Sức mạnh ý chí và nghị lực luôn là một điều bí ẩn mà con người muốn khám phá trong cuộc sống. Ý chí của con người có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm cả não bộ và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
1. Sức mạnh ý chí là gì và nó hoạt động như thế nào trong não bộ?
Về bản chất, ý chí là khả năng tinh thần chống lại những cám dỗ hoặc thói quen xấu để giúp bạn có thể đạt được các mục tiêu dài hạn. Theo các chuyên gia cho biết, sức mạnh ý chí là phản ứng đến từ cả não bộ và cơ thể.
Thông thường, vỏ não trước (phần não nằm ngay phía sau trán) là phần giúp chúng ta thực hiện những việc như đưa ra quyết định, điều chỉnh hành vi. Ý chí và nghị lực của con người sẽ do phần não bộ này kiểm soát.
Vì vậy, để có ý chí và đưa ra quyết định đúng đắn cho một sự việc nào đó, vỏ não trước của chúng ta cần được chăm sóc cẩn thận. Để làm được điều này, bạn nên cung cấp cho cơ thể những nguồn dinh dưỡng tốt và ngủ đủ giấc để não bộ có đủ năng lượng thực hiện nhiệm vụ của mình, khi đó ý chí của bạn mới được thông suốt.
Trong nhiều thế kỷ qua, sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống luôn mang một thông điệp tinh thần vô cùng to lớn. Ý chí thường được liên kết với các kỹ năng thực tế, mang tính trung lập và giúp con người tự chủ về bản thân. Do đó, đôi khi ý chí còn được hiểu với những nghĩa khác như sự quyết tâm, tự giác hoặc tự chủ.
Tuy nhiên, đối với các nhà tâm lý học lại mô tả sức mạnh ý chí và nghị lực theo những cách cụ thể hơn:
- Khả năng kìm hãm sự hài lòng, chống lại những cám dỗ ngắn hạn để đạt được các mục tiêu dài hạn.
- Khả năng ghì đè một suy nghĩ, cảm xúc hoặc những xung động không mong muốn của bản thân.
- Khả năng kiểm soát hành vi nhận thức theo chiều hướng tích cực hơn thay vì có những cảm xúc tiêu cực như nóng giận hoặc đưa ra kết luận vội vàng.
- Có ý thức nỗ lực điều chỉnh bản thân theo những thói quen tốt.
2. Sức mạnh ý chí và nghị lực của con người liệu có bị cạn kiệt?
Nhìn chung, có 2 lý thuyết chính trong nghiên cứu về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống, bao gồm:
2.1. Lý thuyết hữu hạn về ý chí con người
Các nhà nghiên cứu cho rằng ý chí của bạn sẽ cạn kiệt một khi cơ thể “đình công”. Ý chí dường như là hữu hạn và có thể cạn kiệt khi con người sử dụng nó.
Chẳng hạn, sau một ngày làm việc với quá nhiều thứ cần đến sự quyết tâm của bạn, đến một lúc nào đó bản thân bạn sẽ không thể cưỡng lại bất kỳ sự cám dỗ nào nữa bởi đã sử dụng hết sức mạnh ý chí của mình.
2.2. Lý thuyết vô hạn về ý chí con người
Lý thuyết vô hạn cho rằng sức mạnh ý chí và nghị lực của con người giống như một cơ bắp. Khi bạn càng rèn luyện nó, ý chí của bạn càng tăng. Việc chống lại những cám dỗ thành công nhiều lần có thể giúp củng cố thêm cho ý chí và nghị lực của bạn.
Nhưng trong những năm qua, một số nghiên cứu đã thay đổi cách hiểu về cách thức hoạt động của sức mạnh ý chí con người trong cuộc sống. Trên thực tế, nhiều bằng chứng cho thấy rằng niềm tin của bạn về sức mạnh ý chí sẽ ảnh hưởng đến kết quả hành động của mình.
Nếu bạn tin rằng ý chí và nghị lực của con người là hạn chế, điều này có thể khiến bạn khó đạt được mục tiêu dài hạn của mình. Tuy nhiên, nếu bản thân bạn tin rằng ý chí được xây dựng như cách chúng ta rèn luyện cơ bắp thì khả năng phấn đấu đạt được mục tiêu của bạn sẽ cao hơn rất nhiều sau một ngày đầy thử thách. Điều này có nghĩa là bản thân sức mạnh ý chí đôi khi không quan trọng bằng chính niềm tin cá nhân của bạn về nó.
3. Niềm tin ý chí có liên quan đến sức khỏe tinh thần như thế nào?
Thực sự không có gì đáng ngạc nhiên khi cho rằng sức mạnh ý chí có liên quan mật thiết đến sức khỏe tinh thần của con người. Một nghiên cứu đã xem xét niềm tin và ý chí của những người mắc bệnh tiểu đường đã cho thấy những bệnh nhân có ý chí kém thường cảm thấy họ khó kiểm soát sức khoẻ của mình hơn và có nguy cơ cao mắc các biến chứng.
Trong một nghiên cứu khác, những người có niềm tin ý chí hạn chế đã tiêu thụ nhiều thực phẩm kém lành mạnh, gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát sự căng thẳng và thậm chí trì hoãn nhiều hơn đối với các quyết định của bản thân.
4. Làm thế nào để tăng cường sức mạnh ý chí và nghị lực?
Bạn có thể áp dụng một số chiến lược dưới đây để giúp tăng cường sức mạnh ý chí và nghị lực của mình trong cuộc sống:
4.1. Tăng khả năng chịu áp lực bằng cách quản lý căng thẳng
Trước khi bắt đầu tăng mức độ chịu đựng áp lực, chúng ta cần học cách kiểm soát sự căng thẳng của mình. Khi căng thẳng cao độ, cơ thể phải sử dụng hết năng lượng để giúp bạn hành động theo bản năng và đưa ra quyết định dựa trên kết quả ngắn hạn. Vỏ não trước của bạn cũng dần mất đi nguồn năng lượng khi bị tác động bởi sự căng thẳng quá mức.
Theo các chuyên gia, khi chúng ta cảm thấy quá tải hoặc bị cám dỗ trước một điều gì đó, bạn nên dừng lại và hít thở sâu một vài lần. Đây có thể là một khởi đầu tuyệt vời giúp bạn kiểm soát mức độ căng thẳng, đồng thời cải thiện ý chí và nghị lực của bản thân.
4.2. Tin tưởng vào chính mình
Đôi khi, việc tự khẳng định và tin vào bản thân có thể giúp bạn kiểm soát ý chí của mình tốt hơn khi sắp cạn kiệt sức lực. Chẳng hạn, khi bạn tự nói với bản thân rằng “Tôi không thể làm được”, chính suy nghĩ này đã khiến bạn nhụt chí và có thể sa đà vào những thói quen xấu.
Mỗi khi bạn nói với chính mình rằng “Tôi không thể”, bạn đã vô tình tạo ra một vòng phản hồi để nhắc nhở về những hạn chế của bản thân. Do đó, hãy kiên định và tự nhủ rằng mình hoàn toàn có thể từ chối những cám dỗ không lành mạnh và chấp nhận những thách thức thay đổi mới tích cực hơn.
4.3. Ngủ đủ giấc giúp tăng cường năng lượng cho não bộ
Thực tế, ngủ đủ giấc có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với mức độ hoạt động hiệu quả của phần vỏ não trước trán – nơi kiểm soát ý chí và nghị lực của con người.
Tình trạng thiếu ngủ (ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm) là một loại căng thẳng mãn tính, có thể làm suy yếu cơ thể và não bộ sử dụng năng lượng. Vỏ não trước trán đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề và dẫn đến mất kiểm soát đối với các vùng não tạo ra cảm giác thèm ăn và phản ứng với sự căng thẳng.
Vì vậy, việc ngủ đủ giấc và chú trọng cải thiện giấc ngủ có thể giúp tăng cường năng lượng cho toàn bộ não bộ. Tốt nhất, bạn nên cố gắng ngủ từ 6,5 – 7,5 giờ mỗi đêm để đảm bảo cho cả sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất.
4.4. Thiền định
Thiền định đã được chứng minh là phương pháp có thể giúp tăng mức dự trữ của ý chí mà chúng ta có sẵn, đồng thời cải thiện sự tập trung, chú ý, quản lý căng thẳng và sự tự nhận thức.
Bạn không nhất thiết phải tập thiền định cả đời, vì theo một số nghiên cứu cho thấy, chỉ sau khoảng 8 tuần tập thiền ngắn hàng ngày, phần não bộ kiểm soát sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống đã được cải thiện rõ rệt.
4.5. Tập thể dục và xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Một cách tuyệt vời khác để rèn luyện ý chí, giúp bạn kiên cường hơn rất nhiều khi đối phó với sự căng thẳng đó là tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục bao gồm cả những bài tập thư giãn trí óc như yoga và tập luyện thể chất cường độ cao đều có thể mang lại những lợi ích tuyệt vời cho quá trình rèn luyện để tăng cường ý chí của bạn.
Ngoài ra, những gì mà bạn nạp vào cơ thể cũng ảnh hưởng đáng kể đến mức năng lượng hoạt động của vỏ não trước trán kiểm soát ý chí. Đây là lý do vì sao chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Khi áp dụng chế độ ăn ít thực phẩm chế biến có thể giúp não bộ có nhiều năng lượng hơn, đồng thời cải thiện được mọi khía cạnh của sức mạnh ý chí.
Tập thể dục kết hợp với chế độ dinh dưỡng tốt không những giúp tăng cường ý chí và nghị lực của bạn mà còn mang đến tâm trạng tích cực hơn. Đặc biệt, tập thể dục được biết đến là một cách hiệu quả giúp chúng ta vui vẻ hơn thông qua sự giải phóng endorphin. Những endorphin này có xu hướng giúp giảm thiểu sự khó chịu khi bạn tập thể dục, ngăn chặn cảm giác đau và thậm chí tăng cảm giác hưng phấn cho cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd, healthline