Suy tim có mấy cấp độ và mức độ nào là nhẹ, là nặng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp – Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Suy tim là một bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của bệnh nhân. Suy tim được phân thành nhiều cấp độ, từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng tăng dần. Vậy suy tim có mấy cấp độ nặng, nhẹ?

1. Các nguyên nhân gây suy tim

1.1 Các bệnh lý tại tim:

  • Bệnh van tim
  • Bệnh cơ tim: Bệnh tim có tim phì đại, bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim hạn chế, bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ( bệnh mạch vành mạn tính)...
  • Bệnh màng ngoài tim: Viêm màng ngoài tim...
  • Bệnh tim cấu trúc: Bệnh tim bẩm sinh

1.2 Cách bệnh ngoài tim dễn đến suy tim:

  • Bệnh nội tiết (Basedow, suy giáp, đái tháo đường...
  • Tăng huyết áp (Vô căn, do bệnh thận, U tuyến thượng thận, hẹp eo động mạch chủ...)
  • Bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn(CODP) hen phế quản...
  • Gù vẹo cột sống....

2. Phân loại suy tim

Suy tim có rất nhiều cách phân loại khác nhau, bao gồm:

  • Phân loại theo vị trí của buồng tim: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn bộ.
  • Phân loại theo chức năng sinh lý: suy tim tâm thusuy tim tâm trương.
  • Phân loại theo cung lượng tim: cung lượng thấp (còn gọi là suy tim ứ huyết) và cung lượng cao.
  • Theo mức độ tiến triển: suy tim cấp tínhsuy tim mạn tính.

Có nhiều cách phân loại suy tim
Có nhiều cách phân loại suy tim

3. Suy tim có mấy cấp độ?

Hiện nay, có nhiều tiêu chí để phân độ suy tim từ nặng đến nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, trên thế giới cũng như tại Việt Nam thì suy tim thường được phân độ theo Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (NYHA). Theo NYHA, việc phân độ suy tim sẽ dựa vào mức độ hoạt động thể lực cũng như triệu chứng khó thở của bệnh nhân.

  • Dựa vào mức độ khó thở phân độ theo NYHA
  • Dự vào diễn biến, tiến triển nguy cơ, biểu hiện lâm sàng phân theo giai đoạn: A- B - C - D

Suy tim độ 1:

Đây là giai đoạn suy tim nhẹ nhất, người bệnh hầu hết vẫn hoạt động thể lực và sinh hoạt một cách bình thường, không có các triệu chứng của suy tim như khó thở, mệt mỏi, hồi hộp kể cả khi hoạt động gắng sức. Đây là giai đoạn khó phát hiện nhất.

Suy tim độ 2:

Đây là giai đoạn suy tim nhẹ, các hoạt động thể lực và sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân sẽ có những hạn chế, giới hạn nhất định. Người bệnh cảm thấy khỏe mạnh hoàn toàn, không xuất hiện các triệu chứng khó chịu khi nghỉ ngơi, khi không làm việc nặng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có các hoạt động gắng sức, cần vận động nhiều thì thấy khó thở, mệt mỏi, hồi hộp đánh trống ngực.

Suy tim độ 3:

Đây là giai đoạn suy tim ở mức trung bình. Ở mức độ này, người bệnh đã bị hạn chế khá nhiều trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Khi bệnh nhân vận động gắng sức nhẹ thì các triệu chứng của suy tim sẽ xuất hiện như khó thở, mệt mỏi, hồi hộp và nếu bệnh nhân nghỉ ngơi thì các triệu chứng được thuyên giảm. Nếu suy tim độ 3 thì bệnh nhân đa số phải nhập viện điều trị thường xuyên.

Suy tim độ 4:

Đây là giai đoạn suy tim nặng nhất. Bất kỳ vận động hay sinh hoạt hằng ngày nào, dù là rất nhẹ hay kể cả khi nghỉ ngơi thì người bệnh vẫn thấy mệt mỏi, khó thở. Do đó, hoạt động thể lực bị hạn chế toàn bộ, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ngoài ra, suy tim cũng được phân độ theo mức độ khó thở và cũng tương ứng với phân độ của NYHA: Giai đoan đổi thành độ

  • Giai đoạn 0: không khó thở khi gắng sức.(Suy tim độ 0)
  • Giai đoạn 1: khó thở khi gắng sức. .(Suy tim độ I)
  • Giai đoạn 2: không cần gắng sức cũng cảm thấy khó thở.
  • Giai đoạn 3: khó thở trong các hoạt động nhẹ nhàng thường ngày như đánh răng, rửa mặt.
  • Giai đoạn 4: khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

Suy tim phân theo giai đoan:

  • Giai đoạn A: Nguy cơ suy tim, không có bệnh tim thực tổn hoặc triệu chứng suy tim như có bệnh tăng HA, đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch vành...
  • Giai đoạn B: Có bệnh tim thực tổn nhưng không có triệu chứng suy tim ví dụ như có bệnh van tim, bệnh tim cấu trúc như thông liên nhĩ...
  • Giai đoạn C: Có bệnh tim thực tổn hiện tại hoặc trước kia nhưng có triệu chứng suy tim, điều trị nội khoa có đáp ứng.
  • Giai đoạn D: Suy tim kháng trị liệu, điều trị nội khoa không đáp ứng, cần can thiệp đặc biệt như ghép tim

Dựa vào độ khó thở có thể phân loại cấp độ suy tim
Dựa vào độ khó thở có thể phân loại cấp độ suy tim

4. Suy tim khi nào là nặng?

Trong các mức độ của suy tim, khi bước sang giai đoạn 2 tương ứng với NYHA độ 3, các biểu hiện như khó thở, mệt mỏi xảy ra trong các hoạt động bình thường không cần gắng sức nhiều và sức khỏe của người bệnh bắt đầu suy giảm rõ rệt thì đó là dấu hiệu của bệnh đang nặng dần. Thường nặng nhất là suy tim độ IV giai đoạn D

Khi đó, bệnh nhân cần tới ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị tích cực, kiểm soát các triệu chứng, dự phòng và làm chậm tiến triển của bệnh đến giai đoạn cuối.

5. Biện pháp dự phòng suy tim phát triển đến giai đoạn nặng nhất

Nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh nhanh chóng chuyển sang giai đoạn cuối của suy tim và tử vong. Do đó, điều trị các triệu chứng và làm chậm diễn tiến của suy tim là rất quan trọng.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh suy tim, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và phòng ngừa các biến chứng.

Chế độ ăn giảm muối, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, hạn chế hoặc không sử dụng bia rượu, không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích. Nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày nhiều rau xanh và trái cây. Ngoài ra, bệnh nhân nên tập luyện thể dục vừa sức, đều đặn mỗi ngày 30-60 phút như đi bộ, đạp xe...

Tuân thủ chế độ điều trị

Muốn điều trị được tối ưu suy tim cần điều trị loại bỏ được nguyên nhân gây suy tim. Bệnh nhân suy tim thường phải sử dụng nhiều thuốc với cơ chế tác dụng khác nhau, nhằm cải thiện triệu chứng suy tim, các bệnh lý đi kèm và phòng ngừa biến chứng. Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị, uống thuốc đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe