Suy tuyến thượng thận cấp là một trong các bệnh lý cấp cứu của chuyên khoa nội tiết. Bệnh có diễn tiến nhanh và đôi khi nguy kịch đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Nhận biết dấu hiệu của bệnh và can thiệp sớm là rất quan trọng, nhất là ở các đối tượng từng được xác định là suy thượng thận mạn.
1. Suy tuyến thượng thận cấp là gì?
Tuyến thượng thận có hình mũ, nằm trên hai quả thận, ở phần lớp bó bài tiết ra các glucocorticoid. Đây là các hormone có vai trò quan trọng trong sự chuyển hóa năng lượng của các tế bào trong cơ thể. Bên cạnh đó, glucocorticoid còn hỗ trợ một phần trong việc ổn định huyết động, giữ cân bằng nội môi thông qua điều khiển bài tiết hay tái hấp thu muối nước. Đồng thời, hormone này giúp cơ thể tăng sức chống đỡ với stress bên trong lẫn bên ngoài môi trường tác động vào.
Suy thượng thận cấp là một cấp cứu của chuyên khoa nội tiết. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu hụt corticoid cấp tính. Chẩn đoán bệnh thường dễ dàng do bệnh nhân đã có tiền căn suy tuyến thượng thận lâu dài trước đó. Tuy nhiên, đôi khi việc xác chẩn cũng có thể gặp khó khăn nếu triệu chứng lâm sàng và sinh học không đặc hiệu, nhất là khi vào bệnh cảnh trụy tim mạch không rõ nguyên nhân. Lúc này, nếu chẩn đoán bị bỏ sót và điều trị không đầy đủ, người bệnh rất dễ nguy kịch đến tính mạng.
Suy thượng thận cấp thường gặp trong bối cảnh của bệnh Addison chưa được phát hiện ra từ trước hoặc điều trị không đầy đủ, do các tổn thương trực tiếp vào tuyến thượng thận hoặc vùng hạ đồi – tuyến yên, làm ảnh hưởng sự bài tiết của các hormon trên trục nội tiết này. Tuy nhiên, các tình trạng này rất hiếm gặp. Trong thực tế, các sản phẩm có chứa corticoid có mức độ phổ biến rộng rãi và không được kiểm soát, có thể mua và sử dụng rất dễ dàng, dẫn tới suy tuyến thượng thận cấp - một biến chứng nếu người bệnh ngưng thuốc đột ngột hay chỉ là giảm liều so với bình thường.
2. Các triệu chứng của suy tuyến thượng thận cấp
Khác biệt với suy tuyến thượng thận mạn, khi tuyến thượng thận bị suy giảm chức năng cấp tính, nồng độ hormone được bài tiết ra đưa vào dòng tuần hoàn không đủ nhu cầu đáp ứng, các triệu chứng được quan sát thấy rất nổi bật ở nhiều hệ cơ quan:
- Hệ tim mạch: Người bệnh đột ngột trụy tim mạch, huyết áp tụt nhanh chóng, tay chân lạnh, mạch nhỏ, nhanh, khó bắt và kém đáp ứng với bù dịch và các thuốc vận mạch;
- Hệ tiêu hóa: Người bệnh than đau thượng vị, sau đó lan toàn bụng, nhưng khám bụng vẫn thấy mềm, có khi kèm buồn nôn, nôn. Các biểu hiện trên có thể nhầm với những bệnh lý bụng ngoại khoa;
- Hệ thần kinh trung ương: Bệnh nhân có thể than phiền về tình trạng mệt lả, bủn rủn tay chân, vật vã, bứt rứt, kích thích, nói sảng cho đến lẫn lộn, ngủ gà, lơ mơ và hôn mê.
3. Cách chẩn đoán suy tuyến thượng thận cấp như thế nào?
Cách chẩn đoán suy tuyến thượng thận cấp ngoài việc dựa vào các triệu chứng nêu trên còn dựa vào một bệnh sử đã từng dùng thuốc giảm đau, thuốc gia truyền... kéo dài và không cai thuốc được. Bên cạnh đó, cần tầm soát một số bệnh lý có điều trị corticoid mạn tính như rối loạn hệ thống tự miễn dịch, bệnh viêm thoái hóa khớp, hen suyễn không kiểm soát, chàm da...
Ngoài ra, trước khi có những biểu hiện nêu trên của một đợt cấp tính, người bệnh cũng có thể có các triệu chứng suy tuyến thượng thận mạn nếu do dùng glucocorticoid quá mức như rậm lông, tăng cân, tăng huyết áp, tăng đường máu, mỡ máu, mặt tròn, béo trung tâm, tích tụ mỡ ở vùng cổ, sau gáy, mặt tròn đỏ, da mỏng, rạn da...
Nếu bắt buộc phải ngừng thuốc đột ngột hay chỉ làm giảm liều, người bệnh sẽ có biểu hiện của hội chứng cai thuốc như khó chịu, mệt mỏi, uể oải liên tục, thiếu sức sống, chán ăn, đau nhức cơ xương khớp... Thậm chí, ở một số trường hợp đã dùng liều rất cao và kéo dài, khi ngưng cung cấp corticoid, bệnh nhân dễ vào đợt cấp, tình trạng huyết động bị ảnh hưởng, trụy mạch và tuần hoàn, nguy cơ tử vong tăng cao.
Về các cận lâm sàng dùng để chẩn đoán, thường chỉ được xác chẩn hồi cứu vì người bệnh đã được can thiệp điều trị kịp thời, tại chỗ ngay khi chưa được chẩn đoán xác định, mới chỉ có vài triệu chứng nghi ngờ. Theo đó, việc lấy bệnh phẩm xét nghiệm chỉ được tiến hành khi bệnh nhân đã ổn định hơn; đồng thời, các thuốc sử dụng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Chỉ định cần quan tâm hàng đầu là đo nồng độ cortisol trong máu thấy có giảm sút. Ngoài ra, người bệnh còn có tình trạng rối loạn các chất điện giải trong máu như natri giảm, kali tăng, tăng HCT do cô đặc máu vì mất nước, hạ glucose máu do giảm chuyển hóa tế bào,...
4. Cách điều trị suy tuyến thượng thận cấp
Khi nghi ngờ suy tuyến thượng thận cấp ở người bệnh với bệnh cảnh cấp cứu, trụy tuần hoàn mà chưa rõ nguyên nhân, điều đầu tiên cần làm là thiết lập một đường truyền dịch để giữ vein. Dung dịch được chọn ban đầu là nước muối sinh lý với tốc độ nhanh tối đa.
Sau đó, nếu mạch và huyết áp không cải thiện với bù dịch mà nguyên nhân gây sốc vẫn chưa rõ ràng, cần tiêm nhanh chế phẩm hydrocortison 100mg bằng đường tiêm bắp hay tĩnh mạch. Nếu đúng nguyên nhân sốc là do suy tuyến thượng thận cấp, tình trạng người bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi. Trái lại, cần tìm kiếm nguyên nhân khác hoặc khởi trị với thuốc vận mạch.
Điều trị tiếp theo của cấp cứu bệnh nhân suy thượng thận cấp là tiếp tục duy trì bổ sung hormon thay thế bằng đường tiêm truyền, chuyển sang đường uống song song với việc bồi hoàn, điều chỉnh nước, điện giải và theo dõi sát sinh hiệu trong 24 giờ đầu tiên. Cho người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường trong môi trường yên tĩnh, thoáng mát, tránh di chuyển nhiều. Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng.
Ngoài ra, bác sĩ cũng cần thăm khám tổng quát, thực hiện các cận lâm sàng nhằm tìm kiếm các bệnh lý gây tổn thương đến tuyến thượng thận, vùng hạ đồi – tuyến yên hoặc các bệnh lý cấp tính khác gây thúc đẩy vào suy thượng thận cấp tính, không bài tiết đủ cortisol giúp cơ thể chống đỡ với stress trên nền cơ bản là suy thượng thận mạn đã có từ trước.
Tóm lại, suy thượng thận cấp tính là một tình trạng tương đối hiếm gặp, nguy cơ đe dọa tính mạng rất cao nếu không được nhận biết và xử trí đúng. Trên các bệnh nhân đã từng chẩn đoán là suy thượng thận mạn lệ thuộc cortioid, cần được theo dõi kỹ lưỡng về các dấu hiệu nghi ngờ khi bị thiếu hụt cortioid nhằm bổ sung kịp thời, tránh để diễn tiến đến suy thượng thận cấp thực sự.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Tài liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế