Praluent có hoạt chất chính là Alirocumab. Sản phẩm này được sử dụng với mục đích giảm nồng độ lipid máu, cụ thể là LDL và hạn chế các biến cố tim mạch do xơ vữa động mạch. Vậy tác dụng của thuốc Praluent là gì và cần sử dụng như thế nào?
1. Praluent là thuốc gì?
Hoạt chất chính trong thuốc Praluent là Alirocumab, một loại kháng thể đơn dòng ở người. Praluent được sử dụng với mục đích giảm nồng độ lipid trong máu. Thuốc Praluent được sử dụng cho bệnh nhân tăng cholesterol máu nguyên phát (nồng độ cholesterol máu cao không tìm được nguyên nhân và đa phần liên quan đến di truyền) và rối loạn lipid máu hỗn hợp (tăng nồng độ các loại lipid máu, bao gồm cả cholesterol).
Bên cạnh đó, Praluent còn được sử dụng để giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch và đột quỵ ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa (bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc các bệnh lý mạch máu do mảng xơ vữa động mạch).
Praluent được sử dụng kết hợp với nhóm statin và các loại thuốc giảm lipid máu khác. Praluent có thể sử dụng đơn độc ở những bệnh nhân chống chỉ định sử dụng statin. Một số trường hợp sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện chế độ ăn hạn chế chất béo.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu đã quyết định rằng, lợi ích của thuốc Praluent lớn hơn rủi ro có thể mắc phải, do đó đã cấp phép để sử dụng ở Châu Âu. Tổ chức này lưu ý rằng, tất cả các nghiên cứu ở những bệnh nhân tăng cholesterol máu nguyên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp, bao gồm cả những bệnh nhân đang sử dụng statin liều tối đa hoặc những người không dung nạp với statin, việc điều trị bằng thuốc Praluent đã làm giảm đáng kể nồng độ LDL-cholesterol trong máu. Tăng LDL đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch. Do đó, thuốc Praluent đã được cấp phép sử dụng cho bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ với liều statin tối đa hoặc những người chống chỉ định với statin. Ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch do xơ vữa, Praluent làm giảm tỷ lệ xảy ra các biến cố tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
2. Tác dụng của thuốc Praluent
Hoạt chất trong Praluent, Alirocumab, là một kháng thể đơn dòng (bản chất là một loại protein) đã được sản xuất để nhận biết nhằm liên kết với một loại enzyme cụ thể có tên là PCSK9. Enzyme này gắn với các thụ thể cholesterol trên bề mặt tế bào gan, khi Alirocumab liên kết với chúng sẽ kích thích tăng quá trình hấp thụ và phân hủy chất béo bên trong tế bào gan. Về mặt sinh lý, các thụ thể này có nhiệm vụ kiểm soát nồng độ cholesterol máu, đặc biệt là LDL-cholesterol, bằng cách loại bỏ chúng ra khỏi dòng tuần hoàn.
Bằng cách liên kết chặt chẽ với PCSK9, thuốc Praluent ngăn chặn các thụ thể bị phá vỡ và do đó làm tăng số lượng các thụ thể này trên bề mặt tế bào, qua đó giúp giảm nồng độ LDL-cholesterol trong máu. Ngoài ra, Alirocumab còn giúp giảm nồng độ các chất béo khác trong máu ở bệnh nhân rối loạn lipid máu hỗn hợp.
3. Một số nghiên cứu về tác dụng của thuốc Praluent
3.1. Tăng cholesterol máu nguyên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp
Praluent đã được thực hiện trong 10 nghiên cứu chính liên quan đến hơn 5.000 bệnh nhân trưởng thành bị tăng cholesterol máu nguyên phát (bao gồm những bệnh nhân tăng lipid máu có tính gia đình dị hợp tử) và rối loạn lipid máu hỗn hợp. Một số nghiên cứu xem xét hiệu quả điều trị bằng thuốc Praluent đơn độc, trong khi những nghiên cứu khác nghiên cứu hiệu quả khi Praluent kết hợp với các thuốc giảm lipid máu khác, bao gồm statin liều tối đa theo khuyến cáo. Một số nghiên cứu so sánh hiệu quả của Praluent với giả dược và những nghiên cứu khác so sánh với một thuốc điều trị tăng cholesterol máu khác (như Ezetimibe). Các nghiên cứu này cho thấy khi thuốc Praluent được dùng kết hợp với statin sẽ giúp giảm đáng kể nồng độ LDL-cholesterol trong máu (cao hơn 39 đến 62% so với giả dược) sau 6 tháng điều trị. Các nghiên cứu so sánh với Ezetimibe cho thấy thuốc Praluent làm giảm nồng độ LDL hiệu quả hơn 24 đến 36%.
3.2. Bệnh xơ vữa động mạch
Trong một nghiên cứu liên quan đến hơn 18.000 bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, có dưới 10% bệnh nhân dùng thuốc Praluent xảy ra các biến cố tim mạch (bao gồm tử vong, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đau ngực do tắc nghẽn động mạch vành) trong quá trình nghiên cứu so với hơn 11% bệnh nhân sử dụng giả dược.
4. Cách sử dụng thuốc Praluent
Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Praluent, bệnh nhân nên được chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân khác gây tăng cholesterol và các loại lipid máu máu. Lưu ý, thuốc Praluent chỉ sử dụng theo kê đơn của bác sĩ.
Praluent được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm trong ống tiêm hoặc bút tiêm định liều (tương ứng 75mg, 150mg và 300mg). Về đường sử dụng, thuốc Praluent được tiêm dưới da bụng, đùi hoặc cánh tay.
Liều khởi đầu thông thường là 75mg tiêm dưới da mỗi 2 tuần. Những bệnh nhân cần giảm nồng độ lipid máu nhiều hơn có thể bắt đầu với liều 150mg mỗi 2 tuần hoặc 300mg mỗi 4 tuần. Liều dùng của Praluent được điều chỉnh dựa trên nồng độ lipid trong máu và phản ứng của cơ thể với thuốc. Nếu không đạt được hiệu quả điều trị mong muốn sau 4 đến 8 tuần, bác sĩ có thể tăng hoặc giảm liều lượng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Bệnh nhân hoặc người chăm sóc có thể tiêm thuốc Praluent sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn cách sử dụng. Để biết thêm thông tin về việc sử dụng thuốc Praluent, bệnh nhân có thể tham khảo trên tờ hướng dẫn sử dụng hoặc trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Xử trí khi quên liều thuốc Praluent:
- Nếu quên một liều, bệnh nhân có thể tiêm bù trong vòng 7 ngày sau liều đã quên. Sau đó, tiêm mũi tiếp theo sau 2 đến 4 tuần để quay trở lại lịch sử dụng bình thường;
- Nếu thời điểm nhớ ra liều đã quên quá 7 ngày, cách xử lý như sau:
- Bệnh nhân tiêm mỗi 2 tuần một lần hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều tiếp theo vào thời gian bình thường;
- Bệnh nhân tiêm mỗi 4 tuần một lần hãy bắt đầu một lịch trình mới theo ngày tiêm bù liều đã quên;
- Lưu ý quan trọng: Không sử dụng 2 liều thuốc Praluent cùng một lúc.
5. Tác dụng phụ của thuốc Praluent
Các tác dụng phụ phổ biến nhất với thuốc Praluent (có thể ảnh hưởng đến 1 trên 10 người) là các phản ứng tại chỗ tiêm như đau và đỏ, các triệu chứng mũi họng tương tự bệnh cảm lạnh và ngứa da. Trong đó, những tác dụng phụ phổ biến nhất dẫn đến việc bệnh nhân ngừng điều trị với thuốc Praluent là các phản ứng tại chỗ tiêm.
Nguồn tham khảo: ema.europa.eu, medicalnewstoday.com, drugs.com