Sử dụng thuốc vận mạch chống nhiễm trùng

Sốc nhiễm khuẩn là tình trạng nặng của nhiễm khuẩn, để cứu chữa cho bệnh nhân ngoài sử dụng thuốc kháng sinh các bác sĩ còn cần phải sử dụng thêm một số loại thuốc khác trong đó có thuốc vận mạch.

1. Sốc nhiễm khuẩn là gì?

Sốc nhiễm khuẩn là tình trạng nặng của nhiễm khuẩn, với tỷ lệ tử vong lên tới 40 -60%. Bệnh diễn biến liên tục từ khi bắt đầu các phản ứng viêm hệ thống của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của vi trùng, sau đó đến nhiễm khuẩn nặng, tiếp theo là sốc nhiễm khuẩn và cuối cùng là suy đa tạng dẫn tới tử vong.

Khi vi khuẩn xâm nhập vào trong cơ thể chúng ta sẽ gây ra các phản ứng viêm, dưới tác động này các cytokin gây viêm sẽ được giải phóng, khi yếu tố kháng viêm yếu hơn yếu tố gây viêm thì các cơ quan thứ phát sẽ bị tổn thương và tạo nên vòng xoắn bệnh lý gây suy đa tạng.


Sốc nhiễm khuẩn cần được phát hiện sớm
Sốc nhiễm khuẩn cần được phát hiện sớm

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của tình trạng này là do vi khuẩn hoặc nấm từ các ổ nhiễm khuẩn trên cơ thể xâm nhập vào máu từ:

  • Ngoài da, mô mềm, cơ xương khớp.
  • Đường tiêu hóa: Nhiễm khuẩn đường mật, áp xe gan, viêm ruột,...
  • Đường hô hấp: Viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi,...
  • Hệ tiết niệu: Viêm mủ bể thận, ứ mủ bể thận,...
  • Hệ thần kinh: áp xe não, viêm màng não mủ,...
  • Nhiễm khuẩn khác như: viêm nội tâm mạc cấp và bán cấp,...

Bệnh lý viêm phổi có thể là nguyên nhân gây bệnh
Bệnh lý viêm phổi có thể là nguyên nhân gây bệnh

3. Vì sao sử dụng thuốc vận mạch trong sốc nhiễm khuẩn?

Việc điều trị sốc nhiễm khuẩn cần ưu tiên ổn định tình trạng hô hấp và tiếp theo là cải thiện sự tưới máu tới các mô. Mục tiêu của việc điều trị là nhằm đưa áp suất động mạch trung bình trên 65mmHg, độ bão hòa oxy hemoglobin trong máu tĩnh mạch trên 70%, và lưu lượng nước tiểu trên 0,5ml/kg/giờ.

Để đạt được mục tiêu này, các hướng dẫn điều trị sốc nhiễm khuẩn đều nhấn mạnh đến việc tích cực bù thể tích lưu thông và điều trị nguyên nhân. Sau khi bệnh nhân đã được bù đủ thể tích lưu thông mà vẫn chưa đạt được mục tiêu cần sử dụng đến các thuốc vận mạch. Bởi cùng với việc thoát dịch ra ngoài mạch máu thì các mạch máu cũng bị giãn, nên cần phải làm cho mạch máu co lại như bình thường, do đó cần phải sử dụng thuốc vận mạch (co mạch).

4. Các thuốc vận mạch dùng trong sốc nhiễm khuẩn

Các loại thuốc vận mạch chỉ được sử dụng khi bệnh nhân đã được đánh giá bù đủ dịch. Có một số ý kiến cho rằng nên ưu tiên lựa chọn Noradrenalin hoặc Dopamine để duy trì huyết áp trung bình ≥ 65mmHg. Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá chưa có bằng chứng nào cho thấy ưu thế của một thuốc vận mạch nào, và có thể sử dụng Noradrenalin, Phenylephrine, Epinephrine, Vasopressin, hay Terlipressin một cách an toàn và đạt kết quả giống nhau.

4.1 Noradrenalin

Noradrenalin thường được sử dụng trong sốc nhiễm khuẩn, nó có tác dụng làm co mạch mạnh, tăng cung lượng tim nhẹ và phản xạ làm chậm nhịp tim. Liều Noradrenalin trong sốc nhiễm khuẩn như sau:

  • Liều khởi đầu: 0,05 mcg/kg/phút.
  • Nếu không có đáp ứng thì tăng dần liều 0,05 mcg sau mỗi 5 - 10 phút, cho đến khi huyết áp trung bình ≥ 65 mmHg.
  • Liều tối đa là 5 mcg/kg/phút.

Thuốc Noradrenalin
Thuốc Noradrenalin

4.2 Dopamine

Dopamine có tác dụng khác nhau phụ thuộc vào liều sử dụng. Trong trường hợp sốc nhiễm khuẩn, Dopamine được sử dụng với liều như sau:

  • Liều khởi đầu là: 5mcg/kg/phút.
  • Nếu không đáp ứng thì tăng dần 3 - 5 mcg sau mỗi 5 - 10 phút cho đến khi có đáp ứng.
  • Liều tối đa không quá 20 mcg/kg/phút.

4.3 Dobutamin

Dobutamin được dùng kết hợp thêm nếu không duy trì được ScvO2 ≥ 70%. Liều dùng của Dobutamin như sau:

  • Liều khởi đầu: 3 mcg/kg/phút.
  • Nếu không đáp ứng thì tăng dần liều 3 - 5 mcg sau mỗi 5 - 10 phút.
  • Liều tối đa 20 mcg/kg/phút.

Trên lâm sàng, việc lựa chọn thuốc vận mạch sẽ tùy thuộc vào bệnh nhân ở tình trạng tăng động hay giảm động của sốc nhiễm trùng. Cụ thể như sau:

  • Nếu trong tình trạng sốc tăng động: bệnh nhân hạ huyết áp, giảm sức cản ngoại vi, tăng cung lượng tim và đầu chi ấm thì thuốc vận mạch làm co mạch như Noradrenalin sẽ có hiệu quả hơn.
  • Nếu trong tình trạng sốc giảm động: bệnh nhân hạ huyết áp, sức cản ngoại vi giảm nhẹ, giảm cung lượng tim, đầu chi lạnh thì có thể ưu tiên lựa chọn Dopamine vì nó làm tăng áp huyết động mạch trung bình, đồng thời giảm nhẹ sức cản ngoại biên. Tuy nhiên do Dopamine hay gây ra tình trạng loạn nhịp và thường không đạt được mục tiêu điều trị khi chỉ sử dụng đơn độc, do đó vẫn nên lựa chọn Noradrenalin.

Thuốc Dobutamin
Thuốc Dobutamin

Như vậy thuốc vận mạch rất cần thiết trong điều trị sốc nhiễm khuẩn. Song thời điểm sử dụng, sử dụng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu cần phải dựa trên sự thăm khám của bác sĩ để đánh giá tình trạng của từng bệnh nhân cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe