Sốc là gì? Các loại sốc thường gặp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.

Sốc kéo dài dẫn tới hội chứng suy đa phủ tạng, có thể gây tử vong nhanh chóng. Vì vậy bệnh nhân sốc cần được chẩn đoán sớm, xử trí và điều trị càng sớm càng tốt.

1. Sốc là gì? Triệu chứng lâm sàng của sốc.

Sốc là tình trạng rối loạn tuần hoàn làm giảm tưới máu cấp ở các mô. Sốc gây các triệu chứng như: Mạch nhanh, nhịp tim nhanh, hạ hoặc kẹp huyết áp, thở nhanh co lõm, vã mồ hôi, lạnh chi, da nổi bông, vã mồ hôi, thời gian đầy mao mạch kéo dài, lơ mơ, bứt rứt, dấu hiệu thiếu oxy não, gan lách to trong trường hợp sốc nhiễm trùng.

Cụ thể, triệu chứng lâm sàng như sau:

Triệu chứng thần kinh

Bệnh nhân ban đầu ở tình trạng kích thích, sau chuyển sang ức chế, phản xạ giảm, tri thức còn.

Triệu chứng toàn thân

Mặt tái, các đầu chi tím, trên da có các mảng thâm tím, ấn vào thì nhạt đi và chậm trở lại như cũ. Người lạnh, vã mồ hôi.

Triệu chứng tuần hoàn

Mạch nhanh, hạ huyết áp, kẹt và dao động. Có thể không có mạch hoặc huyết áp. Áp lực tĩnh mạch trung tâm âm ở sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ hay sốc do giảm thể tích máu.

Sốc do suy tim cấp hoặc ép tim có kèm theo phù phổi cấp, tĩnh mạch cổ nổi.


Sốc có thể gây ra triệu chứng tim đập nhanh và hạ huyết áp
Sốc có thể gây ra triệu chứng tim đập nhanh và hạ huyết áp

Triệu chứng hô hấp

Nhịp thở nhanh, dẫn tới giảm CO2, càng sau thở càng nhanh nông.

Triệu chứng tiết niệu

Lượng nước tiểu giảm do co thắt mạch máu thân.

Sinh hóa

Toan chuyển hóa, Kali máu tăng.

2. Các loại sốc thường gặp

Sốc chấn thương

Là tình trạng suy sụp toàn thân kéo dài do chấn thương mổ hoặc bỏng. Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng rõ ràng như: suy tuần hoàn, lưu lượng tim giảm, cơ thể thiếu oxy. Như vậy, sốc chấn thương khác với các trường hợp tụt huyết áp tạm thời trong mổ, gây tê, sử dụng thuốc,...

Dựa theo diễn biến lâm sàng, sốc chấn thương chia thành nhiều loại:

Sốc cương

Bệnh nhân trong tình trạng phản ứng kích thích, mạch nhanh, huyết áp tăng, thở nhanh,... thường trong 10 – 30 phút đầu.

Sốc nhược

Hệ thần kinh trung ương bị ức chế, dẫn đến các phản ứng toàn thân suy giảm, sốc nhược chia ta thành các mức độ nặng dần, tiên lượng và cách điều trị cũng khó khăn hơn.

Sốc hồi phục và không hồi phục

Nếu sốc chấn thương, với quá trình thiếu oxy kéo dài khiến cho những tổn thương không hồi phục, bắt đầu từ não rồi kéo ra tới tất cả các cơ quan khác. Sốc hồi phục và không hồi phục phụ thuộc vào việc cung cấp máu và tình trạng tổn thương của các cơ quan quan trọng.

Sốc nhiễm khuẩn

Sốc nhiễm khuẩn có thể do nhiều loại vi khuẩn gây ra, trong đó các trực khuẩn gram âm là thường gặp nhất (chiếm 70% các trường hợp). Song trực khuẩn gram dương thường gây sốc nặng hơn.

Một số vi khuẩn gây sốc như:

  • Gram dương: Staphylococcus, Streptococcus, pneumococcus, CloStridium Perfringeus, CloStridium Tetani,...
  • Gram âm: Kleb Siella, Proteus, Escherichia Coli, Pseudo0monas,...

Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn có các triệu chứng như:

  • Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt cao hoặc hạ thân nhiệt, có các cơn rét run, số lượng bạch cầu tăng và chuyển trái.
  • Rối loạn hô hấp: thở nhanh, kiềm hô hấp, thiếu oxy máu.
  • Rối loạn tuần hoàn: tụt huyết áp động mạch, nhịp nhanh, loạn nhịp tim, rối loạn vi tuần hoàn,...
  • Suy đa tạng: Suy thận cấp, suy chức năng gan, rối loạn thần kinh, hội chứng rối loạn đông máu, hội chứng ARDS.

Sốc nhiễm khuẩn chủ yếu do các trục khuẩn gram âm gây ra
Sốc nhiễm khuẩn chủ yếu do các trục khuẩn gram âm gây ra

Sốc giảm thể tích máu

Đây là tình trạng sốc do thiếu oxy tổ chức, làm giảm thể tích tuần hoàn (huyết áp). Bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích máu tương đối hoặc tuyệt đối, nhưng đều khiến tim phải đập nhanh hơn để bù trừ, gây cung lượng tim giảm.

Sốc giảm thể tích máu cũng gây thiếu oxy tế bào, buộc hô hấp tế bào yếm khí kéo dài dẫn tới tổn thương và hoại tử tế bào. Loại sốc này đặc biệt nguy hiểm ở người già có xơ vữa động mạch, bởi dễ dẫn tới tổn thương não, thận, tim và những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân sốc giảm thể tích máu có các triệu chứng lâm sàng do mất máu như:

  • Mạch nhanh, nhỏ, huyết áp hạ, áp lực tĩnh mạch trung tâm hạ;
  • Da niêm mạc lạnh, nhợt nhạt, đầu gối có mảng tím;
  • Vật vã, lờ đờ, rối loạn ý thức;
  • Khát nước, đái ít, vô niệu;
  • Thở nhanh, tím môi và các đầu chi;
  • Nhiệt độ hạ.

Sốc phản vệ

Sốc phản vệ do các thuốc và độc chất gây ra, có thể là sốc dạng keo. Thông thường, người bệnh sốc phản vệ sau khi ăn, uống một thứ gì đó, bị con gì đốt, cắn hoặc tiêm 1 loại thuốc nào đó sau khoảng vài phút – 30 phút.

Bệnh nhân sốc phản vệ có triệu chứng đặc trưng: Co thắt phế quản, tăng tính thấm thành mạch gây phù thanh quản, suy hô hấp, phù và tụt huyết áp, suy hô hấp. Nếu không điều trị đúng các triệu chứng này sẽ nhanh chóng gây tử vong. Ngoài ra có thể có một số triệu chứng kèm theo như: đau bụng, nôn, ỉa chảy, khó thở nhanh,...

Như vậy, sốc có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, cần chẩn đoán đúng để điều trị hiệu quả. Tiên lượng phụ thuộc vào nguyên nhân, sự can thiệp hiệu quả và cơ địa từng người. Nếu có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe, hãy đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe