Suy thận cấp là tình trạng một hoặc cả hai quả thận trong cơ thể tạm thời bị suy giảm hoặc mất chức năng. Khi đó mức lọc cầu thận giảm đáng kể gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh như tăng huyết áp, phù, rối loạn cân bằng kiềm- toan hoặc điện giải nước.
1. Thiểu niệu là gì?
Ở thận sự hình thành nước tiểu gồm 2 quá trình:
1.1 Lọc ở cầu thận
Một phần huyết tương trong máu được lọc qua mao mạch sau đó vào bọc Bowman và trở thành dịch lọc ở cầu thận.
1.2 Tái hấp thu và bài tiết ở ống thận
Thể tích và thành phần của dịch lọc sẽ bị thay đổi khi nó đi qua ống thận. Khi đó một số chất hòa tan được bài tiết vào dịch ống thận và thành nước tiểu. Bên cạnh đó, nước và một số chất hòa tan khác được đưa quay ngược trở lại nhờ quá trình tái hấp thu.
Quá trình tạo nước tiểu không chỉ giúp cơ thể đào thải các chất có hại cho cơ thể mà còn giúp giữ lại nước, các chất điện giải và các chất quan trọng khác. Có 3 yếu tố liên quan đến lượng nước tiểu thải ra:
- Yếu tố trước thận: Cầu thận sẽ hoạt động lọc nước tiểu một cách bình thường khi lượng máu và áp lực máu ở động mạch thận phải vừa đủ. Bất kể sự tăng hay giảm ở hai yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến sự lọc của cầu thận.
- Yếu tố tại thận: Quá trình lọc và hấp thu tại thận ảnh hưởng trực tiếp lượng nước tiểu tạo ra. Ở quá trình lọc xảy ra bình thường khi áp lực máu đủ lớn để đẩy huyết tương vào bọc Bowman. Quá trình hấp thu xảy ra tại các ống thận. Do vậy các ống thận phải ở tình trạng bình thường, ngoài ra sự hoạt động này còn phụ thuộc vào 2 hormon là aldosteron và ADH.
- Yếu tố sau thận: Sau quá trình lọc và hấp thu nước tiểu sẽ được bài tiết ra ngoài. Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến sự cản trở bài tiết có thể là do u, sỏi thận,..
Thông thường, lượng nước tiểu trung bình thải ra của mỗi người là khoảng từ 1000- 1400 ml/24 giờ tùy thuộc vào lượng hydrat hóa, mức độ hoạt động, cân nặng và một số yếu tố môi trường khác. Khi lượng nước tiểu thải ra nhỏ hơn 400ml/24 giờ thì được gọi là thiểu niệu.
2. Nguyên nhân gây ra thiểu niệu ở người suy thận cấp
Ngoài những nguyên nhân sinh lý như uống ít nước, ra mồ hôi nhiều, các bệnh lý đặc biệt là viêm thận cấp là yếu tố lớn nhất gây ra thiểu niệu. Một số nguyên nhân tại thận có thể kể đến như là:
- Bệnh viêm cầu thận cấp: Viêm cầu thận cấp có thể gây ra thiểu niệu thậm chí gây ra vô niệu. Biểu hiện của bệnh lý này là sốt, mệt mỏi, tiểu ra máu, phù, tăng huyết áp, đau đầu, buồn nôn.
- Viêm cầu thận mạn cũng có thể là nguyên nhân gây thiểu niệu
- Hoại tử ống thận cấp: Thiểu niệu là dấu hiệu sớm của tình trạng này. Ngộ độc cấp tính hay sốc có thể là nguyên nhân gây bệnh
- Viêm mô kẽ thận: Có hai nguyên nhân chính gây viêm mô kẽ thận là bị nhiễm trùng hoặc ảnh hưởng của một số loại thuốc kháng sinh, kháng viêm.
- Bệnh mạch thận: Tắc động mạch hoặc tĩnh mạch thận 2 bên gây ra các triệu chứng đau vùng hông lưng, sốt,.. cũng có thể là nguyên nhân gây thiểu niệu.
3. Chẩn đoán thiểu niệu ở người suy thận cấp
- Để chẩn đoán thiểu niệu ở người suy thận cấp bác sĩ sẽ kết hợp kết quả khám lâm sàng và nghiên cứu thói quen sinh hoạt của bệnh nhân như: Thời gian bắt đầu thiểu niệu, lượng nước nạp vào cơ thể, các cơn đau (nếu có). Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được chi định xét nghiệm nước tiểu nhằm phân tích thành phần nước tiểu, màu sắc, pH, tình trạng viêm nhiễm đường tiểu,..
- Ngoài các biện pháp trên, siêu âm bụng hoặc chụp CT scans cũng có thể được bác sĩ chỉ định khi chẩn đoán thiểu niệu ở bệnh nhân suy thận cấp. Các xét nghiệm này giúp tìm ra nguyên nhân gây thiểu niệu, suy thận cấp một cách chính xác hơn.
- Bên cạnh đó trong khi được chẩn đoán thiểu niệu bệnh nhân cũng nên thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử các bệnh lý về thận nếu có.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.