Ong đốt là một trong nhưng tai nạn phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng biết sơ cứu khi bị ong đốt và do đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc phản vệ hay nhiễm trùng... Vậy người bị ong đốt nên uống thuốc gì và nên làm gì?
1. Tổng quan về tai nạn ong đốt
Những điều kiện như vào mùa hè khi mọi người thường có những chuyến đi dã ngoại hay dịp gần Tết khi nhiều gia đình dọn dẹp nhà cửa, phát quang bụi rậm, tỉa cành... đã tạo thuận lợi khiến chúng ta dễ bị ong đốt hơn. Do đó có thể thấy ong đốt không phải là một tai nạn hiếm gặp nhưng do sợ hãi và hoảng loạng nên đa phần không biết cách xử lý và dẫn đến nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bị ong đốt uống thuốc gì hay bôi thuốc gì để vết đốt bớt sưng đau là thắc mắc của nhiều người dân. Tuy nhiên do quá quan tâm đến vấn đề này nên nhiều trường hợp bị ong đốt mức độ nặng đã dẫn đến các biến chứng cấp tính nguy hiểm như sốc phản vệ, nhiễm trùng và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo các chuyên gia, tùy vào loài ong và số lượng vết đốt mà nạn nhân sẽ có những tổn thương từ nhẹ đến nặng. Trong tự nhiên tồn tại rất nhiều loài ong khác nhau với từng loại nọc độc khác nhau.
Vị trí bị ong đốt thường có những biểu hiện như sưng nhẹ, da đỏ và thường có cảm giác ngứa ngáy dữ dội. Sau đó, các triệu chứng của bệnh nhân nặng dần như sưng, phù kèm theo đau nhức dữ dội. Vết ong đốt có thể hết sau vài ngày đến vài tuần và đa số trường hợp ong đốt trong cuộc sống đều ở mức độ nhẹ do số lượng vết đốt ít và loài ong có độc tính thấp.
Những trường hợp bị ong đốt ở nhiều vị trí, đặc biệt là vùng đầu, mặt, cổ hoặc bị loài ong có độc tính cao đốt rất dễ diễn tiến đến các biến chứng nặng nề như phù mặt, nổi ban đỏ, ngứa toàn thân, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp, hôn mê, sốc phản vệ... Ngoài ra, một số nạn nhân còn bị tổn thương thận cấp kèm theo nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu. Đặc biệt các trường hợp nặng do ong đốt tập trung chủ yếu ở trẻ em và người già do sức đề kháng và khả năng chịu đựng kém, hoặc những người có cơ địa dị ứng trước đó.
2. Ong đốt nên uống thuốc gì?
Bị ong đốt uống thuốc gì? Theo các chuyên gia, hầu hết trường hợp bị ong đốt mà không xuất hiện các triệu chứng dị ứng hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà. Vấn đề quan trọng đặt ra cho những đối tượng này là cần tìm hiểu các biện pháp phù hợp để phòng tránh để không bị ong đốt nữa, cụ thể như mặc đồ bảo hộ khi làm việc trong bụi cây rậm rạp, xịt thuốc diệt côn trùng và tránh xa những khu vực được cảnh báo có tổ ong.
Các bước sơ cứu và chăm sóc người bị ong đốt:
- Loại bỏ nọc độc ong (cụ thể là là kim và túi chứa độc) ra khỏi vị trí vừa bị đốt ngay lập tức. Các chuyên gia khuyến cáo nên nặn kim độc ra bằng thẻ cứng hoặc một bìa giấy cứng;
- Nếu loài ong đốt thuộc giống ong mật, nạn nhân hãy nặn kim độc ra khỏi da nhanh nhất có thể. Cách tốt nhất là nặn ra và lưu ý tuyệt đối không dùng tay để kéo vì có thể vô tình vắt hết độc ở đuôi kim đưa vào cơ thể. Nếu không lấy kim độc ra khỏi vùng da bị đốt kịp thời, lượng độc tố trong nọc ong sẽ khuếch tán vào cơ thể nạn nhân nhiều hơn;
- Sau khi đã loại được kim độc, người sơ cứu tiến hành chườm đá lên khu vực bị ong đốt nhằm mục đích giảm đau. Nếu cần thiết nạn nhân có thể chườm đá liên tục mỗi lần 20 phút mỗi giờ. Lưu ý: Khi chườm đá nên bọc đá lại bằng một chiếc khăn hoặc tấm vải để tránh da bị lạnh cóng khi tiếp xúc trực tiếp với đá quá lâu;
- Sử dụng các thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin H1 như Diphenhydramine hoặc nhóm không gây buồn ngủ như Loratadine (Claritin) nhằm chống ngứa và sưng phù;
- Bị ong đốt có nên uống thuốc giảm đau không? Theo đó, nạn nhân vẫn có thể giảm đau bằng Ibuprofen hoặc Acetaminophen để làm dịu những cơn đau khó chịu do ong đốt;
- Tiến hành rửa sạch vùng da bị ong đốt bằng xà phòng và nước. Sau đó có thể tiếp tục thoa kem chứa kháng viêm Hydrocortisone lên vết đốt nhằm giảm triệu chứng đỏ da, ngứa ngáy và sưng tấy;
- Tiêm phòng uốn ván nếu mũi tiêm cuối cách hiện tại hơn 10 năm;
- Hầu hết các vết đốt do côn trùng, bao gồm loài ong, nếu đã ổn định thì không cần chăm sóc y tế bổ sung.
Nếu có tiền sử dị ứng và biết mình có thể bị dị ứng sau khi ong đốt, đặc biệt những trường hợp đã có phản ứng nghiêm trọng khi bị ong đốt trong quá khứ, cần liên lạc ngay lập tức với bác sĩ hoặc nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Những nạn nhân này nên uống kháng histamin như Diphenhydramine hoặc Loratadin (không gây buồn ngủ) càng sớm càng tốt. Khi vào bệnh viện, tùy theo mức độ mà bác sĩ có thể chỉ định dùng Epinephrine để điều trị phản ứng dị ứng, tuy nhiên trong thời gian dùng thuốc bệnh nhân phải luôn có người thân kế bên và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
3. Những nạn nhân ong đốt cần vào viện lập tức
Câu hỏi bị ong đốt nên uống thuốc gì đã được giải đáp. Tuy nhiên nếu rơi vào những tình huống sau đây thì nạn nhân cần được đưa vào bệnh viện nhanh nhất có thể:
- Ong đốt nhiều vị trí;
- Xác định vết đốt do ong bắp cày, ong vò vẽ... vì nọc của chúng rất mạnh và dễ gây ra các biến chứng toàn thân;
- Nạn nhân khó thở, đau hiều, phù mặt, tiêu chảy, buồn nôn và chuột rút.
Cơ thể mỗi nạn nhân sẽ có những cách phản ứng khác nhau khi bị ong đốt. Theo các chuyên gia, tổn thương do ong đốt thường được phân chia thành các mức độ như sau:
- Độ 1: Phản ứng dị ứng tại chỗ như sưng, đỏ, ngứa, đau nhẹ... và hầu hết sẽ biến mất sau vài giờ mà không cần điều trị đặc biệt;
- Độ 2: Dị ứng nặng hơn với dấu hiệu phù mạch và nổi mày đay toàn thân;
- Độ 3: Co thắt phế quản;
- Độ 4: Sốc phản vệ gây tụt huyết áp hoặc làm tổn thương đa cơ quan.
Với trẻ em, phản ứng dị ứng độ 1 và 2 thường không có chỉ định điều trị giải độc ong đặc hiệu. Với người trưởng thành, chỉ cần ong đốt từ độ 2 trở lên sẽ có chỉ định giải nọc độc. Những nạn nhân bị ong đốt và có các triệu chứng dị ứng ở mức độ 3-,4 cần được cấp cứu y tế ngay lập tức bằng tiêm Adrenalin. Nếu triệu chứng không cải thiện có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 3-5 phút.
Với trường hợp có triệu chứng sốc phản vệ sau khi bị ong đốt, nạn nhân cần được xử trí tương tự sốc phản vệ do các nguyên nhân khác. Lưu ý, sốc phản vệ do ong đốt đa phần chỉ xảy ra ở nạn nhân có cơ địa quá nhạy cảm với nọc ong.