Chẩn đoán sốc bỏng

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phan Phi Tuấn - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Lâm sàng sốc bỏng biểu hiện rất đa dạng phụ thuộc vào diện tích bỏng chung, diện tích bỏng sâu, sơ cứu, cấp cứu trước đó, sức khỏe chung , bệnh lý đi kèm ... có 2 dạng biểu hiện là sốc cương và sốc nhược.

1. Sốc cương

Biểu hiện trạng thái bù đắp quá mức, đáng lưu ý là hiện tượng trung tâm hoá tuần hoàn, thường gặp ở bệnh nhân đến sớm, trong những giờ đầu sau bỏng hoặc bệnh nhân bỏng nhẹ, vừa (theo Visơnhepski 1967: gặp 12,5%).

Biểu hiện: Kích thích, vật vã, huyết áp động mạch tăng, CVP tăng, mạch nhanh, nẩy. Huyết áp tăng nhất thời do trung tâm co mạch hưng phấn tăng tiết. cathecholamin gây co mạch. Thở nhanh sâu do trung khu hô hấp hưng phấn. Sốc cương có thể phục hồi nếu diện bỏng không rộng, bệnh nhân được điều trị kịp thời. Nếu trường hợp bỏng nặng và/ hoặc sơ cứu không đúng cách, bệnh lý phối hợp phức tạp ... , sốc cương có thể chuyển thành sốc nhược.


Khi sốc cương cần được điều trị kịp thời để tránh chuyển thành sốc nhược
Khi sốc cương cần được điều trị kịp thời để tránh chuyển thành sốc nhược

2. Sốc nhược

Có thể xuất hiện muộn sau vài giờ (giờ thứ 5-6), song song mức thoát huyết tương và giảm khối lượng máu lưu hành, cũng có thể xuất hiện sau những chấn thương bổ sung khi vận chuyển, khi xử lý vết thương sớm. Nếu bỏng rộng, độ sâu lớn, sốc nhược có thể xuất hiện ngay, thường nặng với các biểu hiện sau:

Tâm thần kinh: Có thể trong trạng thái tinh thần kích thích hoặc ức chế ngay từ đầu.

Kích thích: Bệnh nhân, lo lắng, vật vã, kêu đau, kêu lạnh, rung cơ, rét run. Khát nước, đòi uống nhưng ý thức còn. Trạng thái này kéo dài 1-2 giờ, sau dần chuyển sang trạng thái ức chế.

Ức chế: bệnh nhân thờ ơ ngoại cảnh, gọi hỏi đáp ứng chậm. Cảm giác đau đớn hầu như giảm, nhưng bất kỳ yếu tố nào: băng bó, vận chuyển, thay đổi tư thế, cảm giác đau tăng. Nặng hơn, bệnh nhân có thể hôn mê, đồng tử giãn. Trẻ em có thể co giật, tím tái, sùi bọt mép, trợn mắt...... Đôi khi có biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật: vã mồ hôi, chân tay lạnh.

Thân nhiệt: Thân nhiệt thường giảm, có thể dưới 35.50C, ở trẻ em và một số người già có thể sốt cao co giật, có thể gây tử vong. Co giật ở trẻ em trong giai đoạn sốc còn có thể do thiếu oxy nặng, do rối loạn điện giải, do hạ đường huyết....Thân nhiệt nếu quá tăng hoặc quá giảm tiên lượng đều nặng.

Tuần hoàn: Mạch nhanh nhỏ, có khi yếu không bắt được, đôi khi ngay cả những động mạch lớn như động mạch đùi, động mạch cảnh cũng không bắt được. Đây là triệu chứng quan trọng của sốc bỏng. Mạch nhanh do huyết áp giảm gây kích thích trung khu tim đập nhanh. Mạch yếu do giảm khối lượng máu lưu hành.

Huyết áp tĩnh mạch trung ương (CVP) giảm, bằng không đôi âm tính: là triệu chứng quan trọng trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị. CVP biểu hiện: Khối lượng máu lưu hành, sức co bóp cơ tim, trương lực mạch ngoại vi, đánh giá hiệu quả, mức độ an toàn của biện pháp truyền dịch. CVP bình thường 8-12 cm H2O. Trong sốc bỏng, nó giảm, thường do khối lượng máu lưu hành giảm. Xanh xao, đôi khi xanh tím, liên quan rối loạn vi tuần hoàn và hoạt động tim.

Hô hấp: Thường ít rối loạn nếu không có bỏng hô hấp và sốc không quá nặng, có thể gặp ran ẩm do tăng tiết, qua giai đoạn sốc triệu chứng này mất. khi sốc nặng có thể thở nhanh nông, chậm nông, loạn nhịp, có thể phát sinh rối loạn hô hấp chu kỳ do trung khu hô hấp bị ức chế. Tiên lượng xấu nếu suy hô hấp sớm, ngáp cá: trạng thái tận cùng.

Tiết niệu: Thiểu niệu thường xuất hiện sớm ( theo Paris 1967: 98 % các trường hợp sốc) ngay cả khi huyết áp chưa thay đổi, đóng vai trò rất quan trọng đánh giá mức độ sốc và hướng dẫn cách điều trị. Số lượng nước tiểu: Thiểu niệu từng đợt hoặc kéo dài, số lượng nước tiểu dưới 500 ml/ 24 giờ hoặc 30ml/h. Nặng hơn có thể vô niệu, số lượng nước tiểu <300ml/24h hoặc vô niệu hoàn toàn. Màu sắc nước tiểu có thể vàng trong, khi sốc nặng, nước tiểu có màu đỏ, nâu sẫm (biểu hiện đái Hb). Nước tiểu có thể mùi khét, mùi sừng cháy, tỷ trọng tăng.

Tiêu hoá: những rối loạn ở mức độ khác nhau.

  • Mức độ nhẹ: chán ăn, bỏ ăn, trẻ em bú kém hay bỏ bú.
  • Mức độ nặng: buồn nôn, nôn, xuất huyết tiêu hóa

Chướng bụng, có thể gây khó thở cấp. Biểu hiện liệt dạ dày, ruột cấp. Có thể gặp loét cấp ống tiêu hoá, đây là 1 dấu hiệu tiên lượng nặng.


Khi chuyển sang sốc nhược, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp cấp
Khi chuyển sang sốc nhược, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp cấp

3. Cận lâm sàng

Có thể có các biểu hiện cô đặc máu, rối loạn nước, điện giải, rối loạn cân bằng acid- base, rối loạn chức năng bài tiết nước tiểu.

3.1 Máu

Cô đặc máu: Hồng cầu tăng, hematocrit tăng, Hb tăng ( biểu hiện mất huyết tương do thoát qua vết bỏng và thoát vào khoảng gian bào), bạch cầu tăng (do cô máu, do tăng phản xạ).

Tán huyết: Tình trạng cô đặc máu có thể bị che mờ do tán huyết với biểu hiện: HC bình thường, xuất hiện HC nhỏ, Hb giảm.

Rối loạn đông máu: Có thể tăng đông giai đoạn sớm. Hiếm gặp hội chứng đông máu rải rác lòng mạch

3.2 Rối loạn nước, điện giải: Quan trọng nhất là Na+ và K+

  • K+ tăng: do sự thoát và chuyển dịch K+ ở mô tế bào bị tổn thương ra khoảng gian bào ( K+ máu tăng khi khối lượng lớn cơ bị tổn thương). Na+ giảm do Na+ chuyển dịch vào nội bào và mất Na+ do thoát huyết tương. Na+ máu giảm kèm theo Cl- máu giảm.
  • Rối loạn cân bằng acid - base: do tăng tạo acid trong cơ thể và do ứ đọng acid (suy thận).Đặc trưng nhiễm acid chuyển hóa với các biểu hiện: Tăng hô hấp ( thải CO2), pCO2 máu giảm, pH giảm, HCO3 giảm .
  • Các xét nghiệm khác: Protid máu giảm, glucose máu tăng gây do giảm tiết Insulin, tăng tiết Glucagon, Adrenalin, ACTH, Glucocorticoid gây glucose niệu (+), Protein niệu (+).
  • Rối loạn bài tiết nước tiểu: Nitơ máu, acid lactic, urê máu, creatinin máu tăng.

Liên quan rối loạn điện giải đồ ở nước tiểu:

  • K+ niệu tăng do tăng thải K+. Na+, CL- giảm do trong máu giảm.
  • Có hồng cầu, bạch cầu, trụ hạt, Hb niệu (+), urobilin (+), tỷ trọng nước tiểu tăng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe