Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Sốc giảm thể tích máu là một trường hợp cấp cứu vì nếu phát hiện và điều trị muộn, tình trạng tụt huyết áp kéo dài sẽ khiến bệnh nhân bị suy đa tạng và tử vong. Vì vậy, cần thực hiện cấp cứu do sốc giảm thể tích máu càng sớm càng tốt theo đúng phác đồ chuẩn.
1. Tổng quan về sốc giảm thể tích máu
1.1 Sốc giảm thể tích máu là gì?
Sốc là tình trạng giảm dòng máu và giảm cung cấp oxy cho tổ chức ngoại vi, dẫn đến làm suy sụp hoạt động chuyển hóa tế bào và các cơ quan. Sốc giảm thể tích là tình trạng bệnh nhân bị sốc do giảm đột ngột thể tích tuần hoàn (có thể do mất máu toàn phần hoặc chỉ mất dịch, huyết tương), gây giảm tưới máu tổ chức (thiếu oxy tế bào) và rối loạn chuyển hóa tế bào. Tình trạng thiếu oxy tế bào nếu kéo dài có thể gây tổn thương tế bào các tạng. Thậm chí, nếu phát hiện muộn, tình trạng này có thể gây sốc trơ dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây sốc giảm thể tích máu thường do chảy máu nghiêm trọng. Đôi khi, sốc giảm thể tích máu do mất huyết tương hoặc do mất nước lớn, có nguồn gốc từ bệnh tiêu hóa, thận hoặc vấn đề trên da. Bệnh sẽ nặng hơn nếu bệnh nhân có bệnh lý kết hợp như bệnh thận, bệnh tim mạch, đái tháo đường,... Sốc giảm thể tích máu có thể gây nguy hiểm tới tính mạng khi cơ thể mất đến hơn 20% thể tích máu hoặc dịch thể, tim không thể bơm đủ máu đi khắp cơ thể, dẫn tới suy đa phủ tạng. Một số biến chứng nguy hiểm bệnh nhân có thể gặp phải gồm: Suy thận cấp, suy tim, tổn thương phổi cấp, viêm loét dạ dày - tá tràng, suy gan, hoại tử tay - chân,... Vì vậy, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu bị sốc giảm thể tích máu.
1.2 Nguyên nhân gây sốc giảm thể tích máu
Sốc giảm thể tích do mất máu:
● Chấn thương: Vết thương mạch máu, vỡ xương chậu, vỡ tạng đặc,...;
● Chảy máu qua đường hô hấp: Bị ho ra máu nặng;
● Chảy máu đường tiêu hóa: Loét dạ dày - tá tràng, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản,...;
● Mắc bệnh lý mạch máu: Dị dạng động tĩnh mạch, phình bóc tách động mạch;
● Liên quan tới thai sản: Vỡ thai ngoài tử cung, vỡ hoặc rách tử cung, âm đạo, mất máu trong quá trình chuyển dạ.
Sốc giảm thể tích do mất nước:
● Tiểu nhiều do đái tháo nhạt, dùng thuốc lợi tiểu, tăng áp lực thẩm thấu, truyền nhiều dịch ưu trương,...;
● Nôn nhiều;
● Bỏng nặng;
● Say nắng, say sóng;
● Bệnh nhân sau mổ, tiêu cơ vân cấp, viêm tụy cấp,...
1.3 Triệu chứng sốc giảm thể tích máu
● Co mạch ngoại biên: Da lạnh ẩm; đầu chi, môi, tai bị lạnh, tím tái, ấn lên móng tay thấy màu nhạt đi, chậm đỏ trở lại;
● Mạch nhanh, yếu và khó bắt;
● Thở nhanh, tức ngực;
● Tụt huyết áp (huyết áp tâm thu dưới 90mmHg) hay huyết áp kẹt;
● Tiểu ít: Nước tiểu dưới 15ml/giờ;
● Thay đổi trạng thái tâm thần: Vật vã, mê sảng, lú lẫn, lơ mơ, hôn mê,...;
● Nhiễm toan chuyển hóa;
● Triệu chứng xuất huyết nội tạng: Đau bụng, có máu trong phân, phân đen, có máu trong nước tiểu, xuất huyết âm đạo (không phải kinh nguyệt), nôn ra máu, bụng sưng phù,...;
● Các triệu chứng mất máu nếu sốc giảm thể tích do mất máu.
Lưu ý: Cần chẩn đoán phân biệt sốc giảm thể tích máu với sốc do tim, sốc nhiễm khuẩn và sốc phản vệ.
2. Cấp cứu do sốc giảm thể tích máu
2.1 Nguyên tắc cấp cứu
Việc xử trí cho bệnh nhân sốc giảm thể tích máu chủ yếu nhằm 2 mục đích là hồi sức và điều trị nguyên nhân. Các bước cơ bản gồm:
● Đánh giá chức năng sống cơ bản;
● Xác định nguyên nhân;
● Làm các xét nghiệm cơ bản, xác định nhóm máu nếu sốc giảm thể tích máu do mất máu;
● Truyền dịch ngay lập tức.
2.2 Thực hiện cấp cứu
● Thực hiện các động tác cấp cứu cơ bản:
○ Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm đầu thấp, 2 chân nâng cao, chú ý phòng nguy cơ sặc phổi;
○ Thở oxy mũi 2 - 6 lít/phút;
○ Nếu bệnh nhân có nguy cơ trào ngược vào phổi, suy hô hấp hoặc rối loạn ý thức nên đặt nội khí quản;
○ Nếu bệnh nhân có chỉ định thở máy, cần tránh thở máy áp lực dương cao;
○ Đặt 2 đường truyền tĩnh mạch chắc chắn, đủ lớn;
○ Giữ ấm cho bệnh nhân;
○ Đặt ống thông bàng quang nhằm theo dõi lượng nước tiểu;
○ Lấy máu thực hiện các xét nghiệm cơ bản, làm điện tim.
Hồi phục thể tích và chống sốc:
○ Bù lại lượng dịch đã mất, tái hồi lại tình trạng huyết động;
○ Truyền dịch NaCl 0,9% hoặc Ringer Lactate với liều lượng và thời gian phù hợp theo đúng phác đồ điều trị. Ở hầu hết bệnh nhân sốc giảm thể tích máu, truyền 1 - 2 lít dịch muối đẳng trương giúp điều chỉnh được lượng dịch đã mất;
○ Truyền dung dịch keo theo đúng liều lượng nếu cần thiết;
○ Truyền máu: Truyền máu ngay trong trường hợp sốc mất máu. Trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhóm máu hiếm, cần truyền ngay nhóm máu O trong khi chờ xác định nhóm máu để truyền loại máu cùng nhóm.
Lưu ý:
● Liều lượng và tốc độ dịch truyền phụ thuộc vào mức độ sốc và tình trạng tim mạch của bệnh nhân;
● Mục đích giúp bệnh nhân thoát sốc (biểu hiện là da ấm, huyết áp tối đa trên 90mmHg, nước tiểu trên 50ml/giờ và hết kích thích;
● Nên theo dõi mạch, huyết áp, nghe phổi, điện tâm đồ,... ở bệnh nhân có bệnh tim mạch
2.3 Điều trị nguyên nhân
Giải quyết tình trạng chảy máu gây sốc giảm thể tích máu bằng cách:
● Cầm máu vết thương (băng ép vết thương hở đang chảy máu);
● Tiêm xơ cầm máu trong các trường hợp giãn tĩnh mạch thực quản, cắt dạ dày, truyền terlipressin,...;
● Mổ thăm dò để phát hiện, kiểm soát nguồn chảy máu từ vết thương trong lồng ngực, trong ổ bụng;
● Chụp mạch, tìm vị trí chảy máu, điều trị bằng phương pháp nút mạch đối với mạch đang chảy máu;
● Nội soi dạ dày nhằm chẩn đoán nguyên nhân, cầm máu nếu người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa.
2.4 Điều trị phối hợp
● Truyền tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh nếu cần thiết;
● Cân nhắc truyền yếu tố VII khi người bệnh có tình trạng chảy máu lan tỏa hoặc chảy máu tiếp diễn không thể cầm máu bằng phẫu thuật đã điều chỉnh các yếu tố đông máu;
● Sử dụng clorua canxi, clorua magie để điều trị tình trạng hạ canxi và magie do truyền chế phẩm chống đông máu bằng citrat;
● Sử dụng kháng sinh dự phòng và điều trị các vết thương hở có nguy cơ nhiễm trùng;
● Phát hiện và điều trị các biến chứng liên quan tới truyền chế phẩm máu như sốc phản vệ, tổn thương phổi cấp,...
3. Phòng ngừa nguy cơ sốc giảm thể tích máu
Phát hiện và điều trị các nguyên nhân dễ dẫn đến sốc mất máu như chảy máu do chấn thương,... hoặc mất nước.
Nếu sốc giảm thể tích máu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi, không để lại di chứng. Còn trong trường hợp phát hiện muộn, không điều trị tích cực, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp kéo dài, dẫn tới suy đa tạng và tử vong. Tỷ lệ nguy hiểm càng tăng nếu bệnh nhân mắc một số bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh thận, bệnh tim mạch,... Do vậy, khi nghi ngờ bị sốc giảm thể tích máu, bệnh nhân nên được đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời.
XEM THÊM: