Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Bà bầu 3 tuần đầu sẽ không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể, thậm chí là chưa có dấu hiệu trễ kinh. Tuy nhiên phụ nữ cũng có thể bắt đầu sử dụng que thử thai tại nhà để sớm biết được kết quả khi mang thai tuần 3.
1. Thay đổi của cơ thể khi mang thai tuần 3
1.1. Hợp tử - trứng đã được thụ tinh
Khi trứng và tinh trùng đã được thụ tinh thành công, chúng chính thức hợp nhất với nhau cho ra một tế bào chung - được gọi là hợp tử. Tuy nhiên với kích thước siêu nhỏ, chỉ tương đương với đầu một cây kim, hợp tử lúc này không giống như thai nhi hay đứa trẻ. Đây chỉ là một tập hợp gồm khoảng 100 tế bào, đang nhân lên và phát triển nhanh chóng. Trong đó, lớp tế bào bên ngoài sẽ trở thành nhau thai, còn lớp bên trong chính là phôi thai sau này.
Nhiễm sắc thể từ bố và mẹ đang kết hợp để quyết định giới tính, tóc và màu mắt thai nhi, thậm chí là hình thành một phần tính cách bẩm sinh. Hợp tử sẽ di chuyển từ ống dẫn trứng về phía tử cung, ở lại đó và tiếp tục phân chia theo cấp số nhân trong suốt 9 tháng tới. Chính những tế bào ban đầu này sẽ tạo ra tất cả bộ phận và cơ quan của một đứa bé hoàn chỉnh.
1.2. Hoàng thể và hormone thai nghén
Mặc dù gần như bà bầu 3 tuần đầu không có bất kỳ sự thay đổi nào ở bên ngoài, nhưng bên trong cơ thể họ đã diễn ra những hoạt động tích cực chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển của thai nhi sắp tới.
Hoàng thể - một cấu trúc bao gồm nhiều tế bào có màu vàng, hình thành ở nang trứng sau khi trứng đã rụng. Hoàng thể bắt đầu sản xuất hormone progesterone và estrogen với hàm lượng đủ để nuôi dưỡng hợp tử trong khoảng 10 tuần tới, cho đến khi nhau thai xuất hiện và thay thế nhiệm vụ trên.
Khoảng một tuần sau thụ tinh, phôi nang sẽ tự cấy vào niêm mạc tử cung và nhau thai bắt đầu hình thành. Trong vòng 6 - 12 ngày tiếp theo (khoảng tuần thứ 4 của thai kỳ), các tế bào của nhau thai dần phát triển và bắt đầu tạo ra Human Chorionic Gonadotropin (hCG) - một loại hormone tiết ra từ nhau thai người. HCG sẽ liên tục tăng trong 3 tháng đầu của thai kỳ, sau đó giảm dần trong tam cá nguyệt thứ hai. Đây được xem như một tín hiệu yêu cầu buồng trứng ngừng tạo ra thêm trứng, thay vào đó là kích hoạt sản sinh nhiều progesterone và estrogen hơn nữa để giữ cho niêm mạc tử cung không bị bong ra, cũng như góp phần hỗ trợ sự phát triển của nhau thai.
Tất cả các loại hormone thai nghén không chỉ đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ mà còn gây ra một loạt những thay đổi bên trong lẫn bên ngoài cơ thể bà bầu, chẳng hạn như triệu chứng ốm nghén. HCG có thể được tìm thấy trong nước tiểu và máu, đây là lý do vì sao phụ nữ sẽ thử thai tại nhà với nước tiểu và được xét nghiệm máu trong lần khám thai đầu tiên. Tuy nhiên một số bà bầu 3 tuần đầu có thể sẽ không nhận được kết quả dương tính khi thử thai và cần chờ thêm 1 - 2 tuần nữa.
2. Biểu hiện của bà bầu 3 tuần đầu
2.1. Khứu giác nhạy bén
Đột nhiên cảm thấy cực kỳ nhạy cảm với các loại mùi hương có thể là một dấu hiệu khi mang thai tuần 3. Khứu giác nhạy bén hơn là tác động rất rõ ràng của hormone estrogen trong thai kỳ, mọi mùi hương đang bay lơ lửng trong không khí xung quanh bà bầu 3 tuần đầu, dù là rất nhỏ, hoặc thơm hay khó chịu, đều bị phóng đại một cách bất thường. Chiếc mũi phụ nữ lúc này sẽ đánh hơi được mùi của những thực phẩm đang được nấu ở nhà bên cạnh, mùi rác ở góc đường hay hương nước hoa của người vừa bước vào cửa nhà.
Trên thực tế, sự thay đổi này không mang tính tích cực vì sẽ khiến cho triệu chứng ốm nghén càng thêm trầm trọng. Do đó bà bầu 3 tuần đầu nên lưu ý:
- Tránh xa khu vực nhà bếp hoặc các hàng quán ăn đường phố;
- Khi nấu ăn nên ưu tiên dùng lò vi sóng vì chúng có xu hướng ít gây ra mùi;
- Mở các cửa sổ trong nhà để không khí được thông thoáng;
- Giặt quần áo thường xuyên hơn, tránh để nhiều đồ bẩn trong giỏ;
- Tìm kiếm những loại xà phòng không mùi hoặc có hương thơm dễ chịu.
Phụ nữ mang thai tuần 3 trở đi nếu bị ốm nghén nặng nên thẳng thắn yêu cầu người thân trong gia đình dọn dẹp vật dụng cá nhân sau khi nấu nướng hoặc tập thể thao trong nhà, chọn loại nước hoa có mùi nhẹ và dễ chịu, cũng như đánh răng sau khi dùng những thức ăn nặng mùi.
2.2. Căng tức bụng dưới
Triệu chứng căng tức ở bụng, hay thậm chí là chuột rút nhẹ, nhưng không đi kèm chảy máu thường rất phổ biến, đặc biệt là trong lần mang thai đầu tiên. Bà bầu 3 tuần đầu không cần quá lo lắng vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đều đang diễn ra bình thường. Cảm giác này nhiều khả năng là do tác động của:
- Quá trình cấy phôi vào tử cung;
- Tăng lưu lượng máu và sự dày lên của niêm mạc tử cung;
- Tử cung đang phát triển to hơn;
- Đôi khi chỉ là triệu chứng đau bụng đầy hơi.
Mặc dù cơ thể đang tích cực bắt nhịp với tất cả những thay đổi xảy ra bên trong, bà bầu 3 tuần đầu có thể xin ý kiến của bác sĩ trong những lần khám thai tiếp theo nếu thường xuyên cảm thấy đau bụng kéo dài.
2.3. Thay đổi vị giác
Vị giác của phụ nữ mang thai tuần 3 có thể khiến hầu hết món ăn họ thưởng thức đều có mùi tương tự như những đồng xu kim loại. Nguyên nhân là vì các chồi vị giác ở lưỡi bị ảnh hưởng nặng nề bởi một số hormone thai nghén trong suốt tam cá nguyệt đầu tiên. Để làm giảm bớt triệu chứng này, bà bầu 3 tuần đầu có thể dùng kèm theo bữa ăn chính với một số thực phẩm có tính axit như:
- Nước chanh;
- Các loại nước ép trái cây;
- Kẹo có vị chua;
- Những món ăn chế biến với giấm.
Ngoài ra, vệ sinh lưỡi mỗi khi đánh răng hoặc súc miệng bằng một chút nước muối cũng là những gợi ý hữu ích mà chị em có thể áp dụng.
3. Lời khuyên khi mang thai tuần 3
- Kết hợp chất sắt và vitamin C
Kết hợp thực phẩm giàu chất sắt với thực phẩm chứa nhiều vitamin C sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ chất sắt - một chất dinh dưỡng cần thiết cho phụ nữ mang thai để hỗ trợ tăng lượng máu. Nếu dùng ngũ cốc cho bữa ăn sáng, phụ nữ mang thai tuần 3 nên dùng kèm với một số loại quả mọng, bao gồm: việt quất, dâu tây, dâu tằm và phúc bồn tử. Ngoài ra, bà bầu 3 tuần đầu có thể tìm thấy vitamin C trong trái cây và rau quả như: kiwi, xoài, dâu tây, dưa, ớt chuông, cà chua và măng tây. Trong khi đó, sắt lại có nhiều trong đậu nành, thịt bò, thịt gia cầm và trái cây sấy khô.
- Chọn thực phẩm giàu canxi
Canxi không chỉ tốt cho mẹ mà còn giúp thai nhi tạo dựng và phát triển bộ xương chắc khỏe. Đây còn là dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe tim mạch, hệ thần kinh cũng như các cơ bắp. Nếu phụ nữ không bổ sung đủ lượng canxi cần thiết khi mang thai, cơ thể sẽ tự động rút bớt canxi từ xương của mẹ để truyền cho bé. Bà bầu 3 tuần đầu trở đi nên tiêu thụ khoảng 1.000 miligam thực phẩm dồi dào canxi trong ngày, tương đương với 4 khẩu phần sữa chua Hy Lạp, nước ép tăng cường canxi, ngũ cốc và phô mai tiệt trùng hàng ngày.
- Bổ sung nhiều protein
Tiêu thụ ba khẩu phần protein mỗi ngày sẽ có tác dụng thúc đẩy phát triển các mô mới cho thai nhi. Mỗi bữa ăn nên được cung cấp chất đạm từ thịt gà không da hoặc thịt bò nạc, với khối lượng khoảng 100g, tương đương với kích thước của một bộ bài tây. Các nguồn thực phẩm khác cũng rất dồi dào protein bao gồm: trứng, cá, sữa và các loại đậu.
- Thử thai tại nhà
Ngày nay, các dụng cụ thử thai tại nhà cho kết quả gần như lập tức với độ chính xác cao, đáng tin cậy không kém xét nghiệm máu được thực hiện tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, có thể mất tối thiểu 1 tuần sau khi trễ kinh thì cơ thể mới sản xuất đủ hormon hCG và hiển thị trong kết quả thử thai. Do đó, nếu thử thai cho kết quả âm tính, bà bầu 3 tuần đầu có thể kiểm tra lại sau vài ngày. Đừng quên đọc hướng dẫn sử dụng thật cẩn thận và đảm bảo giữ vệ sinh tất cả dụng cụ cá nhân nhằm đảm bảo tính chính xác tối đa.
Bác sĩ Trần Thị Phương Loan nguyên là Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang; Bác sĩ điều trị tại bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai trước khi là bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc như hiện nay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com; whattoexpect.com