu sau một thời gian điều trị mà bệnh tình không thuyên giảm thì nên tham khảo bác sĩ các phương pháp điều trị khác hiệu quả hơn.
6. Phối huyệt dương lăng tuyền với các huyệt khác trong điều trị bệnh
Huyệt dương lăng tuyền có thể phối hợp với nhiều huyệt vị khác nhằm gia tăng hiệu quả điều trị, trong đó có:
- Phối với huyệt âm lăng tuyền (Ty.9) nhằm điều trị tiểu nhiều
- Phối với huyệt hoàn khiêu (Đ.30), huyệt khúc trì (Dtr.11) nhằm điều trị liệt nửa người
- Phối với huyệt thiên trì, huyệt chiên trung nhằm điều trị ho khò khè
- Phối với huyệt thượng liêm, huyệt túc tam lý nhằm điều trị đau bụng, đau sườn
- Phối với huyệt thủ tam lý (Đtr.10), huyệt khúc trì (Đtr.11), huyệt ngoại quan (Ttu.6), huyệt phong thị (Đ.31), huyệt tam âm giao (Ty.6) nhằm điều trị đau tay chân do phong
- Phối với huyệt ủy trung (Bq.40), huyệt chi câu (Ttu.6), huyệt chương môn (C.13) nhằm điều trị thương hàn có đau hông sườn
- Phối với huyệt xích trạch (P.5), huyệt chi câu (Ttu.6), huyệt nhân trung (Đc.26), huyệt côn lôn (Bq.60), huyệt ủy trung (Bq.40), huyệt thúc cốt (Bq.65) nhằm điều trị đau lưng do chấn thương
- Phối với huyệt âm lăng tuyền (Ty.9) nhằm điều trị chứng tiểu không tự chủ
- Phối với huyệt âm lăng tuyền (Ty.9) nhằm điều trị sưng đầu gối
- Phối với huyệt khúc trì (Đtr.11) nhằm điều trị liệt nửa người
- Phối với huyệt hoàn khiêu (Đ.30) nhằm điều trị đau đầu gối, nách và sườn
- Phối với huyệt tuyệt cốt (Đ.39), huyệt hoàn khiêu (Đ.30), huyệt phong thị (Đ.31), huyệt côn lôn (Bq.60), huyệt hợp cốc (Đtr.4), huyệt kiên ngung (Đtr.15), huyệt khúc trì (Đtr.11), huyệt túc tam lý (Vi.36) trong điều trị người bị trúng phong với triệu chứng không nói được, đờm ứ đọng nhiều
- Phối với huyệt túc lâm khấp (Đ.41), huyệt chi câu (Ttu.6) trong điều trị thương hàn có đau hông sườn
- Phối với huyệt túc lâm khấp (Đ.41), huyệt hiệp khê (Đ.43), huyệt túc khiếu âm (Đ.44), huyệt dương phụ (Đ.38) trong điều trị mụn nhọt mọc ở 1 bên đầu
- Phối với huyệt âm lăng tuyền (Ty.9) trong điều trị sốt rét
- Phối với huyệt giáp tích 8 - 9, huyệt nội quan (Tb.6), huyệt đởm nang trong điều trị viêm túi mật
- Phối với huyệt ủy trung (Bq.40), huyệt thận du (Bq.23), huyệt tam âm giao (Ty.6), huyệt hoàn khiêu (Đ.30), huyệt phong thị (Đ.31), trong điều trị đau lưng đùi, liệt nửa người
- Phối với huyệt kỳ môn (C.14), huyệt chi câu (Ttu.6) nhằm điều trị đau hông sườn
- Phối với huyệt tuyệt cốt (Đ.39), huyệt túc tam lý (Vi.36), huyệt tam âm giao (Ty.6) trong điều trị cước khí
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.