Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Phương pháp tán sỏi qua da ít gây đau đớn, hiệu quả cao, ít biến chứng cũng như ít tổn thương thận. Tuy nhiên, sau khi tán sỏi bạn vẫn nên duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý để tránh tái phát sỏi thận sau này.
1. Sỏi thận và phương pháp tán sỏi thận qua da
1.1 Sỏi thận là gì?
Sỏi thận có kích thước nhỏ hoặc lớn đến vài centimet. Nếu sỏi thận nhỏ, có thể tự đẩy ra ngoài theo đường tiểu và người bệnh không cần lo lắng.
Nhưng trong trường hợp viên sỏi lớn, có thể lấp đầy bể thận và các ống mang nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Hoặc với kích thước lớn, chúng di chuyển cọ xát vào đường niệu có thể gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu.
Bệnh sỏi thận có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, tồn đọng nước tiểu, gây viêm nhiễm, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa đường tiểu. Đồng thời, làm giảm chức năng co bóp đường tiểu gây nên các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản gây ra suy thận. Đây là biến chứng nguy hiểm sau khi bị sỏi thận mà người bệnh không được coi thường.
1.2 Biểu hiện của người mắc bệnh
- Vùng bụng đau tại điểm giữa mạn sườn với vùng hông hoặc đau tại điểm hông, đau tại điểm giữa lưng.
- Đau nhiều kèm cảm giác thấy buồn nôn, có thể bị nôn.
- Đi tiểu buốt, trong nước tiểu thấy có mùi hơi hôi hoặc nước tiểu có máu
- Đường niệu tắc nghẽn: cảm giác có những lúc đi tiểu khó khăn, có thể tắc nghẽn hoàn toàn.
- Tiểu tiện thấy ra mủ, ra máu: khi đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn, hơn thế lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ xuất hiện tiểu tiện ra mù hoặc ra máu, và đặc biệt có thể đi ra lẫn cả sỏi.
- Sốt cao: tình trạng sốt cao kèm theo rét run, đau vùng hông, vùng lưng, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu mủ là những biểu hiện của người có sỏi và đang ở mức độ viêm thận cấp.
2. Phương pháp tán sỏi thận qua da
Nội soi tán sỏi qua da là một phương pháp nội soi để điều trị sỏi thận và cả sỏi niệu quản. Sau khi nhân được gây mê toàn thân, bác sĩ phẫu thuật dùng một kim chọc qua da vùng lưng vào trong thận.
Đường hầm của kim chọc dò sẽ được nong rộng bằng các dụng cụ nong để đạt được kích thước như thân một chiếc bút, qua đó cho phép đưa vào máy nội soi tán sỏi. Sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn và đồng thời được hút ra.
Sau đó, cũng qua đường hầm, đặt một ống thông thận giúp việc chụp kiểm tra sau mổ - ống thông này sẽ được rút ra sau 24 – 48 giờ. Trong một số trường hợp, có thể cần bổ sung tán sỏi ngoài cơ thể để xử lý nốt các mảnh sỏi còn sót lại.
2.1. Những trường hợp được chỉ định thực hiện tán sỏi thận qua da
Tiêu chí giúp bác sỹ quyết định nội soi thận qua da là dựa vào chẩn đoán hình ảnh. Phim chụp UIV là lựa chọn đầu tiên, hình ảnh trên phim sẽ cho phép bác sỹ nhận biết được chính xác về kích thước, hình dáng, vị trí sỏi và đặc biệt là hình thể giải phẫu của đài bể thận và nhu mô thận. Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chụp cắt lớp hoặc siêu âm trong khi mổ. Phương pháp nội soi tán sỏi qua da được áp dụng cụ thể:
- Những sỏi lớn hơn 2cm, bao gồm cả các sỏi san hô phức tạp
- Trường hợp đã dùng tán sỏi ngoài cơ thể thất bại.
Phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da không áp dụng được với các trường hợp bệnh nhân có rối loạn đông máu, hoặc có những bất thường về mạch máu trong thận, có nguy cơ chảy máu nặng. Kể cả với các trường hợp cao huyết áp, việc chống chỉ định cũng chỉ là tạm thời.
2.2. Tán sỏi qua da hiệu quả cao, ít đau, ít biến chứng
Ngày nay, y học đã phát triển cùng nhiều phương pháp khác nhau điều trị sỏi thận tiên tiến và hiện đại hơn, một trong số đó là tán sỏi thận qua da. Hoạt động dựa trên nguyên lý áp dụng sóng nhiễu chấn động bên ngoài của cơ thể, qua da chiếu vào nội thận, xác định và tập trung tới viên sỏi, dùng áp lực tương đối lớn để phá vỡ viên sỏi, những mảnh vỡ sẽ theo đường tiểu tiện ra ngoài.
Ưu điểm của nội soi tán sỏi qua da:
- Phẫu thuật nhẹ nhàng, hạn chế nhất cảm giác đau đớn, thời gian tiến hành điều trị ngắn (trong 1 giờ), thời gian nằm viện ngắn (khoảng 3 – 4 ngày), hồi phục nhanh cho sức khỏe và nhanh trở lại làm việc nhanh (7 – 10 ngày)
- Tránh được sẹo mổ cho bệnh nhân, đồng nghĩa với việc tránh được những rủi ro biến chứng nếu phẫu thuật với vết mổ rộng để vào thận lấy sỏi.
- Khắc phục hoàn toàn tình trạng sỏi còn sót. Đây là một ưu điểm rất đặc biệt trong nội soi tán sỏi qua da nhờ khả năng cho phép kiểm tra toàn bộ cá đài bể thận và niệu quản. Mà với mổ thông thường và tán sỏi qua da không phải lúc nào cũng khống chế được tình trạng sót sỏi.
- Giảm tối đa tình trạng nhiễm trùng sau mổ so với phương pháp mổ thường.
- Ít tổn thương đến thận (tỷ lệ ảnh hưởng tán sỏi nội soi qua da đến chức năng hoạt động của thận thấp hơn 1%, thế những phương pháp phẫu thuật lấy sỏi tạo một vết rạch lớn trên mô thận, có thể ảnh hưởng lớn hơn 30% tình trạng hoạt động của thận sau này.
3. Tán sỏi thận qua da được thực hiện thế nào?
Quy trình thực hiện tán sỏi qua da gồm 3 bước:
Bước 1: Bác sĩ bắt đầu thực hiện gây mê cho người bệnh, gây mê khắp toàn thân hay có thể là giảm đau tiền mê đối với người bệnh đang nằm trên máy tán sỏi.
Bước 2: Đặt bóng phát sóng nhiễu xung kích lên lưng người bệnh tiếp giáp với vị trí sỏi tương ứng.
Bước 3: Qua X-quang định vị, bác sĩ sẽ tiến hành tán sỏi bằng cách phát xung của máy. Xung sóng hội tụ sẽ tập trung chính xác tới viên sỏi và tán nhỏ viên sỏi.
Toàn bộ tiến trình sẽ trong khoảng thời gian 1 giờ và không quá 3000 nhịp xung, mục đích để đảm bảo sự an toàn cho mô thận.
Lưu ý: Sỏi sẽ luôn di chuyển theo từng nhịp thở, vì vậy người bệnh đang điều trị phải giữ nhịp thở sâu. Nếu không đường sóng xung sau khi phát có thể sẽ không tới đúng viên sỏi, điều này sẽ khiến tỷ lệ sỏi tăng lên trong mô thận và hiệu quả tán vỡ sỏi sẽ bị giảm đi.
Phương pháp tán sỏi thận qua da áp dụng nguồn sóng hội tụ xung kích để tán nhỏ vỡ viên sỏi. Hiệu quả sẽ phụ thuộc:
- Công suất của máy tán cũng như độ rắn lẫn kích thước viên sỏi qua chụp X-quang.
- Vị trí viên sỏi trong cơ thể: Sỏi nằm ở đài thận hay bể thận sẽ dễ thực hiện tán nhỏ vỡ thành công hơn sỏi ở niệu quản.
- Khoảng cách tác động sóng từ phần ngoài da đến tâm sỏi: khoảng cách càng xa, quãng đường kích thích tán vỡ càng dài hơn và khó khăn hơn.
- Đường niệu quản thông suốt: Toàn bộ. Hững mảnh vỡ của viên sỏi sẽ được đào thải qua đường niệu quản. Chính vì vậy, chức năng thoát tiểu dễ dàng thì tỷ lệ sỏi ra khỏi cơ thể hoàn toàn sẽ cao hơn. Bác sĩ cũng sẽ dựa vào yếu tố này để chỉ định có thực hiện tán sỏi qua da được hay không.
4. Điều cần làm sau khi tán sỏi qua da
Tán sỏi xong có đau không? Sau khi tiến hành tán sỏi, người bệnh sẽ có cảm giác đau vùng lưng nhẹ và có hiện tượng tiểu ra chút máu hồng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm thuốc giúp ổn định tình trạng này sau tán sỏi.
Người bệnh nên tăng cường nước khoáng mỗi ngày, vì việc này sẽ giúp đường tiết niệu đào thải sỏi thận sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sau điều trị 1 tháng, đánh giá hiệu quả sẽ chính xác nhất.
Nếu có hiện tượng lạ như sốt hay bắt gặp những cơn quặn đau tại vùng thận thì nên tới ngay cơ sở y tế gần nhất chuyên khoa tiết niệu để kiểm tra và xử lý kịp thời.
5. Để không tái phát sỏi thận, cần làm gì?
Thực tế rằng, số lượng người bệnh sau điều trị sỏi thận có đến 20% nguy cơ bị tái phát lại sau đó. Nguyên nhân chính việc dễ tái phát sỏi thận nằm ở chế độ sinh hoạt và ăn uống hàng ngày. Bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa cẩn thận để tránh tái phát về sau:
5.1 Tán sỏi thận xong nên ăn gì?
- Ăn các thực phẩm giúp lợi niệu và dễ tiêu hóa.
- Chế độ ăn và uống lợi niệu sẽ có tác dụng bài xuất các mảnh sỏi vụn, các nhân sỏi nhỏ, dịch máu, cặn máu, các thành phần hữu hình trên thận niệu quản theo ống thông xuống bàng quang, tiểu ra ngoài.
- Các thực phẩm giúp lợi tiểu: Rau cần tây, nước cam hoặc chanh, rau cải, củ cải đường, nước ngô non luộc hoặc nước râu ngô, nước đậu đen (không đường hoặc ít đường)...
- Chế độ ăn dễ tiêu hoá giúp bệnh nhân nhanh hấp thu để hồi phục sức khỏe, liền các tổn thương niêm mạc – thành niệu quản. Đương nhiên chế độ ăn tránh táo bón, giúp bệnh nhân đi ngoài tránh phải rặn. Qua đó giảm áp lực ổ bụng khi đi ngoài sẽ tránh tác động vào niệu quản, vào bàng quang chạm vào ống thông nên hạn chế đau và tiểu máu.
- Các thực phẩm giúp dễ tiêu hóa: rau lang, rau mồng tơi, khoai lang, rau đay, rau nhiếp cá, đậu phụ, chuối, súp lơ,...
- Uống nhiều nước và không nhịn tiểu: Mỗi ngày uống từ 2,5 – 3 lít nước, cần đi tiểu ngay khi có nhu cầu, tốt nhất là nên rèn luyện đồng hồ sinh học thích hợp để tránh phải nhịn tiểu. Có thể bổ sung nước pha bột sắn dây, nước hạt đỗ đen, hay nước trái cây loại mát, có thể giúp đào thải canxi.
5.2 Tán sỏi thận không nên ăn gì?
- Giảm thiểu chế độ ăn nhiều oxalat và canxi. Các thực phẩm nên hạn chế: Tôm, cua, đồ hải sản. Đồ uống nên hạn chế: nước chè đặc, cà phê. Hạn chế lòng lợn hay các món chế biến từ óc của động vật... đây là nguồn thực phẩm dễ gây sỏi thận.
- Nên nghe theo chỉ định bác sĩ để bổ sung một số thuốc kiểm soát tỷ lệ khoáng chất của nước tiểu. Chế độ ăn, uống có chất kháng khuẩn sẽ giúp tăng cường hiệu quả của thuốc kháng sinh. Sau khi hết thuốc kháng sinh uống, các thuốc kháng sinh” thực vật” này rất hữu ích để chống lại nhiễm khuẩn ngược dòng do còn ống thông niệu quản. Các thực phẩm kháng khuẩn tự nhiên: hành, hẹ, tỏi, gừng, mật ong, nghệ, cải bắp...
Tán sỏi qua da là phương pháp kỹ thuật tiên tiến, tạo một công cuộc cách mạng lớn trong việc điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu. Phương pháp tán sỏi qua da là ít gây ảnh hưởng, sang chấn, nó đã được phổ biến và áp dụng rộng rãi nhằm không can thiệp mổ hở mà vẫn có thể tán vỡ sỏi thận từ xa thành công.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.