Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City
Vui chơi là một trong những cách thức quan trọng để trẻ học hỏi về thế giới xung quanh. Vui chơi giúp trẻ học thêm nhiều kỹ năng mới, giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về nhận thức, tư duy, tình cảm xã hội, ngôn ngữ. Quan trọng hơn, trong khi chơi, trẻ sẽ có cơ hội giao tiếp với người lớn cũng như bạn bè đồng trang lứa. Lúc này, trẻ học được cách hòa đồng cùng với mọi người, học cách giải quyết vấn đề và cách làm thế nào để giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả. Do vậy, chơi và sự phát triển ngôn ngữ có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ với nhau.
1. Chơi phát triển khi trẻ phát triển
Trong những năm tháng đầu đời, trẻ thường cho mọi thứ vào miệng hoặc chỉ ném đồ chơi đi. Đây là cách trẻ trải nghiệm và học được sự khác biệt về cảm giác và mùi vị của các đồ vật khác nhau. Sau đó, trẻ bắt đầu học cách xây dựng các hình khối, chơi với ô tô, tàu hỏa. Trẻ học cách gọi tên các đồ vật và hiểu được rằng các đồ vật có thể đi cùng nhau, chúng có thể chơi đồ chơi bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi chơi, trẻ có thể học được các danh từ (tên của đồ vật), động từ (các từ chỉ thao tác hoặc hành động với đồ vật) và cách mô tả chúng. Trẻ học cách khám phá các đồ vật và cảm nhận chúng: Những đồ chơi này để ở đâu, nó to hay nhỏ,...
>>> Làm cách nào để phát triển ngôn ngữ khi chơi cùng con?
Khi trẻ lớn lên, chúng bắt đầu học cách sử dụng một đồ vật để thay thế cho những thứ khác. Ví dụ: 1 khối gỗ trở thành 1 cái xe ô tô hoặc 1 cái điện thoại, các mảnh ghép trở thành cát xây dựng,... Trẻ vừa chơi, vừa gọi tên những đồ vật mà chúng nghĩ ra. Đây là sự kết nối tuyệt vời giữa sự vật và lời nói của trẻ. Để phát triển ngôn ngữ và giao tiếp 1 cách có ý nghĩa thì trẻ cần thiết phải có trí tưởng tượng, kỹ năng diễn giải và tư duy tốt. Trẻ cần có khả năng phản hồi lại với các biểu tượng 1 cách phù hợp. Nếu trẻ không có nền tảng vững chắc về ngôn ngữ hiểu, ngôn ngữ diễn đạt thì sẽ không thể nào nói về trò chơi của mình và thể hiện lại ý tưởng chơi một cách dễ hiểu cho người khác được. Như vậy, có thể nói rằng, chơi và ngôn ngữ song hành cùng nhau trong tiến trình một em bé lớn lên. Kỹ năng chơi phải phát triển đến một trình độ nhất định trước khi có các kỹ năng ngôn ngữ tương ứng.
2. Trẻ em có thể chơi với bất cứ thứ gì chúng có
Với trẻ em, đồ chơi không cần phải là những thứ quá đắt tiền. 1 cái chăn để chơi ú òa hay một vài cái lá khô cũng có thể trở thành 1 món đồ chơi thú vị. Bạn sẽ ngạc nhiên khi chỉ với 1 cái chai, 1 vài hạt đậu, thìa, cốc mà trẻ có thể chơi được cả buổi. Từ việc chơi khám phá như: Cho hạt đầu vào chai và lắc để phát ra âm thanh, đến việc chơi tưởng tượng như: Đổ hạt đậu ra cốc và giả vờ xúc ăn. Trẻ em thường có xu hướng thích những đồ vật thật, liên quan đến hoạt động hằng ngày như: Cốc, điều khiển tivi,... hơn là đồ chơi. Thậm chí, với trẻ em, cha mẹ chính là đồ chơi tốt nhất của mình.
3. Sức mạnh của vui chơi đối với sự phát triển ngôn ngữ
Trẻ học ngôn ngữ và các kỹ năng khác khi chúng chia sẻ hoạt động chơi với cha mẹ hoặc người bạn cùng chơi của mình. Trẻ quan sát cách cha mẹ thao tác với đồ chơi và bắt chước lặp lại thao tác đó. Trẻ quan sát cách cha mẹ nói chuyện và nỗ lực đáp lại bằng lời nói, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt,... Trẻ học cách tư duy, giải quyết vấn đề từ cha mẹ. Những học hỏi này của trẻ là tự nhiên và chủ động.
- Thông qua vui chơi, trẻ học cách gọi tên đồ vật, học đếm, học miêu tả đồ vật,...
- Trẻ học cách chơi với ngôn ngữ như: Tạo ra các âm thanh, từ vựng khác nhau trong khi chơi cùng người khác.
- Chơi giúp vốn từ vựng của trẻ trở nên phong phú hơn.
- Chơi giúp phát triển kỹ năng lắng nghe và làm theo yêu cầu/ hướng dẫn.
- Chơi giúp phát triển các kỹ năng xã hội và lần lượt.
- Ngôn ngữ phát triển và cũng trở nên phức tạp hơn trong khi trẻ chơi.
- Đối với trẻ sơ sinh: Chơi có nghĩa là khám phá các đồ vật như: Gõ, đập, cho vào miệng, liếm,...
- Đối với trẻ nhỏ: Chơi là việc xây dựng các khối nhỏ lại với nhau, đẩy xe ô tô, thổi bong bóng,...
- Đối với trẻ trong giai đoạn nhà trẻ: Chơi có nghĩa là việc giả vờ cho búp bê ăn, giả vờ nói chuyện điện thoại, giả vờ là một nhân vật nào đó như: Bác sĩ, lính cứu hỏa,...
>>> Sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ 22 tháng tuổi
4. Một số mẹo để chơi hiệu quả cùng con
- Ngồi đối diện: Trẻ cần nhìn thấy bạn để chia sẻ mọi ánh mắt, cử chỉ, cảm xúc khi chơi.
- Tham gia chứ không chỉ là có mặt trong trò chơi của trẻ: Hiểu về mức độ chơi của trẻ và cố gắng tạo ra các hoạt động chơi phù hợp, tham gia và chia sẻ hoạt động cùng trẻ (ví dụ: Chơi cùng trẻ trên sàn với đồ chơi).
- Nói về những gì bạn và trẻ đang làm trong suốt hoạt động chơi. Trẻ sẽ hiểu và biết cách gọi tên hoạt động mình đang thực hiện.
- Tổ chức các hoạt động chơi mà trẻ có cơ hội được hoạt động và sử dụng từ ngữ (ví dụ: Chơi với ô tô: “đi”, “xe đi”,...).
- Khi bạn tích cực tham gia hoạt động chơi cùng trẻ, bạn đang chia sẻ thời gian với con một cách chất lượng. Bạn sẽ cung cấp cho con nguồn từ vựng vô cùng phong phú, đồng thời làm mẫu cho con cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp phù hợp.
>>> Sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ 17 tháng tuổi
5. Xây dựng thói quen vui chơi mỗi ngày
- Tạo ra một trò chơi từ những vật dụng hằng ngày, chẳng hạn, một cái khăn hay một cái cốc,... Ví dụ: Bạn dùng một cái khăn nhỏ để chơi ú òa, cũng có thể đặt cái khăn lên một bộ phận cơ thể nào đó (ví dụ: Miệng, mũi,...) và đố trẻ gọi tên được bộ phận cơ thể đã bị che đi.
>>> Sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ 14 tháng tuổi
- Tạo ra trò chơi ở những không gian quen thuộc hằng ngày như: Nhà bếp, phòng tắm, phòng khách, phòng ngủ,... Chẳng hạn, bạn có thể giấu đi một vài đồ vật (rau củ, trái cây) và hướng dẫn trẻ gọi tên đồ vật cũng như vị trí của chúng. Ví dụ: Táo ở trên bàn, chanh ở trong hộp,...
- Tạo ra trò chơi trong những hoạt động hằng ngày như: Giờ ăn nhẹ, giờ tắm,... Chẳng hạn, trong giờ ăn, bạn có thể dạy con gọi tên các loại đồ ăn, trái cây,...; trong giờ tắm, bạn có thể cho thêm một vài con vật cùng tắm với con (ví dụ: Vịt, cá,...) và dạy con gọi tên các hành động như: Vịt bơi, cá nhảy lên,...
6. Lên kế hoạch cho hoạt động chơi 1 tuần
Hãy nghĩ tới một vài câu hỏi sau trước khi bạn bắt tay vào xây dựng kế hoạch cho hoạt động chơi trong 1 tuần cùng con:
>>> Bạn đã sẵn sàng để nuôi dạy con cái?
- Con bạn có thể chơi được những trò chơi gì? Con sẽ học được gì khi chơi trò chơi này? Sau khi hiểu được mức độ chơi của con, bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch cho các hoạt động chơi cùng con. Hãy chọn những hoạt động mà trẻ yêu thích và bạn có thể tham gia chơi cùng con.
- Bạn sẽ chơi trò chơi này ở đâu? Những trò chơi bạn vừa nghĩ ra có thể được thực hiện ở trong phòng ngủ, phòng tắm hay ở ngoài sân chơi không?
- Bạn sẽ chơi trò chơi này như thế nào? Hãy đảm bảo bạn hiểu và biết cách chơi trò chơi trước khi hướng dẫn con chơi cùng. Đôi khi, trong một số trò chơi, trẻ sẽ tỏ ra bối rối hoặc lúng túng trong những lượt chơi đầu. Hãy cố gắng kiên nhẫn giải thích với con một cách thật rõ ràng và dễ hiểu.
- Bạn có thể nói gì trong khi chơi để khuyến khích phát triển ngôn ngữ cho con? Hãy nghĩ về những từ vựng, mẫu câu mà bạn muốn làm mẫu cho con trong hoạt động. Hãy sử dụng những từ ngữ có liên quan đến hoạt động mà bạn và con đang thực hiện để bình luận.
- Bạn sẽ hỗ trợ con như thế nào trong khi chơi? Hãy nghĩ về cách mà bạn có thể khuyến khích con chơi và sử dụng các từ mới. Bạn có thể lặp lại từ hoặc câu nhiều lần trong khi chơi (ví dụ: “xe đi”), chờ đợi và chơi luân phiên với trẻ...
>>> Bạn có phù hợp để trở thành cha, mẹ?
Song song với việc chơi cùng với trẻ thì để bảo vệ sức khỏe 1 cách toàn diện nhất, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: tyketalk.com, theministryofparenting.com