Sốc phản vệ và dị ứng có giống nhau không?

Hỏi

Cho em hỏi: Sốc phản vệ và dị ứng có giống nhau không? Mong bác sĩ giải đáp cho em.

Tiên (1999)

Trả lời

Chào bạn,

Khi tiếp xúc và nhận biết được chất lạ (gọi là kháng nguyên), cơ thể sinh ra kháng thể chống lại nó. Khi cơ thể đã có kháng thể đặc hiệu mà tiếp xúc với kháng nguyên lần thứ 2 trở đi, kháng thể sẽ phản ứng với kháng nguyên, thông thường đây là phản ứng bảo vệ, có lợi và không có biểu hiện bệnh lý, trường hợp biểu hiện bệnh lý gọi là quá mẫn. Lâm sàng của quá mẫn rất đa dạng. Gell và Coombs phân loại quá mẫn thành 4 type:

  • Quá mẫn type I là quá mẫn tức khắc hay phản vệ.
  • Quá mẫn type II là quá mẫn gây tan hủy tế bào.
  • Quá mẫn type III là quá mẫn do phức hợp miễn dịch.
  • Quá mẫn type IV là quá mẫn chậm. do đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.

Dị ứng là tình trạng bệnh lý của phản ứng miễn dịch với dị nguyên dẫn đến tổn thương tổ chức và rối loạn chức năng của một số cơ quan.

Theo tài liệu của Bộ Y Tế: Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.

Các biểu hiện của phản ứng phản vệ:

  • Ở da: Ngứa, ban đỏ, phù mạch, mày đay
  • Ở đường hô hấp: Ho, khàn tiếng, khò khè, khó thở, thở rít.
  • Ở đường tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng.
  • Tim mạch: Ngất, tụt huyết áp, sốc, tử vong.
  • Thần kinh: Đau đầu.

Phản ứng phản vệ chia thành 4 mức độ biểu hiện như sau (lưu ý mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự):

1. Nhẹ (độ I): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

2. Nặng (độ II): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:

a) Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.

b) Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.

c) Đau bụng, nôn, ỉa chảy.

d) Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

3. Nguy kịch (độ III): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:

a) Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.

b) Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.

c) Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.

d) Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

4. Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Khái niệm dị ứng thường được hiểu trong cộng đồng là nổi mẩn, ngứa ngoài da, niêm mạc, còn sốc phản vệ là phản ứng dị ứng có sốc và có thể tử vong.

Như vậy, dị ứng và sốc phản vệ giống nhau về cơ chế bệnh sinh: Có sự phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể, xảy ra tức khắc (vài giây đến vài giờ), có biểu hiện bệnh lý (quá mẫn).

Khác nhau: Về vị trí biểu hiện (dị ứng thông thƣờng biểu hiện ngoài da và niêm mạc: da, mũi, mắt, ... và mức độ biểu hiện bệnh.

Nếu còn thắc mắc, bạn có thể đến các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được bác sĩ tư vấn giải đáp. Hãy liên hệ với tổng đài hoặc chăm sóc khách hàng trước khi khám.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi sốc phản vệ và dị ứng có giống nhau không đến Vinmec.

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Tô Văn Thái - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe