Tác dụng phụ của gây tê ngoài màng cứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thiều Trung - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc; Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ánh Hiền - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Gây tê màng cứng là một trong những kỹ thuật gây tê cục bộ vùng được sử dụng nhiều trên lâm sàng với các loại phẫu thuật khác nhau. Cũng như các thủ thuật mang tính chất xâm lấn khác, ngoài việc mang lại các tác dụng có lợi phục vụ bệnh nhân, gây tê ngoài màng cứng cũng không tránh khỏi việc gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, tuy nhiên tỷ lệ gặp trên lâm sàng thường không cao.

1. Gây tê màng cứng là gì?

Gây tê ngoài màng cứng là một trong những kĩ thuật gây tê đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều loại phẫu thuật khác nhau. Đây một kỹ thuật gây tê cục bộ bằng cách bơm thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng để ức chế các hoạt động dẫn truyền hệ thần kinh của các rễ thần kinh.

Vị trí tiến hành gây tê phổ biến nhất trên lâm sàng là khoang ngoài màng cứng của tủy sống, hầu như bất kỳ đoạn tủy sống nào đều có thể được chọn để thực hiện gây tê ngoài màng cứng. Gây tê ngoài màng cứng ngoài được sử dụng để vô cảm còn là một phương pháp giúp chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý và hội chứng bất thường của hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, trong đó tác dụng giảm đau của gây tê ngoài màng cứng đang được ứng dụng rộng rãi.

Gây tê ngoài màng cứng được sử dụng để giảm đau trong sản khoa hoặc giảm đau cấp tính sau phẫu thuật giúp cải thiện chất lượng cuộc mổ và thúc đẩy quá trình hồi phục của bệnh nhân được nhanh chóng hơn. Gây tê ngoài màng cứng có thể được kết hợp với gây mê để đảm bảo ổn định huyết động. Gây tê ngoài màng cứng ở đoạn tủy sống vùng ngực giúp giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim và các biến chứng khác liên quan đến hai lá phổi, phục hồi nhu động ruột nhanh hơn và giảm tỷ lệ các rối loạn đông cầm máu trong cơ thể.

Sicard và Cathelin là hai người đầu tiên thực hiện kĩ thuật gây tê ngoài màng cứng vào năm 1901 bằng cách bơm dung dịch cocain được pha loãng qua khe cùng trong điều trị chứng đau dây thần kinh hông to mức độ nặng. Đến năm 1920, Fidel Pages Mirave là người đầu tiên đã mô tả kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng đoạn cột sống thắt lưng. Sau đó một thập kỷ, đến năm 1931 Archile Dogliotti đã ứng dụng gây tê ngoài màng cứng vùng thắt lưng trong phẫu thuật vùng bụng. Như vậy, gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật đã xuất hiện cách đây hơn 100 năm và đang ngày càng được hoàn thiện dần để mở rộng các ứng dụng của nó trong thực hành y khoa.


Gây tê ngoài màng cứng được áp dụng rộng rãi
Gây tê ngoài màng cứng được áp dụng rộng rãi

2. Kỹ thuật gây tê màng cứng được thực hiện như thế nào?

Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng cần được thực hiện bằng cách tuân thủ theo các bước sau:

Chuẩn bị bệnh nhân: Nhân viên y tế cần tư vấn và giải thích kỹ cho người bệnh hiểu được kĩ thuật gây tê ngoài màng cứng sắp được tiến hành. Nội dung tư vấn giải thích cần bao gồm: tác dụng, các bước tiến hành, các tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện. Đánh giá lại tình trạng tổng quát của người bệnh là một việc không được bỏ qua, bao gồm các nguy cơ tim mạch, các bệnh lý nền có thể ảnh hưởng đến khả năng làm sụt giảm cung lượng tuần hoàn. Kiểm tra tại vị trí định tiến hành chọc kim có tình trạng viêm nhiễm cấp tính hoặc tổn thương gì hay không. Các xét nghiệm đánh giá đông cầm máu tổng quát của người bệnh như số lượng tiểu cầu, tỷ prothrombin, thời gian Cephalin kaolin cũng cần được đánh giá lại trước khi tiến hành kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng. Sau khi đã chắc chắn về tình trạng của người bệnh, tiến hành đặt tư thế bệnh nhân phù hợp. Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng được tiến hành ở tư thế nằm nghiêng hoặc tư thế ngồi. Người bệnh được yêu cầu gập hai chân co vào bụng, đầu gập hướng xuống ngực tạo tư thế cột sống cong. Ở tư thế này, khoảng liên đốt giữa các mỏm gai của đốt sống được mở rộng giúp cho việc xác định vị trí chọc được thuận lợi hơn. Sau khi xác định được vị trí chọc kim, nhân viên y tế tiến hành sát khuẩn vùng kim chọc và trải khăn vô khuẩn.


Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng
Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng

Chuẩn bị dụng cụ và thuốc: Các dụng cụ sử dụng trong kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng đều cần được đảm bảo vô trùng, bao gồm: bơm tiêm, kim tiêm, kẹp sát khuẩn, khăn lỗ, bông, găng tay vô trùng. Kim dùng trong gây tê ngoài màng cứng là loại chuyên dụng có kích cỡ lớn, khoảng từ 16-18 G có các vạch đánh dấu các khoảng 1cm, đầu vát nghiêng một góc từ 15 đến 30 độ. Loại kim chọc tuỷ sống thường được dùng trên lâm sàng có tên gọi là Tuohy. Thông thường các loại kim đều có hai cánh gắn vào thân kim giúp thao tác giữ kim được thuận lợi hơn. Thuốc cần được chuẩn bị trong gây tê ngoài màng cứng bao gồm các loại thuốc gây tê như lidocain, bupivacain, ... và các thuốc hồi sức cấp cứu để xử trí các biến chứng nếu có như midazolam, seduxen, adrenaline, ...


Thuốc lidocain được sử dụng trong gây tê
Thuốc lidocain được sử dụng trong gây tê

Tiến hành kĩ thuật gây tê ngoài màng cứng: Sau khi đặt bệnh nhân đúng tư thế, bác sĩ xác định vị trí chọc kim ở các khoảng liên đốt sống. Thông thường, vị trí được lựa chọn sử dụng nhiều nhất trên lâm sàng là khoảng liên đốt sống L3-L4, L4-L5 khi tiến hành các phẫu thuật ở phần thấp ổ bụng và chi dưới; khoảng liên đốt sống T4-T5 khi phẫu thuật ở lồng ngực. Đưa kim thẳng góc vào vị trí đã xác định, đầu kim sẽ đi qua da, các dây chằng và dừng lại ở khoang ngoài màng cứng trước khi chạm phải màng cứng. Sau đó, đưa kim gây tê với mũi vát hướng về phía đầu theo vị trí đã được dẫn đường từ trước. Rút bơm tiêm và luồn catheter vào khoang ngoài màng cứng một đoạn khoảng sâu 3-5 cm, kim tuohy 18G. Gây tê ngoài màng cứng có thể được thực hiện ở bất kì vị trí nào của cột sống với đường kim chọc theo đường giữa hoặc đường bên.

3. Tác dụng phụ của gây tê ngoài màng cứng

Cũng như các thủ thuật khác, gây tê ngoài màng cứng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn khác nhau. Tác dụng phụ của gây tê ngoài màng cứng hầu hết thường nhẹ, tuy nhiên một số ít trường hợp trở nên rất nghiêm trọng nên luôn cần các phương tiện cấp cứu sẵn sàng để kịp thời xử trí.

  • Huyết áp hạ thấp: Đây là một biến chứng phổ biến của gây tê ngoài màng cứng ở đoạn cột sống cao trên rốn, vì thế hay gặp trong các phẫu thuật mổ lấy thai hoặc giảm đau trong sản khoa. Tác dụng phụ này cần được xử trí bằng bổ sung dịch và thuốc co mạch.
  • Ức chế lên cao: Tác dụng phụ này xảy ra khi lượng thuốc tê được sử dụng quá lớn. Bệnh nhân thường có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa, tụt huyết áp, mất cảm giác ở vùng ngực cao, hai cánh tay, khó thở. Các trường hợp diễn tiến nặng cần được xử trí bằng đặt nội khí quản khởi mê và điều chỉnh huyết áp.

Bệnh lý huyết áp là một biến chứng phổ biến của gây tê ngoài màng cứng
Bệnh lý huyết áp là một biến chứng phổ biến của gây tê ngoài màng cứng

  • Ngộ độc thuốc tê: Biến chứng này có thể xảy ra với một lượng thuốc tê quá lớn hoặc thuốc tê lượng trung bình được tiêm trực tiếp vào mạch máu. Ngộ độc thuốc tê biểu hiện với các triệu chứng thần kinh như đau đầu, ù tai, cảm giác dị cảm quanh vùng miệng khiến bệnh nhân lo lắng, nặng hơn là các triệu chứng rối loạn ý thức, co giật, hôn mê. Ngừng sử dụng thuốc tê là việc đầu tiên cần làm trong trường hợp này.
  • Tụ máu khoang ngoài màng cứng: Đây không phải là tác dụng phụ thường gặp của gây tê ngoài màng cứng nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện kịp thời. Khoang ngoài màng cứng có hệ tĩnh mạch phong phú tạo thành nhiều đám rối. Khi tiến hành kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, kim tiêm có thể chọc vào các tĩnh mạch này gây chảy máu rỉ rả, tạo thành khối máu tụ chèn ép tủy sống có thể gây liệt hai chi dưới.
  • Nhiễm trùng: gây tê ngoài màng cứng là một thủ thuật xâm nhập, vi khuẩn có thể được đưa từ môi trường bên ngoài vào khoang ngoài màng cứng và tủy sống nếu thao tác thực hiện không đảm bảo được nguyên tắc vô trùng. Biến chứng nhiễm trùng có thể diễn tiến từ nhẹ như viêm nhiễm mô mềm tại vị trí chọc kim đến nặng như viêm não màng não.

Tình trạng viêm màng não
Tình trạng viêm màng não

  • Đau đầu sau gây tê ngoài màng cứng: tác dụng phụ này xảy ra khi lớp màng cứng của tủy sống bị rách hoặc thủng khi thao tác nên còn được gọi là đau đầu do thủng màng cứng. Bệnh nhân có thể phải đối diện với những cơn đau đầu dữ dội. Đây là một biến chứng rất hiếm xảy ra với tỷ lệ khoảng từ 1/500 trường hợp.

Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp thai phụ trải nghiệm đẻ không đau, nhẹ nhàng vượt cạn thành công. Tại Vinmec có đội ngũ bác sĩ gây mê giảm đau chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm sẽ giúp các sản phụ trải qua một cuộc đẻ không đau an toàn nhất.

Tốt nghiệp chương trình đào tạo Bác sĩ Nội trú, Bác sĩ Trần Thị Ánh Hiền đã trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Pháp Việt trước khi về làm việc tại Đơn nguyên Gây mê Giảm đau – Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để tìm hiểu thêm, quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM

  • Đẻ không đau ở Vinmec - Vượt cạn nhẹ nhàng, sinh con khỏe mạnh
  • Tạm biệt cơn đau “lịm người” sau sinh mổ nhờ kỹ thuật gây tê đặc biệt
  • Đẻ không đau (gây tê ngoài màng cứng) có trong các gói thai sản Vinmec
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe