Nhiễm trùng huyết có nguy hiểm không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Mẹ em được chẩn đoán nhiễm trùng huyết. Bác sĩ cho em hỏi, nhiễm trùng huyết có nguy hiểm không? Điều trị bệnh như thế nào?

Nguyễn Hoài Nam (1991)

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương - Bác sĩ Huyết học – Ung thư - Trung tâm Ung bướu - Xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nhiễm trùng huyết có nguy hiểm không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết) là tình trạng nhiễm trùng rất nghiêm trọng. Vi sinh vật gây bệnh không cư trú tại một cơ quan bị tổn thương ban đầu, mà theo đường máu lan đi khắp cơ thể.

Bệnh xảy ra do vi khuẩn hay virus, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm của cơ thể. Những phản ứng này tạo ra hàng loạt các thay đổi bên trong dẫn đến tổn thương các cơ quan như: gan, thận và khiến cơ thể suy yếu nhanh. Nhiễm trùng máu đặc biệt nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng nặng về tuần hoàn, rối loạn đông máu, hô hấp, suy gan thận và các tạng khác.

Ở trường hợp xấu nhất, nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra chứng hạ huyết áp, hiện tượng này là "Sốc nhiễm trùng", có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng một số bộ phận như phổi, thận và gan. Giai đoạn này bệnh trở nên rất nặng, có những trường hợp được điều trị tích cực, kháng sinh phù hợp nhưng bệnh nhân vẫn tử vong do sốc nhiễm trùng. Ngày nay với sự tiến bộ của các phương tiện chẩn đoán, trang thiết bị hỗ trợ tim mạch, hô hấp và kháng sinh, việc chữa trị nhiễm trùng máu đã có kết quả khả quan, giảm được tỷ lệ tử vong rất nhiều. Việc điều trị bao gồm cả công tác chẩn đoán sớm, loại bỏ nguồn gốc gây nhiễm trùng từ ổ nguyên phát, hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, chống rối loạn đông máu và kháng sinh.

Trước khi sử dụng kháng sinh, bệnh nhân nên cấy máu và các bệnh phẩm khác để làm kháng sinh đồ và chọn ra kháng sinh phù hợp. Tuy nhiên, không cần phải chờ kết quả của kháng sinh đồ mới bắt đầu điều trị mà nên dùng kháng sinh phổ rộng ngay sau khi lấy bệnh phẩm.

Nếu nhiễm trùng máu ở giai đoạn đầu và chưa ảnh hưởng tới các cơ quan quan trọng, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng tại nhà. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển gây sốc nhiễm trùng và thậm chí tử vong. Trong trường hợp này, bác sĩ sử dụng một số loại thuốc để điều trị nhiễm trùng huyết bao gồm kháng sinh qua đường tiêm tĩnh mạch để chống nhiễm trùng, thuốc vận mạch để tăng huyết áp, insulin để ổn định đường huyết, corticosteroid để kháng viêm và giảm đau.

Khi nhiễm trùng huyết trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân cần được truyền dịch qua đường tĩnh mạch và dùng máy thở. Bác sĩ có thể tiến hành lọc máu trong trường hợp suy thận cấp bằng cách sử dụng thiết bị thay thế chức năng thận để loại bỏ chất thải nguy hại, muối và nước dư thừa từ máu. Một số trường hợp cần phải phẫu thuật để loại bỏ nguồn gốc của nhiễm trùng máu như phẫu thuật hút mủ từ áp-xe hay loại bỏ mô nhiễm trùng.

Nếu bạn còn thắc mắc về nhiễm trùng huyết, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe