Co cứng thành bụng có phải bị viêm phúc mạc cấp?

Đau bụng, có thể cấp tính hoặc âm ỉ cho đến co cứng thành bụng, là triệu chứng chính của bệnh nhân viêm phúc mạc cấp. Theo đó, ban đầu, cơn đau có thể âm ỉ và không khu trú, dần sẽ tiến triển thành cơn đau dữ dội và trầm trọng hơn khi có bất kỳ cử động nào khiến người bệnh phải gồng người. Chính vì vậy, hiểu được cơ chế co cứng thành bụng và chẩn đoán sớm viêm phúc mạc cấp có ảnh hưởng rất lớn đến tính quyết định tình trạng cho người bệnh.

1. Viêm phúc mạc cấp là gì?

Viêm phúc mạc cấp được định nghĩa là tình trạng viêm màng thanh dịch lót trong khoang bụng và các cơ quan chứa trong đó diễn tiến cấp tính. Tùy thuộc vào bệnh lý cơ bản, hậu quả của viêm phúc mạc có thể là nhiễm trùng hoặc vô trùng (tức là, hóa học hoặc cơ học). Dù là nguyên nhân nào, ổ bụng là nguồn phổ biến thứ hai của nhiễm trùng huyết.

Viêm phúc mạc cấp thường được gây ra bởi sự xâm nhập của nhiễm trùng vào môi trường phúc mạc vô trùng khác thông qua thủng cơ quan nhưng cũng có thể do các chất kích thích khác, chẳng hạn như dị vật, mật từ túi mật bị thủng hoặc gan vỡ hoặc axit dịch vị từ loét thủng thành ống tiêu hóa. Phụ nữ cũng bị viêm phúc mạc khu trú do ống dẫn trứng bị nhiễm trùng hoặc u nang buồng trứng bị vỡ. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng khởi phát cấp tính hoặc âm ỉ, bệnh ban đầu có mức độ giới hạn và nhẹ hoặc bệnh nhanh chóng tiến triển toàn thân, nặng với sốc nhiễm trùng.

Việc chẩn đoán viêm phúc mạc thường dựa trên lâm sàng. Xét nghiệm dịch rửa phúc mạc để chẩn đoán có thể hữu ích ở những bệnh nhân không có dấu hiệu nghi ngờ khi khám hoặc không thể cung cấp đầy đủ bệnh sử. Về điều trị, phương pháp xử trí đối với viêm phúc mạc và áp xe phúc mạc dựa trên liệu pháp kháng sinh toàn thân và điều trị hỗ trợ để ngăn ngừa hoặc hạn chế các biến chứng thứ phát do suy hệ thống cơ quan. Song song đó, việc kiểm soát sớm nguồn nhiễm trùng là bắt buộc và có thể xem xét thông qua các can thiệp không cần phẫu thuật bao gồm dẫn lưu áp xe qua da, cũng như đặt stent qua da và nội soi. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm phúc mạc cấp diễn tiến nhiễm trùng nghiêm trọng trong ổ bụng, phẫu thuật cấp cứu có thể cần đặt ra.


Viêm phúc mạc có thể gây tình trạng co cứng thành bụng
Viêm phúc mạc có thể gây tình trạng co cứng thành bụng

2. Đặc điểm của dấu hiệu co cứng thành bụng trong viêm phúc mạc cấp

Việc chẩn đoán viêm phúc mạc thường dựa trên lâm sàng. Tiền sử người bệnh cần quan tâm đến yếu tố có phẫu thuật bụng gần đây, các đợt viêm phúc mạc trước đó, sử dụng các chất ức chế miễn dịch và sự hiện diện của các bệnh lý ngoại khoa trong ổ bụng (ví dụ: bệnh viêm ruột, viêm túi thừa, bệnh loét dạ dày tá tràng) làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Theo đó, các dấu hiệu và triệu chứng thường được tìm thấy trong bệnh viêm phúc mạc cấp do vi khuẩn tự phát:

  • Sốt và ớn lạnh (lên đến 80% bệnh nhân)
  • Đau bụng hoặc khó chịu (gặp ở 70% bệnh nhân)
  • Bệnh não nặng hơn hoặc không giải thích được
  • Tiêu chảy
  • Cổ trướng không cải thiện sau khi dùng thuốc lợi tiểu
  • Suy thận nặng hơn hoặc mới khởi phát
  • Giảm nhu động ruột

Trong đó, đau bụng, có thể cấp tính hoặc âm ỉ, chính là phàn nàn chính của bệnh nhân viêm phúc mạc. Ban đầu, cơn đau có thể âm ỉ và kém khu trú - cơ chế là do ổ nhiễm trùng mới gây tổn thương phúc mạc tạng). Diễn tiến sau đó là cơn đau trở nên ổn định hơn, dữ dội và khu trú hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy phúc mạc thành cũng đã bị ảnh hưởng. Thậm chí, tình trạng đau bụng có thể trở nên trầm trọng hơn do bất kỳ cử động nào (ví dụ: ho, gập hông) hay bất kỳ áp lực cục bộ trên thành bụng. Điều này chính là cơ chế co cứng thành bụng. Nếu tình trạng nhiễm trùng cơ bản không được ngăn chặn, cơn đau sẽ lan tỏa. Trong một số bệnh lý nhất định (ví dụ, thủng dạ dày, viêm tụy cấp nặng, thiếu máu cục bộ đường ruột), co cứng thành bụng và cảm ứng phúc mạc có thể biểu hiện ngay từ đầu.

Ngoài co cứng thành bụng, người bệnh viêm phúc mạc cấp được thăm khám có thể còn ghi nhận hiện tượng chướng bụng, cũng như các dấu hiệu rối loạn chức năng của các cơ quan khác. Các triệu chứng có thể nhẹ ở bệnh nhân dùng corticosteroid, bệnh nhân đái tháo đường có bệnh thần kinh tiến triển và bệnh nhân nằm viện, đặc biệt là trẻ em và người già. Khi có cổ trướng, tức dịch trong ổ bụng lượng trung bình đến nhiều, mức độ ma sát giữa nội tạng và bề mặt phúc mạc giảm có thể khiến dấu hiệu cảm ứng phúc mạc khó nhận biết. Thậm chí, các triệu chứng đau bụng ở nhóm bệnh nhân này cũng trở nên mơ hồ hơn các bệnh nhân không có dịch ổ bụng.

Bên cạnh đó, triệu chứng chán ăn và buồn nôn cũng là các triệu chứng thường xuyên và có thể báo trước cho sự phát triển của co cứng thành bụng và cảm ứng phúc mạc. Trong đó, nôn mửa còn có thể do bệnh lý nội tạng cơ bản (tức là tắc nghẽn cơ năng trong ống tiêu hóa) hoặc thứ phát do kích thích phúc mạc khi phản ứng viêm xảy ra.


Co cứng thành bụng có thể khiến người bệnh buồn nôn và chán ăn
Co cứng thành bụng có thể khiến người bệnh buồn nôn và chán ăn

3. Cách thăm khám co cứng thành bụng và cảm ứng phúc mạc

Khi thăm khám bệnh nhân bị viêm phúc mạc, nhìn chung người bệnh thường có vẻ không khỏe và đang trong tình trạng đau bụng cấp tính phải nhập viện sớm. Trong khi phần lớn người bệnh có nhiệt độ trên 38 ° C, bệnh nhân nhiễm trùng huyết nặng có thể bị hạ thân nhiệt. Nhịp tim nhanh có thể được ghi nhận, do giải phóng các chất trung gian gây viêm, giảm thể tích tuần hoàn nội mạch do chán ăn, nôn mửa và sốt, cũng như mất không gian thứ ba vào khoang phúc mạc gây cổ trướng. Với tình trạng mất nước tiến triển, tình trạng viêm phúc mạc nặng, người bệnh có thể biểu hiện trong tình trạng sốc nhiễm trùng nguy kịch.

Khi khám bụng bệnh nhân nghi ngờ viêm phúc mạc để tìm dấu hiệu co cứng thành bụng và cảm ứng phúc mạc, cần cho bệnh nhân nằm ngửa. Đồng thời, đặt một cuộn chăn hoặc gối mềm bên dưới đầu gối của bệnh nhân để hai chân hơi co lại, có thể giúp cơ thành bụng được thư giãn tốt hơn.

Lúc này, hầu hết các bệnh nhân đều có biểu hiện đau khi sờ và sẽ có biểu hiện tăng độ cứng thành bụng tùy vào mức độ ấn bụng của bác sĩ. Cụ thể là sự gia tăng trương lực cơ thành bụng có thể là tự phát, gọi là co cứng thành bụng, hoặc theo độ sâu nhất định khi ấn bụng, gọi là cảm ứng phúc mạc.

Bên cạnh thăm khám, đặc điểm của dấu hiệu co cứng thành bụng còn được củng cố khi quan sát thấy bệnh nhân bị viêm phúc mạc nặng thường tránh mọi cử động và giữ gập hông để giảm căng cơ thành bụng. Ngoài ra, quan sát thành bụng thường chướng lên và nghe có âm ruột giảm hoạt động. Các phát hiện này phản ánh tình trạng tắc ruột cơ năng nhưng có thể không xuất hiện nếu tình trạng nhiễm trùng được khu trú tốt ngay từ đầu. Đôi khi, bên cạnh đặc điểm của dấu hiệu co cứng thành bụng, khám bụng còn cho thấy một khối viêm khu trú.

Tóm lại, viêm phúc mạc là tình trạng viêm mô bao phủ các cơ quan trong ổ bụng với nguyên nhân thường do vi khuẩn. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, nhất là khi người bệnh nhập viện do một cơn đau bụng cấp tính và thăm khám thấy dấu hiệu co cứng thành bụng và cảm ứng phúc mạc. Vì một người bị viêm phúc mạc có thể tử vong trong vài giờ hoặc vài ngày nếu không được điều trị phù hợp, dấu hiệu này cần được phát hiện kịp thời thông qua các động tác khám bụng cẩn thận và chu đáo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe