Điều trị suy tim theo từng giai đoạn bệnh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Điều trị suy tim được chia thành 4 mức độ theo từng giai đoạn A, B, C và D. Có 2 phương hướng chữa trị chính là dùng thuốc và không dùng thuốc. Mục tiêu điều trị suy tim nhằm giảm triệu chứng, hạn chế nhập viện và kéo dài sự sống.

1. Điều trị suy tim giai đoạn A

Ở giai đoạn A ban đầu, bệnh nhân mới chỉ có nguy cơ cao bị suy tim, nhưng không có bệnh tim thực tổn hoặc triệu chứng suy tim điển hình. Do đó, trước tiên cần điều chỉnh lối sống không lành mạnh hoặc điều trị các bệnh lý có nhiều nguy cơ dẫn đến suy tim, chẳng hạn như:

  • Bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường: Điều trị theo đúng phát đồ và cần đạt được các mục tiêu.
  • Rối loạn nhịp nhanh: Kiểm soát nhịp thất hoặc phục hồi nhịp xoang.
  • Suy tuyến giáp hoặc cường giáp: Điều trị bệnh lý tuyến giáp theo khuyến cáo.
  • Người nghiện hút thuốc, uống rượu, hoặc ma túy: Khuyên bệnh nhân cần tránh các chất làm tăng suy tim.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định điều trị hợp lý tùy vào từng trường hợp cụ thể, ví dụ:

  • Đo phân suất tống máu EF bằng siêu âm tim đối với bệnh nhân có tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc bệnh về tim.
  • Ức chế men chuyển trên bệnh nhân có tiền sử xơ vữa động mạch, tiểu đường, tăng huyết áp hoặc các yếu tố tim mạch khác.
  • Chẹn thụ thể Angiotensin II (hiệu quả tương tự Ức chế men chuyển).
  • Thuốc ức chế beta giao cảm nếu không có chống chỉ định.

Bệnh tăng huyết áp là nguy cơ dẫn đến suy tim
Bệnh tăng huyết áp là nguy cơ dẫn đến suy tim

2. Điều trị suy tim giai đoạn B

Khi bệnh nhân đã có bệnh tim thực tổn nhưng chưa xuất hiện triệu chứng cơ năng của suy tim thì được xếp bào giai đoạn B. Các biện pháp chữa trị bao gồm:

  • Tương tự tất cả các chỉ định áp dụng trong giai đoạn A.
  • Ức chế β hay Ức chế men chuyển: Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim.
  • Ức chế β và Ức chế men chuyển: Bệnh nhân có phân suất tống máu EF giảm.
  • Ức chế men chuyển: Bệnh nhân tăng huyết áp kèm dày thất trái.
  • Chẹn thụ thể Angiotensin II: Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, EF giảm và không dung nạp được Ức chế men chuyển.
  • Tái tưới máu động mạch vành.
  • Phẫu thuật sửa van hay thay van.
  • Cấy máy tạo nhịp phá rung (ICD).

Mặt khác, chỉ định điều hợp lý có thể dùng Ivabradine đơn độc khi bệnh nhân đã điều trị bằng Ức chế β mà có tần số tim > 70 lần/ phút. Một số nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên cho rằng sử dụng Digoxin và chẹn kênh Canxi không mang lại hiệu quả chữa bệnh, đôi khi còn có nguy cơ gây hại ở vài trường hợp bệnh nhân nhất định.

3. Điều trị suy tim giai đoạn C

Giai đoạn C, còn gọi là độ 3, được định nghĩa khi bệnh nhân có bệnh tim thực tổn, kèm theo tiền sử hoặc hiện tại có triệu chứng suy tim. Điều trị suy tim độ 3 cần được áp dụng đúng chỉ định và phối hợp cẩn thận, nếu không có thể làm nặng tình trạng suy tim hoặc người bệnh bỏ điều trị vì tác dụng phụ.

Biện pháp điều trị suy tim độ 3 (Giai đoạn C) cụ thể là:

  • Tất cả các chỉ định của giai đoạn A và B.
  • Dùng thuốc: Lợi tiểu (kèm hạn chế muối), Ức chế β / men chuyển / trực tiếp nút xoang, Ivabradine, Chẹn thụ thể Angiotensin II, Digitalis, phối hợp Hydralazine kèm Nitrates, Omega 3 và thuốc kháng Aldosterone (Spironolactone, Eplerenone).
  • Điều trị bằng thiết bị bao gồm: Cấy máy tạo nhịp phá rung (ICD), tái đồng bộ cơ tim hay tạo nhịp 2 buồng thất (CRT), và dùng thiết bị hỗ trợ thất.
  • Luyện tập thể lực theo chương trình thiết kế dành riêng cho bệnh nhân suy tim.

Trong điều trị suy tim độ 3, cần lưu ý những điều không nên thực hiện sau đây:

  • Không nên phối hợp thường quy Ức chế men chuyển và/hoặc Chẹn thụ thể Angiotensin II với thuốc kháng Aldosterone.
  • Nên tránh thuốc chống loạn nhịp, kháng viêm không Steroid hoặc ức chế COX –2.
  • Không nên dùng thường thuốc Chẹn kênh Canxi.
  • Truyền thuốc vận mạch lâu dài hoặc điều trị bằng Hormone có thể gây hại, ngoại trừ một số trường hợp bắt buộc.

4. Điều trị suy tim giai đoạn D

Khi suy tim đã đến giai đoạn cuối có nguy cơ kháng trị, do đó cần can thiệp đặc biệt. Định lượng cũng như xử trí cẩn thận tình trạng ứ dịch là điểm cơ bản và quan trọng trong điều trị suy tim giai đoạn cuối. Biện pháp cụ thể:

  • Truyền tĩnh mạch liên tục thuốc giãn mạch ngoại vi;
  • Truyền tĩnh mạch thuốc vận mạch;
  • Dùng lợi tiểu song cần chú ý liều lượng, nếu quá mạnh bệnh nhân có thể bị thiếu dịch, khiến tình trạng nặng thêm;
  • Chỉ định của ghép tim (tại một số quốc gia).

Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định ghép tim đối với bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối có triệu chứng nặng, tiên lượng xấu và không còn phương pháp trị liệu nào khác để thay thế. Ngoài ra, thể trạng người được ghép tim phải năng động, giao tiếp tốt và có cảm xúc ổn định. Sau ghép tim đòi hỏi tiến hành những điều trị tích cực, do đó cần xem xét khả năng tuân thủ của người bệnh và gia đình.

Chống chỉ định ghép tim trong các trường hợp sau đây:

  • Nhiễm trùng tiến triển;
  • Nghiện rượu hoặc dùng thuốc gây nghiện;
  • Đã điều trị ung thư trong vòng 5 năm;
  • Bệnh nhân mắc các bệnh nặng khác đi kèm, có tiên lượng xấu;
  • Cảm xúc thất thường, bệnh tâm thần chưa điều trị;
  • Tình trạng tim và mạch máu không ổn định;

Xem thêm: Tìm hiểu phương pháp đột phá điều trị suy tim giai đoạn cuối: Cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái HVAD


Cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái HVAD
Cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái HVAD

5. Sàng lọc suy tim

Nhìn chung, dù trong bất kỳ giai đoạn nào của suy tim, biện pháp chữa trị cơ bản vẫn là không dùng thuốc và chú trọng thay đổi lối sống sao cho khoa học, lành mạnh. Quan trọng hơn, không chỉ những đối tượng đã có triệu chứng suy tim mà đặc biệt là nhóm đối tượng tuổi trung niên (từ 45 - 50 tuổi trở lên) cũng cần sàng lọc suy tim định kỳ.

Khi lựa chọn gói khám suy tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ được xác định tình trạng suy tim, mức độ suy tim, nguyên nhân gây suy tim cũng như các bệnh đi kèm. Đặc biệt, nhóm đối tượng chưa có triệu chứng suy tim nhưng đang ở độ tuổi trung niên (từ 45 - 50 tuổi trở lên) thì càng nên khám sàng lọc bệnh tim mạch hàng năm, nhất là người nghiện thuốc lá, thường xuyên uống nhiều rượu bia hoặc bị béo phì.

Chi tiết một gói khám suy tim tại Vinmec bao gồm: Khám chuyên khoa Nội tim mạch, tổng phân tích tế bào máu và nước tiểu 24 giờ bằng máy đếm tự động, định lượng và đo hoạt độ một số chất trong cơ thể, điện giải và điện tâm đồ, siêu âm tim (thông thường và gắng sức), soi màng tim qua thành ngực và chụp Xquang ngực thẳng, ...

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe