Sự liên quan giữa huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Trong các bệnh lý về tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng thuyên tắc mạch phổi, đây là biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

1. Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một tình trạng viêm có liên quan đến cục máu đông. Các cục máu đông có thể hiện diện trong một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể, thường là ở chi trên hoặc chi dưới, dòng máu trong lòng tĩnh mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một chứng bệnh phổ biến, thường gặp ngày nay với tỉ lệ tử vong cao. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng với chi phí chữa trị rất lớn. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu INCIMEDI đã chứng minh chứng huyết khối tĩnh mạch sâu không hiếm gặp ở nước ta, mặc dù chưa có số liệu chính xác. Cuộc nghiên cứu cho thấy, dựa trên siêu âm Duplex, có tới 22% bệnh nhân nội khoa nhập viện có huyết khối tĩnh mạch sâu không xuất hiện triệu chứng. Người cao tuổi thường bị bỏ sót khi chẩn đoán, hoặc bệnh nhân chỉ được chẩn đoán sau khi đã tử vong.

Nếu bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp tăng tỷ lệ sống, đồng thời hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể gặp.


Cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu trong lòng tĩnh mạch
Cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu trong lòng tĩnh mạch

2. Dấu hiệu và nguyên nhân hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu

Các biểu hiện của huyết khối tĩnh mạch sâu thường không đặc hiệu, chính vì thế nên không được nhiều người chú ý tới. Ở vùng xảy ra huyết khối có thể xuất hiện một số triệu chứng như đỏ, sưng tấy, đau, thường gặp ở vùng chân.

Sự xuất hiện của các cục máu đông dẫn đến việc tăng sản sinh sợi đàn hồi ở lớp nội mạch máu, làm nổi mạch máu, khiến nội mạc dày lên ngay vị trí huyết khối, dẫn đến lòng mạch hẹp lại, nguy cơ tắc tĩnh mạch tăng lên theo thời gian.

Thêm vào đó, ở những bệnh nhân mắc huyết khối tĩnh mạch sâu có nguy cơ bị chứng suy giãn tĩnh mạch cao hơn gấp 6 lần so với những người không mắc bệnh. Chính vì vậy, trên lâm sàng, triệu chứng của suy tĩnh mạch có thể xuất hiện ở những bệnh nhân mắc huyết khối tĩnh mạch.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu, chẳng hạn như phẫu thuật, chấn thương hay phản ứng của hệ miễn dịch đều có thể gây ra bệnh. Bên cạnh đó, sự hình thành của các huyết khối có thể xuất phát từ những nguyên nhân lớn khác, bao gồm rối loạn di truyền, sự thay đổi hormone của cơ thể, ngồi lâu,...


Chấn thương cũng có thể dẫn đến hình thành cục máu đông
Chấn thương cũng có thể dẫn đến hình thành cục máu đông

Đông máu giúp cầm máu sau khi bị vết thương, đây là một quá trình bình thường của cơ thể, chẳng hạn như vết cắt trên da. Cục máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch với các điều kiện sau:

  • Máu chảy với tốc độ quá chậm
  • Niêm mạc của tĩnh mạch bị tổn thương
  • Rối loạn trong máu dẫn đến sự đông máu dễ dàng diễn ra hơn.

Sự hình thành của cục máu đông trong tĩnh mạch sâu khiến lưu thông máu bị chậm lại, thể tích máu trong tĩnh mạch tăng lên. Sẽ rất nguy hiểm nếu một mảnh của cục máu đông vỡ ra và di chuyển qua các mạch máu đến phổi. Tình trạng này được gọi là tắc mạch phổi, có nguy cơ gây tử vong cao. Gần một phần ba số người bị huyết khối tĩnh mạch sâu có nguy cơ tiến triển thành tắc mạch phổi. Vì vậy, để ngăn ngừa xảy ra tắc mạch phổi, nhất thiết phải thực hiện sàng lọc, phát hiện và điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu kịp thời.


Nếu không điều trị kịp thời cục máu đông có thể di chuyển gây tắc mạch phổi
Nếu không điều trị kịp thời cục máu đông có thể di chuyển gây tắc mạch phổi

3. Sự liên quan giữa huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi

Tắc mạch phổi dùng để chỉ huyết khối bị vỡ và trôi nổi tự do trong mạch máu. Huyết khối có thể di chuyển đến một vùng khác của cơ thể và gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu. Có thể có nhiều huyết khối (emboli). Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) chính là các huyết khối không di chuyển và nằm trong tĩnh mạch. Phần lớn các huyết khối trở thành tắc mạch phổi được hình thành trong tĩnh mạch ở chân. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào lưu lượng máu không đến được phổi.

Có thể phát hiện cục máu đông thông qua các khảo sát lưu lượng máu tĩnh mạch (siêu âm Doppler). Việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu sớm có thể giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tắc mạch phổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe