Sử dụng Acetaminophen an toàn khi hạ sốt cho trẻ em

Nhiều phụ huynh có thói quen đến cửa hàng mua acetaminophen lỏng ở dạng giọt cô đặc để giảm sốt cho trẻ từ 6 tháng đến 7 tuổi. Họ cho rằng với cùng loại thuốc này, có thể sử dụng ống nhỏ giọt cho trẻ sơ sinh và một thìa cà phê cho trẻ lớn, nhưng đây là một sai lầm nguy hiểm. Vậy sử dụng Acetaminophen hạ sốt cho trẻ như thế nào để đảm bảo an toàn?

1. Nguy cơ quá liều acetaminophen

Theo nhân viên y tế của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), giảm sốt cho trẻ bằng acetaminophen lỏng đậm đặc với liều lượng tương đương một thìa cà phê có thể gây quá liều, dẫn đến tử vong. Cơ quan này cho biết thêm, bạn không thể cho một đứa trẻ lớn dùng thuốc dành cho trẻ sơ sinh và tự ý tăng liều lượng. Dùng sai liều lượng là một trong những vấn đề lớn nhất khi giảm sốt cho trẻ bằng acetaminophen. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn về liều lượng một phần là do có nhiều công thức, nồng độ và hướng dẫn sử dụng acetaminophen khác nhau cho trẻ em tùy từng độ tuổi.

Ví dụ, Tylenol là tên thương hiệu của thuốc hạ sốt và giảm đau, chỉ có một thành phần hoạt tính duy nhất là acetaminophen. Ngoài ra, hoạt chất này cũng được sử dụng kết hợp với các thành phần khác trong cùng một sản phẩm để điều trị nhiều triệu chứng, chẳng hạn như thuốc hocảm lạnh. Thống kê cho thấy acetaminophen có thể xuất hiện trong hơn 600 loại thuốc mua tự do (OTC hoặc không kê đơn) và thuốc theo toa.

Theo chuyên gia y tế, thuốc acetaminophen thường an toàn và hiệu quả nếu bạn làm theo đúng hướng dẫn trên bao bì. Nhưng nếu bạn cho trẻ dùng nhiều hơn một chút so với chỉ dẫn hoặc vô tình cho trẻ dùng nhiều loại thuốc đều có chứa acetaminophen, có thể gây buồn nôn và ói mửa. Trong một số trường hợp, quá liều acetaminophen có thể gây suy gan và tử vong ở cả người lớn và trẻ em. Trên thực tế, ngộ độc acetaminophen là nguyên nhân hàng đầu gây suy gan ở Hoa Kỳ.

XEM THÊM: Các loại hàm lượng paracetamol, liều dùng và đối tượng sử dụng


Quá liều acetaminophen có thể khiến trẻ nôn trớ và ói mửa
Quá liều acetaminophen có thể khiến trẻ nôn trớ và ói mửa

2. Ý kiến của các chuyên gia

Từ ngày 17-18 tháng 5 năm 2011, ban cố vấn của FDA đã nhóm họp để thảo luận về cách giảm thiểu sai sót khi dùng thuốc, cũng như giúp thuốc không kê đơn của trẻ em có chứa acetaminophen an toàn hơn khi sử dụng. Các chuyên gia đề nghị:

  • Acetaminophen dạng lỏng, dạng viên nhai và dạng viên nén chỉ nên có một nồng độ duy nhất. Hiện tại, có đến 7 nồng độ acetaminophen khác nhau dưới các hình thức này.
  • Soạn hướng dẫn dùng thuốc giảm sốt cho trẻ dưới 6 tháng. Hiện tại, hướng dẫn chỉ áp dụng cho trẻ em từ 2 đến 12 tuổi; đối với những trẻ dưới 2 tuổi, hướng dẫn chỉ nêu “tham khảo ý kiến ​​bác sĩ”.
  • Hướng dẫn dùng thuốc còn phải dựa trên cân nặng, không chỉ dựa trên độ tuổi.
  • Đặt ra tiêu chuẩn cho các thiết bị định lượng thuốc dành cho trẻ em, chẳng hạn như thìa và cốc có chia vạch. Hiện tại, một số sản phẩm sử dụng mililit (mL), trong khi số khác sử dụng cm khối (cc) hoặc muỗng cà phê (tsp).

FDA đang xem xét những khuyến nghị này. Khi được thông qua, cơ quan sẽ làm việc với các nhà sản xuất để đưa khuyến nghị vào thực tế. Quá trình hoàn thiện quy định có thể mất vài năm, vì vậy, nếu nhà sản xuất dược phẩm tự nguyện hành động sẽ giúp việc sử dụng acetaminophen an toàn sớm hơn.

Các nhà sản xuất thuốc đã đồng ý loại bỏ dần các loại thuốc nhỏ cho trẻ sơ sinh đậm đặc để giảm bớt sự nhầm lẫn (khi các bậc cha mẹ sử dụng loại đậm đặc của trẻ nhỏ và tự ý tăng liều lượng cho trẻ lớn). Vào ngày 4 tháng 5 năm 2011, Hiệp hội Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Người tiêu dùng - đại diện cho các nhà sản xuất thuốc giảm sốt cho trẻ OTC đã công bố kế hoạch chuyển đổi các sản phẩm acetaminophen dạng lỏng đậm đặc dành cho trẻ em thành loại vừa đủ (160 mg / 5 mL). Ngoài ra, ngành dược cũng đang tự nguyện tiêu chuẩn hóa đơn vị đo lường “mL” trên các thiết bị định lượng cho những sản phẩm này.

3. FDA có hành động thay đổi nhãn kê đơn

Theo quy định của FDA năm 2009, các nhà sản xuất phải đặt từ “acetaminophen” trên mặt trước của bao bì của tất cả các sản phẩm OTC có chứa thành phần này, cũng như trên nhãn “Thông tin Thuốc” có trong bao bì và hộp đựng. Tuy nhiên, thuốc kê đơn không có nhãn Thông tin thuốc. Thay vào đó, hiệu thuốc được in bằng máy tính dựa trên đơn thuốc của bác sĩ và đưa cho người tiêu dùng. Các hiệu thuốc giảm sốt cho trẻ thường sử dụng từ viết tắt “APAP” (N-acetyl-p-aminophenol) hoặc một phiên bản rút gọn của acetaminophen để biểu thị cho thành phần này. Nếu không biết những chữ viết tắt này, các bậc phụ huynh có thể không nhận ra rằng thuốc kê đơn đã có chứa acetaminophen, từ đó vô tình cho trẻ dùng quá liều acetaminophen khi vừa uống thuốc theo toa và thuốc không kê đơn cùng lúc.

FDA đang khuyến khích cộng đồng chăm sóc sức khỏe chung tay ngăn ngừa tác hại từ thuốc bằng cách thống nhất cách viết hoàn chỉnh của acetaminophen trên các hộp đựng thuốc theo toa.

XEM THÊM: Thuốc Hydrocodone-acetaminophen: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng


Để an toàn khi sử dụng thuốc cho trẻ, cha mẹ nên tuân thủ liều lượng trong đơn thuốc
Để an toàn khi sử dụng thuốc cho trẻ, cha mẹ nên tuân thủ liều lượng trong đơn thuốc

4. Mẹo an toàn khi cho trẻ uống Acetaminophen

Liều lượng không đúng là một trong những vấn đề lớn nhất khi giảm sốt cho trẻ bằng acetaminophen. Theo đó, bạn có thể tham khảo một số mẹo sau đây để đảm bảo an toàn cho trẻ khi uống Acetaminophen.

  • Không bao giờ cho con bạn uống nhiều loại thuốc có chứa acetaminophen cùng một lúc. Để tìm hiểu xem một loại thuốc OTC có chứa acetaminophen hay không, hãy tìm từ “acetaminophen” trên nhãn Thông tin về Thuốc trong phần “Thành phần Hoạt tính”. Đối với thuốc giảm đau theo toa, hãy hỏi dược sĩ xem thuốc có chứa acetaminophen hay không?
  • Chọn loại thuốc không kê đơn phù hợp với cân nặng và tuổi của con bạn. Phần "Chỉ dẫn" trên nhãn Thông tin về Thuốc sẽ cho bạn biết loại thuốc này có phù hợp với con bạn hay không và cần dùng với liều lượng nào. Nếu liều dùng dựa trên cân nặng hoặc độ tuổi của trẻ không được liệt kê trên nhãn; hoặc bạn không rõ liều lượng cần sử dụng, hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ.
  • Không bao giờ dùng thuốc giảm sốt cho trẻ có chứa acetaminophen nhiều hơn chỉ dẫn. Nếu thuốc không có hiệu quả giảm bớt hay giúp trẻ khỏi bệnh, hãy nói chuyện với bác sĩ, y tá hoặc dược sĩ điều trị.
  • Nếu thuốc ở dạng lỏng, hãy sử dụng dụng cụ đo lường đi kèm với sản phẩm, không dùng thìa thông thường trong nhà bếp.
  • Ghi chép hàng ngày về các loại thuốc bạn cho con uống. Chia sẻ thông tin này với tất cả những người chăm sóc con bạn.
  • Nếu trẻ vô tình nuốt quá nhiều acetaminophen, hãy tìm trợ giúp y tế ngay lập tức, ngay cả khi trẻ không cảm thấy khó chịu.

Acetaminophen (hay còn có tên gọi phổ biến là paracetamol). Đây là thuốc giảm đau hạ sốt khá thông dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ sử dụng, các bậc cha mẹ cần tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không được tự ý tăng liều hoặc sử dụng sai so với khuyến cáo. Nếu trong trường hợp trẻ có dấu hiệu bất thường cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: fda.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe