Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khi mang thai cơ thể người phụ nữ sẽ có rất nhiều thay đổi, trong đó bao gồm hiện tượng sưng mắt cá chân. Vậy tại sao thai phụ lại hay bị sưng mắt cá chân, nếu bị sưng mắt cá chân thai phụ có thể làm gì, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tại sao phụ nữ mang thai hay bị sưng mắt cá chân?
Có rất nhiều yếu tố khác nhau góp phần gây nên hiện tượng phù bàn chân và sưng mắt cá chân trong khi mang thai. Yếu tố đầu tiên phải kể đến đó là khi mang thai, cơ thể giữ lại nhiều dịch hơn so với bình thường. Kế đến, tử cung phát triển to dần lên (vì thai nhi lớn dần lên), tạo áp lực lên các tĩnh mạch, gây ảnh hưởng tới dòng máu theo tĩnh mạch quay trở về tim. Đồng thời, các thay đổi nội tiết tố cũng đóng một vai trò nhất định.
2. Người phụ nữ có thể làm gì để hạn chế sưng mắt cá chân trong quá trình mang thai?
Phù bàn chân và sưng mắt cá chân trong khi mang thai là những hiện tượng hết sức phổ biến và thường tự biến mất sau khi sinh nở. Trong thai kỳ, để giảm những hiện tượng này, thai phụ có thể:
- Giảm áp lực lên đôi chân: thai phụ nên tránh đứng trong thời gian dài. Nếu có thể, khi ngồi hãy chống bàn chân lên, thường xuyên xoay cổ chân và nhẹ nhàng gấp duỗi để làm giãn cơ sinh đôi ở cẳng chân. Tốt hơn nữa, khi nằm hãy kê cao chân.
- Nằm ngủ ở tư thế nghiêng bên trái: nằm nghiêng bên trái trong khi ngủ giúp tránh tạo áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới (là một tĩnh mạch lớn đưa máu từ phần dưới cơ thể quay trở về tim). Tác dụng sẽ đạt được nhiều hơn nếu chân được nâng nhẹ lên bằng cách kê gối phía dưới.
- Mang tất áp lực: bác sĩ có thể sẽ khuyến cáo thai phụ mặc quần hỗ trợ hoặc tất áp lực trong ngày.
- Năng hoạt động thể chất mỗi ngày: hãy đi bộ, đạp xe trên máy tập đạp (stationary bike), hoặc bơi sải trong hồ bơi.
- Đứng tại chỗ hoặc đi bộ dưới nước (trong hồ bơi): mặc dù cho đến nay vẫn còn ít nghiên cứu về việc sử dụng áp lực nước trong những trường hợp phù bàn chân và sưng mắt cá chân, nhưng dường như đứng tại chỗ hoặc đi bộ dưới nước có tác dụng tạo áp lực lên các mô ở chân và có thể làm giảm phù giảm sưng tạm thời khi mang thai.
- Mặc quần áo rộng rãi: quần áo chật có thể làm giới hạn các luồng máu chảy. Đừng mặc các loại quần và tất áp chặt lên vùng mắt cá hoặc cơ sinh đôi ở cẳng chân.
Một số nghiên cứu gợi ý xoa bóp và bấm huyệt bàn chân (về bản chất là tạo áp lực lên những vùng nhất định của bàn chân) có thể giúp giảm phù chân và sưng mắt cá chân trong khi mang thai. Các thai phụ cũng lưu ý không cần phải giảm lượng nước uống vào để tránh phù. Học viện y khoa (The Institute of Medicine) của Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ mang thai cần uống khoảng 2,4 lít nước mỗi ngày.
Mặc dù phù chân và sưng mắt cá chân khi mang thai với mức độ nhẹ là bình thường, nhưng nếu đột ngột sưng phù kèm theo đau (đặc biệt là khi chỉ xuất hiện ở một bên chân) có thể là dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu. Để chắc chắn nhất hãy đi thăm khám bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org