Sơn tra là một vị thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường được sử dụng trong các bài thuốc Y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị các triệu chứng của hệ tiêu hóa. Vậy thành đặc tính, thành phần hóa học và tác dụng của quả sơn tra đối với sức khỏe là gì?
1. Trái Sơn tra là gì?
Sơn tra hay còn có một số tên gọi khác như: Dã sơn tra, Xích qua tử, Bắc sơn tra, Nam sơn tra, Thử tra, Hầu lê, Mao tra, Phàm tử,... Có tên khoa học là Crataegus cuneara Sied, thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).
Cây Sơn tra có thân gỗ, sống lông năm, xung quanh thân và cành non được bao phủ bởi nhiều lông tơ mịn. Tùy từng vị trí địa lý khác nhau mà Sơn tra có sự phát triển về hình dạng, kích thước và một số thành phần hóa học khác nhau:
- Bắc Sơn tra: cây sống ở phía Bắc Trung Quốc, thân cao khoảng 6m, nhiều cành, cành có gai nhọn, lá có hình trứng, mọc so le, quả hình cầu kích thước 1-1,5cm, quả chín có màu đỏ.
- Nam Sơn tra (Dã Sơn tra): thân cây cao khoảng 15m, có nhiều gai nhỏ quanh thân, lá dài, rộng, hoa mọc thành tán. Quả hình cầu đường kính 1-1.2cm, khi chín có màu vàng và đỏ.
Người ta thường dùng quả Sơn tra để làm dược liệu chữa bệnh. Khi quả chín, Sơn tra được thu hái rửa sạch, phơi khô và thái lát mỏng đem đi phơi sấy, bảo quản để dùng dần.
Trước đây Sơn tra hoàn toàn nhập từ nước ngoài để làm dược liệu, tuy nhiên gần đây người ta đã chứng minh cây chua chát (Malus doumeri (Bois) Chev, hay Docynia doumeri (Bois) Schneid) và cây táo mèo (Docynia indica Mall) Dec) có tác dụng tương tự để thay thế.
2. Thành phần hóa học và tác dụng của quả Sơn tra
2.1. Tính vị, Thành phần hóa học
- Trong Sơn tra chứa hàm lượng lớn Vitamin C, ngoài ra nó cũng bao gồm nhiều hoạt chất khác như: Acid caffeic, Acid citric, Acid oleanolic, Acid crate golic, Cacbonhidrat, Acetylcholine, Protid, Choline, Calci, Ursolic, Phytosterin, Phốt pho, Sắt,...
- Trong y học cổ truyền vị thuốc Sơn tra có vị chua, ngọt, tính lạnh, không chứa độc; quy và kinh Tỳ, Vị, Can.
2.2. Tác dụng dược lý
Tác dụng của Sơn tra theo y học cổ truyền là điều hòa hệ thống tiêu hóa, điều trị mỡ máu, ứ kinh. Một số chủ trị cụ thể như sau:
- Hoạt huyết, tán ứ, tiêu thực, hóa thực tích.
- Các chứng ợ chua, hành khí kết.
- Lợi thủy, dùng tắm gội trị chàm, ghẻ, lở loét.
Tác dụng của Sơn tra theo y học hiện đại:
- Hỗ trợ hệ tuần hoàn: Giãn mạch, tăng cường lưu thông tuần hoàn, trợ tim mạch, hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim.
- Làm co cơ tử cung.
- Làm hạ cholesterol máu: tăng bài tiết cholesterol ra ngoài cơ thể, phòng ngừa xơ vữa động mạch.
- Kích thích ăn ngon miệng, tăng cường men tiêu hóa trong dạ dày, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.
- An thần, hỗ trợ giấc ngủ và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Ngoài ra, nó cũng có tác dụng diệt khuẩn rõ rệt đối với trực khuẩn lỵ và trực khuẩn mủ xanh.
3. Cách dùng và liều dùng của trái sơn tra là gì?
- Sơn tra có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để tạo thành bài thuốc theo mục đích sử dụng.
- Sắc thuốc với nước hoặc tán thành bột làm viên hoàn để uống. Liều thông thường ở dạng sắc: 3-10g/ ngày; ở dạng cao loãng: 20-30 giọt/ngày; ở dạng dùng ngoài: liều phụ thuốc từng tình trạng bệnh lý.
4. Các bài thuốc kinh nghiệm và cổ phương từ vị thuốc Sơn tra
Bài thuốc hỗ trợ tiêu hóa
- Sơn tra (10g), Hoàng liên (2g), Trần bì (5g), Chỉ thực (6g). Sắc tất cả nguyên liệu lấy nước uống 2-3 lần/ ngày.
- HOẶC: Tán bột Sơn tra, Mộc hương, Thanh bì với hàm lượng bằng nhau, hòa với nước uống 4g/ lần x 2 lần/ ngày.
Bài thuốc điều trị đau bụng, tiêu chảy, đi phân lỏng
- Sơn tra (10g) tán bột mịn rồi pha với nước sôi hoặc nấu thành siro cho trẻ em uống. Liều dùng: 5-10ml/ lần x 3 lần/ ngày.
Bài thuốc chữa ợ chua, ợ hơi, ợ nóng
- Sơn tra sống (20g) và Sơn tra sao vàng (20g), sắc nước uống trong ngày.
Bài thuốc điều trị kiết lỵ mới phát
- Sơn tra (30g) sắc với lượng nước vừa ngập, sau khi gần cạn nước cho thêm 30g đường mía, Tế trà sắc đến khi thu được hỗn hợp đặc quánh. Uống sau khi đun để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc điều trị bệnh ghẻ
- Nấu Sơn tra khô với nước, sau đó dùng để tắm hoặc rửa tại vị trí bị ghẻ lở, nên sử dụng thuốc tắm khi còn ấm để đạt hiệu quả, thận trọng bỏng da.
Bài thuốc chữa huyết áp thấp
- Sơn tra và Ty thế mỗi vị hàm lượng bằng nhau, phơi khô rồi tán mịn. Uống chung với nước sắc lá Ngải cứu hàng ngày.
Bài thuốc chữa đau bụng do ứ trệ sau sinh, kinh nguyệt không đều, máu cục
- Sơn tra (40g) sắc với nước vừa ngập, sau đó bỏ bã hòa với đường uống như khi đau bụng.
Bài thuốc điều trị nhức mỏi ở người cao tuổi
- Sơn tra, Lộc nhung (nướng) với hàm lượng bằng nhau, tán bột mịn. Hòa bột với mật ong tạo viên hoàn kích thước bằng hạt ngô. Uống 50 viên cùng rượu ấm 2 lần/ ngày.
Bài thuốc điều trị tăng Cholesterol máu
- Sơn tra và Mạch nha lượng bằng nhau, sắc cho cô đặc. Mỗi lần uống 30g x 2 lần/ ngày, dùng liên tục trong 14 ngày.
5. Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu Sơn tra
Không nên sử dụng Sơn tra cho các trường hợp sau:
- Bệnh nhân dị ứng hay quá mẫn cảm với các thành phần của quả Sơn tra.
- Bệnh nhân có tiền sử bệnh lý loét dạ dày - tá tràng nặng, xuất huyết dạ dày không nên sử dụng.
- Bệnh nhân tỳ vị hư yếu nặng, không có biểu hiện đầy trướng hay tích trệ.
Tóm lại, Sơn tra là một vị thuốc thường được sử dụng trong dân gian hay trong các bài thuốc y học cổ truyền để điều trị các bệnh lý tích trệ ở đừng tiêu hóa. Tuy nhiên, trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình trạng bệnh lý có phù hợp với bài thuốc không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.