Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Mục tiêu của dược trị liệu là giảm tỷ lệ mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm cầu thận mạn tính bao gồm thuốc ức chế men chuyển (ACEI), lợi tiểu, chẹn kênh canxi, chẹn beta-adrenergic và thuốc chủ vận alpha-adrenergic.
1. Tổng quan về viêm cầu thận mạn tính
Viêm cầu thận mạn tính là tình trạng tổn thương của cầu thận, tiến triển chậm dần trong nhiều năm. Biểu hiện đặc trưng của bệnh bao gồm: Phù, tăng huyết áp, protein niệu và hồng cầu niệu. Giai đoạn cuối sẽ dẫn đến suy thận ngày càng nghiêm trọng.
Các nguyên nhân gây ra viêm cầu thận mạn tính thường gặp là:
- Sau đợt viêm cầu thận cấp tính;
- Sau viêm cầu thận kèm hội chứng thận hư;
- Biến chứng từ các bệnh hệ thống (lupus, đái tháo đường) hoặc bệnh di truyền (hội chứng Alport - viêm thận di truyền).
Người mắc viêm cầu thận mạn tính có thể gặp các triệu chứng như:
- Nước tiểu màu sẫm, màu váng sắt hoặc nâu đỏ do có máu;
- Nước tiểu có bọt;
- Phù mức độ từ nhẹ đến nặng, tái phát nhiều lần;
- Thiểu niệu (đái ít), lượng nước tiểu thay đổi tùy từng giai đoạn bệnh;
- Tăng huyết áp;
- Thiếu máu xuất hiện nặng dần, liên quan chặt chẽ với suy thận;
- Urê máu cao gây nôn, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết, tim mạch, thần kinh, rối loạn nhịp thở và nặng nhất là hôn mê;
- Sút cân, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, ngứa, tiểu nhiều ban đêm, co giật cơ bắp, chuột rút, chảy máu cam...
2. Viêm cầu thận mạn uống thuốc gì?
Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị viêm cầu thận mạn tính đặc hiệu, chủ yếu là kiểm soát triệu chứng tùy theo từng giai đoạn của bệnh.
2.1. Giai đoạn viêm cầu thận mạn chưa có suy thận
Đối với bệnh nhân viêm cầu thận mạn tính không có triệu chứng lâm sàng thì chỉ cần theo dõi định kỳ và ngược lại, nếu xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thì điều trị triệu chứng, cụ thể:
- Điều trị phù: Ăn nhạt, hạn chế lượng nước uống và dùng thuốc lợi tiểu furosemid từ liều thấp (40mg x 1 viên / 24 giờ) đến liều cao hơn, tới khi đạt được lượng nước tiểu như mong muốn, khoảng từ 1,5 - 1,8 lít mỗi ngày;
- Điều trị tăng huyết áp: Dùng thuốc hạ huyết áp
- Khi có suy tim: Không dùng thuốc chẹn bêta giao cảm, thay vào đó là một trong các thuốc nifedipin, amlor, renitec, logimax, coversyl... Nếu người bệnh đáp ứng tốt với nhóm thuốc ức chế men chuyển (như renitec và coversyl) thì có thể bảo vệ nhu mô thận lâu dài;
- Viêm cầu thận có hội chứng thận hư: Song song với việc điều trị triệu chứng, cần kiểm soát hội chứng thận hư bằng corticoid, cyclophosphamide...
- Nếu bệnh có nhiễm khuẩn: Cần điều trị bằng kháng sinh, không độc thận kết hợp 1 đợt kéo dài 7 - 10 ngày.
Nhìn chung, cần dùng thuốc thường xuyên, kết hợp theo dõi định kỳ cả về lâm sàng lẫn chức năng thận. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
2.2. Giai đoạn viêm cầu thận mạn có suy thận mạn
Bên cạnh việc kiểm soát triệu chứng thì cần điều trị suy thận mạn tùy thuộc vào từng giai đoạn, chẳng hạn:
- Suy thận từ giai đoạn I - giai đoạn II: Điều trị bảo tồn;
- Suy thận giai đoạn cuối: Thay thế thận.
3. Hiệu quả của thuốc qua nghiên cứu thử nghiệm
Mặc dù cơ chế bệnh sinh và cơ chế tiến triển của viêm cầu thận mạn tính vẫn chưa được làm rõ, nhưng vẫn có những phương pháp điều trị tích cực.
Trên cơ sở các nghiên cứu có kiểm soát được thực hiện cho đến nay, một số trường hợp bị viêm cầu thận màng vô căn, đã được chứng minh cải thiện kết quả các thông số chức năng thận sau 3 năm theo dõi. Cụ thể, bệnh nhân đã điều trị trong 6 tháng bằng chlorambucil (0,2 mg / KG / ngày) hoặc prednison (0,6 mg / KG / ngày), mỗi ngày 1 lần trong khoảng thời gian 3 tháng.
Trong một thử nghiệm có kiểm soát khác, bệnh nhân mắc chứng tăng sinh màng tế bào loại I dùng 1 liều hàng ngày 225 mg dipyridamole và 975 mg aspirin trong 12 tháng. Kết quả được báo cáo cho thấy mức tăng tiêu thụ tiểu cầu trở lại bình thường và ổn định mức lọc cầu thận.
Một thử nghiệm thứ ba đã chứng minh rằng việc sử dụng kết hợp cyclophosphamide (100mg / ngày) và prednisone (30mg / ngày) trong nhiều tháng tốt hơn so với chỉ dùng thuốc tiên dược đơn thuần (40mg / ngày), giúp cải thiện tiên lượng dài hạn viêm thận lupus tăng sinh lan tỏa (loại IV, WHO).
Hơn nữa, có một số bằng chứng cho thấy sự tiến triển của viêm cầu thận mạn tính, đặc biệt là xơ cứng cầu thận, có thể được ngăn chặn bằng chế độ ăn ít protein.
Các thử nghiệm thuốc khác nhau cho thấy sự phát triển nhanh chóng của những phương pháp điều trị viêm cầu thận mạn tính. Do đó, nếu bệnh nhân chịu phối hợp tích cực với bác sĩ điều trị ít có nguy cơ chữa thất bại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI, Drugs.com