Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh tai biến mạch máu não, ngày nay rất phổ biến không những xảy ra ở người lớn tuổi mà còn xảy ra ở người trẻ. Bệnh có thể để lại di chứng rất nặng nề làm ảnh hưởng đến cuộc sống, làm cho họ không thể trở lại với công việc trước đó của mình, họ có thể không nói được, không hiểu được, tay không cử động, chân không đi được...
1. Các di chứng của tai biến mạch máu não
Bị tai biến đôi khi có thể gây ra khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào thời gian não thiếu máu và phần nào bị ảnh hưởng. Các di chứng có thể bao gồm:
- Liệt hoặc mất vận động cơ bắp hay liệt nửa người. Bạn có thể bị tê liệt ở một bên cơ thể, hoặc mất kiểm soát một số cơ nhất định, chẳng hạn như ở một bên mặt hoặc một cánh tay. Vật lý trị liệu có thể giúp bạn trở lại các hoạt động bị ảnh hưởng bởi tê liệt, chẳng hạn như đi bộ, ăn uống và mặc quần áo.
- Khó nói hoặc nuốt. Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát các cơ trong miệng và cổ họng của bạn, khiến bạn khó nói chuyện rõ ràng (chứng khó đọc), nuốt (chứng khó nuốt) hoặc ăn. Bạn cũng có thể gặp khó khăn với ngôn ngữ (aphasia), bao gồm nói hoặc hiểu lời nói, đọc hoặc viết. Trị liệu với một nhà nghiên cứu bệnh học ngôn ngữ có thể giúp đỡ.
- Mất trí nhớ hoặc suy nghĩ khó khăn. Nhiều người bị đột quỵ trải qua một số mất trí nhớ. Những người khác có thể gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, đưa ra phán xét, lý luận và hiểu các khái niệm.
- Vấn đề về cảm xúc. Những người bị đột quỵ có thể gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát cảm xúc, hoặc họ có thể bị trầm cảm.
- Đau đớn. Đau, tê hoặc cảm giác lạ khác có thể xảy ra ở các bộ phận của cơ thể bị ảnh hưởng bởi đột quỵ. Ví dụ, nếu đột quỵ khiến bạn mất cảm giác ở cánh tay trái, bạn có thể gặp phải cảm giác ngứa ran khó chịu ở cánh tay đó.
Có thể nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, đặc biệt là cực lạnh, sau đột quỵ. Di chứng này được gọi là đau đột quỵ trung tâm hoặc hội chứng đau trung tâm. Tình trạng này thường xuất hiện vài tuần sau đột quỵ, và nó có thể cải thiện theo thời gian. Nhưng bởi vì cơn đau được gây ra bởi một vấn đề trong não của bạn, chứ không phải là một chấn thương thực thể, có rất ít phương pháp điều trị. - Thay đổi hành vi và khả năng tự chăm sóc. Những người đã bị đột quỵ có thể trở nên thu mình hơn và ít giao tiếp hơn hoặc bốc đồng hơn. Họ có thể cần giúp đỡ với việc chải chuốt và công việc hàng ngày.
- Liệt nửa người nên không cử động được hoặc cử động hạn chế, từ đó dễ đưa đến nhiều biến chứng như: Loét do nằm lâu, viêm phổi, trật khớp vai, teo cơ, loãng xương do không vận động, co rút cơ dẫn đến cứng khớp, thường gặp ở khớp khuỷu, gối, cổ tay, cổ chân, các ngón tay, tình trạng gối duỗi quá, mất hoặc giảm cảm giác, tình trạng liệt mặt kéo dài ảnh hưởng chức năng ăn và uống, rối loạn ngôn ngữ...
2. Sống chung các di chứng của tai biến mạch máu não
Để phòng tránh các di chứng như đã nói phần trên, gia đình thân nhân người bệnh cần có giải pháp phòng tránh:
- Tạo cho người bệnh với buồng bệnh phải đủ rộng, thoáng mát, đủ ánh sáng, tránh đặt người bệnh bên liệt hướng vào vách tường, vật dụng đặt về một phía bên liệt;
- Chống loét. Xoay trở người bệnh ít nhất mỗi 2 giờ một lần, có thể dùng vòng chống loét, nếu người bệnh bị hôn mê;
- Chống ứ đọng đờm dãi. Đặt người bệnh nằm đầu cao, nghiêng về một bên, hút đàm rãi thường xuyên, vỗ lưng - vai cho người bệnh;
- Mang đai nâng đỡ cánh - cẳng - bàn tay khi cho bệnh nhân ngồi, đứng, đi;
- Tập vận động phần chi liệt và chi không liệt; kiểm tra thường xuyên vùng khớp cổ chân, gối, khuỷu, bàn tay và các ngón tay để đề phòng cứng khớp; khi cho bệnh nhân đứng cần chú ý tới vùng khớp gối, cố gắng giữ cho đầu gối thẳng và song song với chân lành; dùng các kích thích da người bệnh như: Vuốt, vỗ nhẹ... tập vận động vùng mặt, massage và giữ mặt ấm; tập cho người bệnh phát âm như: a, o, e..., tập nói. Ngoài tập thường xuyên cho người bệnh, việc đặt đúng tư thế người bệnh cũng vô cùng quan trọng.
Cụ thể như sau: Đặt tư thế đúng:
- Nằm ngửa:
- Tay: Vai hơi dang (90 0 xoay trong hoặc xoay ngoài), khuỷu hơi gập, cẳng tay quay sấp, cổ tay hơi duỗi (20 độ), các ngón tay ở tư thế chức năng (các ngón hơi gập, ngón cái đối).
- Chân: hông hơi dang, gối hơi gập (5 -10 độ), bàn chân ở tư thế trung tính (90 độ).
- Nằm nghiêng:
- Nghiêng bên liệt: Thân mình hơi ngữa ra sau, vai bên liệt được kéo ra phía trước, khuỷu duỗi, cẳng tay quay ngữa, tạo 1 góc khoảng 90o so với thân mình, chân liệt đặt thẳng. Tay mạnh đặt trên bụng, chân mạnh có gối đỡ ở tư thế hông gập, gối gập.
- Nghiêng bên mạnh: Thân mình nghiêng hơi sấp có gối đỡ ở lưng. Tay liệt gập vai, khuỷu gập đặt trên gối, chân liệt đặt trên gối với hông và gối gập. Chân mạnh duỗi hông, gập gối.
- Ngồi: Hai vai ngang nhau, lưng thẳng. Hai bàn chân đặt vuông góc với sàn nhà.
- Đứng: hai vai ngang nhau, lưng thẳng. Hai chân song song nhau, hai đầu gối thẳng không duỗi quá.
- Đi: Chân phải gập hông, gập gối.
- Đối với bàn tay: tập cầm nắm đồ vật từ vật lớn đến vật nhỏ, tập viết...
Khi người bệnh khá hơn cần khuyến khích người bệnh tự làm vệ sinh cá nhân như tự xúc cơm ăn, chải đầu, đánh răng, mặc quần áo... Khi người bệnh đi được khuyến khích người bệnh về nhà tiếp tục tập luyện đồng thời động viên người nhà chăm lo cho người bệnh để họ không mặc cảm vì bệnh tật của mình.Bệnh nhân tai biến mạch máu não sau khi xuất viện cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Bên cạnh việc dùng thuốc, tập luyện thì chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục và giảm bớt sự tiến triển của bệnh.
- Thức ăn phải cân đối và đáp ứng đủ các chất cần thiết như chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu hũ...), chất bột đường (gạo, mì, bánh mì...), chất béo (dầu, mỡ) vitamin và chất xơ (rau củ quả và trái cây).
- Thức ăn cần được chế biến phù hợp với khả năng nhai của người bệnh. Có thể cắt nhỏ, băm nhuyễn, ninh nhừ để người bệnh dễ ăn và dễ hấp thụ. Nên chia đều 3 - 4 bữa/ngày. Năng lượng trong khẩu phần nên giảm bớt, không nên cho người bệnh ăn quá no để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn, nhất là người bệnh nằm tại giường hoặc đi lại hạn chế, nhu cầu năng lượng sẽ thấp hơn so với người bình thường.
- Khẩu phần ăn nên giảm muối và nước, do bệnh nhân không bài tiết được nhiều muối và nước vì bị tụ máu ở tĩnh mạch gây phù, chức năng thận kém. Tránh dùng gia vị cay, nóng, rượu, chè, cà phê... và các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như dưa, cà, hành muối, bánh mỳ, thịt hun khói, batê, xúc xích...
- Đối với người bệnh không thể tự ăn được do liệt cơ hầu họng phải nuôi ăn qua ống xông (sonde), chế độ ăn uống phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
- Đối với bệnh nhân có tình trạng bệnh lý phức tạp như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Phục hồi di chứng tai biến mạch máu não theo y học cổ truyền.
- Châm cứu: Thực hiện theo các công thức huyệt: Các huyệt ở tay, chân, đầu mặt cổ.
- Điện châm: Bác sĩ đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng. Mỗi ngày điện châm một lần, thời gian lưu kim: 25 - 30 phút. Liệu trình điều trị từ 30 - 45 lần châm, tuỳ theo mức độ bệnh, sau đó có thể nhắc lại một số liệu trình tiếp theo.
- Thủy châm: Thường dùng các huyệt như Giáp tích tương ứng với chi liệt, Kiên ngung, Thủ tam lý, Phong thị, Túc tam lý, Thừa sơn, Dương lăng tuyền, Giải khê.
- Xoa bóp bấm huyệt và tập luyện: Biện pháp không thể thiếu khi chữa di chứng trúng phong, đặc biệt đối với tình trạng bán thân bất toại trong giai đoạn phục hồi di chứng. Người bệnh cần được xoa bóp vùng đầu mặt, lưng và tay chân, trọng tâm là bên liệt. Tập luyện là một nội dung rất quan trọng trong phục hồi chức năng. Tiến hành cho bệnh nhân tập sớm từ thụ động đến chủ động tùy theo tình trạng của mỗi người bệnh.
Để phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não tái phát, người bệnh cần tuân thủ điều trị, theo dõi sức khỏe định kỳ, kiểm soát yếu tố nguy cơ, có chế độ sinh hoạt, làm việc và tập luyện đều đặn. Bên cạnh đó còn cần phòng tránh các yếu tố bất lợi như để cơ thể bị lạnh, làm việc gắng sức, stress...
Tóm lại, để đem lại kết quả tốt cho người bệnh phải có sự kết hợp chặt chẽ của nhóm phục hồi, người nhà người bệnh cùng với sự hợp tác tốt của người bệnh ngay trong thời gian đầu khi người bệnh nhập viện cho đến khi người bệnh thích ứng với khả năng còn lại của mình.
Thạc sĩ. Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa đã có hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần kinh. Bác sĩ Hòa nguyên là Phó Trưởng Khoa Thần Kinh - Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Ngãi và từng tham gia nhiều khóa đào tạo liên tục về Động Kinh, Tai Biến mạch máu não, Alzheimer, Rối loạn vận động, Lão khoa. Bệnh lý Nội Tiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.