Có 2 nguyên nhân chính dẫn tới dị vật trực tràng, đó là dị vật nuốt vào đường tiêu hóa hoặc dị vật đâm từ ngoài ra. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau đột ngột và dữ dội trong khi đi vệ sinh, có thể do dị vật đâm vào thành trực tràng. Dị vật trực tràng cần được xử trí lấy ra ngay lập tức để phòng ngừa biến chứng do dị vật gây ra.
1. Dị vật trực tràng
Các dị vật chúng ta có thể gặp như tăm, xương động vật, sỏi đường tiết niệu, vòng tránh thai, gạc phẫu thuật, hoặc các dụng cụ khác có thể ăn mòn vào trực tràng. Đôi khi, đó có thể là những thứ kì lạ có liên quan tới đồ chơi tình dục (sex toy),... Dị vật tại trực tràng từ ngoài vào thường kèm theo vết thương tầng sinh môn. Lấy dị vật trong trực tràng thường có đi kèm với xử trí vết thương tầng sinh môn.
2. Chỉ định và chống chỉ định lấy dị vật trực tràng
Chỉ định và chống chỉ định lấy dị vật trực tràng bao gồm:
- Chỉ định: Các tổn thương tại trực tràng xác định do dị vật gây ra.
- Chống chỉ định: Không có chống chỉ định.
3. Hướng dẫn lấy dị vật trực tràng
3.1. Chuẩn bị
- Người thực hiện: Phẫu thuật viên tiêu hóa hoặc phẫu thuật viên ngoại chung.
- Người bệnh: Thường đến viện trong tình trạng cấp cứu và được chỉ định cho kháng sinh dự phòng, truyền dịch.
- Phương tiện: Van hậu môn, tốt nhất là van Hill Ferguson và bộ dụng cụ trung phẫu.
- Dự kiến thời gian phẫu thuật: 90 phút.
3.2. Các bước thực hiện
- Tư thế: Đặt bệnh nhân ở tư thế phụ khoa, có thể nằm sấp.
- Vô cảm: Tiến hành gây mê toàn thân cho người bệnh, gây tê vùng hoặc gây tê tại chỗ.
- Kỹ thuật lấy dị vật trực tràng:
- Lấy bỏ dị vật trong vết thương (đá, sỏi, mảnh tre,...).
- Làm sạch vết thương bằng các dung dịch bao gồm: Oxy già, betadine,...
- Kiểm tra kỹ các thương tổn ở trực tràng và cơ thắt. Nếu dị vật tại trực tràng làm xuyên thủng thành trực tràng, tổn thương cơ thắt thì cần xử trí như vết thương tầng sinh môn phức.
4. Theo dõi và xử trí tai biến
4.1. Theo dõi
Các vấn đề cần theo dõi người bệnh sau khi lấy dị vật trong trực tràng bao gồm:
- Theo dõi tình trạng toàn thân người bệnh và tại vùng phẫu thuật: Mạch, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ và tri giác.
- Theo dõi tại vết mổ các vấn đề như: Đau, chảy máu, chảy dịch.
- Khi phẫu thuật bằng phương pháp gây tê tủy sống, bệnh nhân thường có biểu bí đái trong ngày đầu, có thể phải đặt sonde bàng quang.
- Sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau nếu cần, thuốc nhuận tràng, thuốc an thần buổi tối. Truyền dịch thường trong khoảng 500ml – 1000ml sau mổ.
- Cho người bệnh ăn nhẹ nhàng khi có trung tiện, tập vận động sớm.
- Săn sóc vết mổ: Cần phải thay băng hàng ngày, khi có hiện tượng bất thường như chảy máu, băng thấm dịch nhiều thì phải kiểm tra vết mổ. Ngâm hậu môn của bệnh nhân trong nước ấm trong một số phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ phẫu thuật.
- Thường sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau từ 3 – 5 ngày bằng các loại giảm đau metronidazol, paracetamol. Ngày đầu chỉ định dùng đường tiêm, từ ngày thứ 2 dùng đường uống. Người bệnh có thể uống thêm thuốc nhuận tràng, tránh táo bón đọng phân trong trực tràng gây kích thích đại tiện, gây tình trạng đau kéo dài. Bắt đầu cho người bệnh ăn trở lại sau mổ 12 giờ.
- Chăm sóc vết mổ tại chỗ: Giữ sạch vết mổ sạch bằng cách sau đại tiện rửa sạch hậu môn và thấm khô.
4.2. Xử trí tai biến
- Chảy máu hậu phẫu: Đây là biến chứng thường gặp và có thể xử trí bằng cách khâu cầm máu.
- Nhiễm trùng vết thương: Cần tiến hành cắt lọc tổ chức hoại tử, trong một số trường hợp cần phải làm hậu môn nhân tạo.
Trên đây là một số thông tin về dị vật trực tràng và cách xử lý. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên đến các trung tâm, cơ sở Y tế uy tín để được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: kcb.vn